Nóng cạnh tranh chiến lược tại Thượng đỉnh các quốc đảo Thái Bình Dương

Từ ngày 16/7, tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản chủ trì Hội nghị thượng đỉnh các đảo quốc Thái Bình Dương lần thứ 10, kéo dài 3 ngày. Diễn ra trong bối cảnh nhiều quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc, đang tăng tốc mở rộng ảnh hưởng trong khu vực, sự kiện được đánh giá là cơ hội để Nhật Bản có thể gia tăng tiếng nói và vị thế với các quốc đảo trong khu vực.

Động lực của Nhật Bản

Động lực để Nhật Bản tổ chức Hội nghị thượng đỉnh các quốc đảo Thái Bình Dương chính là vì lợi ích quốc gia. Tuy nhiên, động lực này có nhiều yếu tố. Trong đó có 3 yếu tố chính.

Thứ nhất là yếu tố về mặt chính sách. Từ mấy chục năm nay Nhật Bản luôn duy trì chính sách hỗ trợ cho các nước khác. Chính sách này được Quốc hội Nhật Bản thông qua và được người dân ủng hộ. Bởi vì nó đóng góp thiết thực cho việc xây dựng và làm đẹp hình ảnh của Nhật Bản, duy trì và gia tăng lợi ích quốc gia thông qua việc tạo thuận lợi cho các hoạt động kinh tế, văn hóa và công nghiệp văn hóa của doanh nghiệp và người dân Nhật Bản.

Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio. Ảnh: JapanGov

Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio. Ảnh: JapanGov

Yếu tố thứ hai là tăng cường sự hiện diện và tầm ảnh hưởng để vừa nhằm đảm bảo an ninh quốc gia từ xa vừa duy trì lợi ích quốc gia về nhiều mặt. Quá trình này khiến Nhật Bản buộc phải cạnh tranh với các nước lớn cũng đang có những mục tiêu và ý đồ tương tự.

Một yếu tố nữa là bản thân Nhật Bản cũng có nhu cầu hợp tác thực sự với các nước khác để đối phó với một vấn đề mà không một nước nào có thể đơn độc mà làm được, đó là biến đổi khí hậu.

Sức hút của Nhật Bản đối với các quốc đảo Thái Bình Dương

Một trong những điểm nhấn mà Nhật Bản có thể hỗ trợ các quốc đảo Thái Bình Dương là ứng phó thiên tai, biến đổi khí hậu. Nhưng liệu lĩnh vực này đã đủ để các quốc đảo Thái Bình Dương “nghiêng” về phía Tokyo hay chưa? Đây là một câu hỏi khó, bởi nước nào cũng có lợi ích riêng và bài toán riêng của mình. Các đảo quốc Thái Bình Dương cũng có lợi ích từ nhiều bên chứ không chỉ từ Nhật Bản.

Tuy nhiên, cục diện hiện nay đang thay đổi xuất phát từ một số thực tế. Thứ nhất, Hội nghị thượng đỉnh các đảo quốc Thái Bình Dương được tổ chức đến 10 lần từ năm 1997 đến nay mà vẫn thu hút hầu hết các đảo quốc Thái Bình Dương tham dự một cách nhiệt tình và hiệu quả. Các nước luôn đưa ra nhiều ý tưởng cụ thể nhằm tăng cường hợp tác song phương một cách thiết thực chứ không phải chỉ tham gia hời hợt theo kiểu “cho nó có”.

Thứ hai, các đảo quốc Thái Bình Dương thực sự hoan nghênh và đánh giá cao sự hợp tác, hỗ trợ của Nhật Bản về Viện trợ phát triển chính thức (ODA) cũng nhưng những viện trợ đột xuất cả về kỹ thuật lẫn tài chính khi xảy ra thiên tai. Các nước còn bày tỏ sự cảm ơn khi Nhật Bản chia sẻ kịp thời các thông tin về thời tiết, khí tượng thu thập được bằng các thiết bị, kỹ thuật tối tân của mình.

Thứ ba, trong bối cảnh các đảo quốc đang đối mặt với thiên tai nghiêm trọng, thậm chí có khả năng chìm hẳn xuống biển, các nước này cũng giống Nhật Bản là có nhu cầu hợp tác thực tế theo phương châm “hợp tác với người cũng chính là giúp mình”.

Lợi thế cạnh tranh của Nhật Bản

Nhật Bản và Trung Quốc đang trên đường đua cạnh tranh ảnh hưởng trong quan hệ với các quốc đảo Thái Bình Dương. Nhật Bản có một số lợi thế so sánh đáng kể.

Thứ nhất là về cách làm. Người Nhật có cách làm riêng không giống ai. Lúc mới đầu thì hơi khó hiểu, nhưng lâu dần sẽ thấy hiệu quả thiết thực của nó. Trước khi đưa ra một gói hỗ trợ nào đó, Nhật Bản đều điều tra kỹ xem đối tác thực sự muốn gì, cần gì, hỗ trợ làm sao cho hiệu quả, thậm chí hỗ trợ theo hướng như chúng ta hay nói nôm na là “không cho người ta con cá mà cho cái cần câu”. Cách này ban đầu mất thời gian nhưng về sau sẽ tiết kiệm cả về thời gian, công sức và tiền bạc.

Thứ hai, Nhật Bản có lợi thế về công nghệ và tiềm năng kinh tế. Có thể nói về quan trắc khí tượng, Nhật Bản vẫn là nước hàng đầu thế giới. Với công nghệ đó và với nguồn vốn ODA dành cho các đảo quốc mà Nhật Bản cam kết sẽ duy trì, chắc chắn các đảo quốc sẽ nâng cao được năng lực phòng ngừa và giảm nhẹ thiệt hại của thiên tai. Tôi muốn nêu thêm là mối quan hệ mật thiết và cách thức đi vào lòng người mà Nhật Bản đã duy trì với các đảo quốc hơn 25 năm qua.

Tuy nhiên, cũng không thể bỏ qua cạnh tranh của các nước lớn khác trong đó có một cường quốc cũng mạnh về nhiều mặt. Đó là Trung Quốc. Từ cuối thế kỷ 20 Trung Quốc đã coi biển là “không gian sinh tồn” của nước này trong thế kỷ 21 và gần đây Trung Quốc đã triển khai nhiều bước, nhiều kế hoạch mạnh mẽ để thực hiện mục tiêu của mình, trong đó có việc tăng cường quan hệ với các đảo quốc Thái Bình Dương nhằm tạo ảnh hưởng.

Trung Quốc sẽ là đối trọng lớn không chỉ với Nhật Bản mà còn đối với cả các nước lớn khác bao gồm cả Mỹ.

Tuấn Nhật/VOV-Tokyo

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/nong-canh-tranh-chien-luoc-tai-thuong-dinh-cac-quoc-dao-thai-binh-duong-post1108163.vov