Nóng chuyện tăng lương
Dự kiến ngày 8/8, Hội đồng Tiền lương quốc gia họp phiên đầu tiên nhằm thảo luận và đưa ra các phương án cho tăng lương tối thiểu vùng năm 2024. Điều đó một lần nữa lại làm nóng dư luận xã hội, nhất là trong bối cảnh kinh tế còn phải đối mặt nhiều thách thức, nhiều mặt hàng cần thiết cho cuộc sống sinh hoạt hàng ngày tăng giá.
Sau nhiều lần đắn đo, cuối cùng vợ chồng anh Nguyễn Quốc Hưng cũng quyết định xin nghỉ việc về quê. Anh Hưng vốn là công nhân cơ khí, vợ anh, chị Thu Hoài là công nhân may. Cả hai may mắn có công việc đều ổn định, không phải nghỉ luân phiên, tuy nhiên từ tháng 10 năm ngoái đến nay công ty ít đơn hàng nên hầu như không có việc làm thêm.
Người lao động và áp lực chi tiêu sinh hoạt hàng ngày
Chia sẻ về quyết định dời Hà Nội về quê sau gần 10 năm làm công nhân, anh Hưng nói: Trước đây tôi luôn hy vọng hai vợ chồng làm công nhân chăm chỉ làm ăn, tích cóp cố mua căn nhà xã hội trả góp, nhưng sau 10 năm vất vả vẫn không có nhà. Vì vậy, chúng tôi quyết định về quê. Ở quê xin việc không dễ nhưng ít ra con cái sẽ được ở trong một ngôi nhà đúng nghĩa chứ không phải căn trọ thiếu ánh sáng mà chúng tôi đã thuê.
Anh Hưng cho biết sẽ chọn rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần để về quê.
Chọn rút BHXH một lần để xoay vòng lập nghiệp không chỉ là lựa chọn của anh Hưng mà là câu chuyện của rất nhiều lao động hiện nay. Nhiều lao động dù vẫn đang đi làm, có việc làm song vì thu nhập thấp, bấp bênh, không đủ chi phí nên đã chọn rút BHXH một lần để trang trải cuộc sống trước mắt.
Trường hợp chị Vũ Thị My, công nhân khu công nghiệp Bá Thiện 2 (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) là một minh chứng. Dù không phải nghỉ việc luân phiên nhưng do thu nhập quá thấp, chị My quyết định xin nghỉ việc và rút BHXH một lần.
“Hơn 10 năm đi làm, số tiền rút BHXH một lần không được bao nhiêu, biết là thiệt nhưng không thế thì không có tiền lo cho con ăn học. Lương tối thiểu vùng tăng mà tôi chỉ được vỏn vẹn 5,8 triệu đồng/tháng, trong khi đó gần năm nay công ty không có nhiều đơn hàng nên không được làm thêm”- chị My nói.
Theo ông Phan Thanh Hải - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam (Khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai, Hà Nội), khó khăn đối với người lao động (NLĐ), nhất là lao động trong các khu công nghiệp và khu chế xuất là chi phí sinh hoạt như tiền điện, tiền nước, tiền thuê trọ, tiền đóng học cho con tăng.
Không được hỗ trợ và với thu nhập như hiện nay, NLĐ luôn phải chịu áp lực chi tiêu sinh hoạt hàng ngày. Chính vì vậy, ngoài những quy định của pháp luật lao động, các doanh nghiệp (DN) nên xây dựng những chính sách riêng phù hợp với điều kiện của mình để giữ chân NLĐ. Nếu không thực hiện được việc này thì có khả năng, NLĐ sẽ nghỉ việc hoặc DN giảm bớt công nhân, song đến lúc có đơn hàng, DN sẽ không tuyển kịp công nhân có tay nghề phù hợp.
