Nóng: CSGT sẽ kiểm tra nồng độ cồn tất cả tài xế vào cao tốc
Đây là kế hoạch của Cục CSGT vừa triển khai nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông dịp tết Nguyên đán và cả năm 2020.
Ngày 17-1, Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Cục CSGT, cho biết Cục vừa triển khai kế hoạch tăng cường kiểm tra vi phạm nồng độ cồn nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông dịp tết Nguyên đán và cả năm 2020.
Theo đó, các phương tiện khi vào cao tốc sẽ bị kiểm tra nồng độ cồn. Địa điểm đặt chốt kiểm tra là tại lối vào các tuyến cao tốc (khu vực trạm thu phí). Việc kiểm tra nồng độ cồn trên cao tốc sẽ không giới hạn trong dịp tết mà kéo dài suốt cả năm 2020.
Các phương tiện ngay sau khi qua trạm thu phí sẽ được yêu cầu đi chậm và dừng trước chốt kiểm tra. Lực lượng CSGT sẽ trao đổi, hỏi han tài xế để xác định dấu hiệu có bia rượu hay không. Sau khi xác định tài xế đã sử dụng rượu bia, lực lượng sẽ kiểm tra định lượng bằng máy đo nồng độ cồn.
Cục CSGT khẳng định thời gian từ khi dừng xe đến khi phát hiện trường hợp vi phạm nồng độ cồn chỉ mất 3-5 phút. Với các trường hợp không phát hiện vi phạm chỉ dưới 3 phút/phương tiện.
Trước đó, Cục CSGT có số liệu chính thức về tình hình tai nạn giao thông và công tác xử lý vi phạm sau hai tuần Nghị định 100/2019 có hiệu lực.
Theo đó, từ ngày 1 đến 15-1, cả nước xảy ra 322 vụ TNGT, làm chết 249 người, bị thương 158 người. So với thời gian trước liền kề giảm 31 vụ (8,8%), giảm 38 người chết (13,2%) và giảm 57 người bị thương (26,5%).
Về công tác xử lý vi phạm, lực lượng CSGT toàn quốc đã kiểm tra, xử lý gần 55.000 trường hợp, trong đó có gần 6.300 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, phạt tiền hơn 21 tỉ đồng.
Một số địa phương có kết quả xử lý vi phạm nồng độ cồn cao như: Quảng Ninh (475 trường hợp), Thanh Hóa (379 trường hợp), Đồng Nai (327 trường hợp), TP.HCM (209 trường hợp), Hà Nội (136 trường hợp)…
Đáng chú ý, lực lượng CSGT đã xử lý nhiều công chức vi phạm về lỗi này. Điển hình như tại Thái Bình, một phó giám đốc bệnh viện bị phạt 35 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 23 tháng, tạm giữ phương tiện bảy ngày.
Hay như tại Quảng Bình, một phó trưởng Phòng GD&ĐT cũng bị xử phạt ở mức tương tự. Hiện Phòng GD&ĐT đang xem xét kỷ luật về mặt Đảng và chính quyền đối với trường hợp vi phạm này.
Đặc biệt, có ba địa phương (Thanh Hóa, Hà Tĩnh và Hà Nội) đã xử phạt người điều khiển xe đạp, xe máy điện vi phạm nồng độ cồn, trong đó có cả người nước ngoài vi phạm. Đây là điểm mới của Nghị định 100/2019 so với Nghị định 46/2016 trước đây.