Điều chỉnh lương và khả năng chi trả của doanh nghiệp
Câu chuyện tăng lương tối thiểu vùng thật sự nóng khi các cơ quan có thẩm quyền chưa đưa ra phương án điều chỉnh lương tối thiểu vùng cho năm 2024. Mức tăng, thời điểm áp dụng cần tính toán để đảm bảo khả năng chi trả của DN.
Theo thống kê trong 6 tháng đầu năm 2023, tình trạng DN gặp khó khăn, phải cắt giảm việc làm khiến cho số lao động bị mất việc làm, giãn việc tiếp tục tăng. Quý I là 443 nghìn lao động (trong đó 149 nghìn lao động mất việc, tăng 31 nghìn người so với quý trước). Quý II là 459,3 nghìn lao động (riêng số lao động mất việc là 217,8 nghìn người, tăng 68,8 nghìn người so với quý trước). Đáng chú ý, 6 tháng đầu năm 2023, số người đến nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp là hơn 562.600 người, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2022; số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp là trên 518.500 người, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế 6 tháng đầu năm, cơ quan BHXH giải quyết cho hơn 668.000 người hưởng các chế độ BHXH một lần. Những con số này cho thấy, cuộc sống NLĐ đang rất khó khăn, việc tăng lương là điều cần thiết để giữ ổn định an sinh xã hội.
Khảo sát của Viện Công nhân và Công đoàn trên 6.000 đoàn viên công đoàn thuộc 16 tỉnh cho thấy, lo lắng của phần lớn NLĐ vẫn là vấn đề bảo đảm việc làm, thu nhập, cuộc sống hàng ngày. Cụ thể có trên 58% công nhân lao động không có tích lũy; chỉ trên 11% có tích lũy đủ chi tiêu dưới 1 tháng; 16% có tích lũy đủ chi tiêu 1 - 3 tháng và chỉ hơn 12% có tích lũy đủ chi tiêu trên 3 tháng. Đi cùng với đó, công nhân cũng mong muốn nhà nước kịp thời điều chỉnh tiền lương tối thiểu, đi làm phải đủ sống và có tích lũy phòng khi bị giảm hoặc mất việc.
Ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, hầu hết NLĐ đều mong muốn được tăng lương tối thiểu vì cuộc sống của họ rất khó khăn. “Do đó, Công đoàn sẽ đề xuất mức tăng phù hợp. Về thời điểm áp dụng, NLĐ mong muốn sẽ được tăng lương tối thiểu ngay từ ngày 1/1/2024” - ông Hiểu cho biết.
Ở một góc nhìn khác, ông Phạm Minh Huân - nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nguyên Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia cho rằng, điều quan trọng nhất là tăng lương ở DN phải gắn với năng suất lao động, hiệu quả sản xuất, kinh doanh; khả năng chi trả của DN. Cùng với đó, cần tính đến bối cảnh thị trường lao động trong nửa đầu năm 2023 khi có hơn 500.000 người lao động bị ảnh hưởng đến việc làm, các DN cũng đang gặp thách thức lớn.
Còn Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đặt vấn đề, nếu điều chỉnh thì điều chỉnh như thế nào? Việc này sẽ được đánh giá một cách căn cơ, bài bản sau đó mới có phương án cụ thể trên tinh thần hài hòa, tạo điều kiện cho DN phát triển thì mới tạo công ăn, việc làm cho NLĐ.
Dự kiến ngày 8/8 tới đây, Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ họp bàn cùng với các bên liên quan để xem xét, đánh giá, tính toán có điều chỉnh mức lương tối thiểu vào năm 2024 hay không.
Mức lương tối thiểu vùng là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận và trả lương. Trong đó, mức lương trả cho người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường; bảo đảm đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận. Mức lương tối thiểu vùng đang được áp dụng từ ngày 1/7/2022, tùy theo vùng, cao nhất là vùng 1: 4,68 triệu đồng/tháng và thấp nhất là vùng 4: 3,25 triệu đồng/ tháng.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/nong-chuyen-tang-luong-5724657.html