Nóng cuộc đua 5G
Các nhà mạng lớn như Viettel, Vinaphone, MobiFone đang đẩy mạnh việc thử nghiệm và triển khai mạng di động thế hệ thứ năm (5G).
Bước tiến lớn
Trên thế giới, mạng 5G và hệ sinh thái ứng dụng đi kèm đang góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số sâu rộng trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Không nằm ngoài xu hướng, từ năm 2020, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên thí điểm và ứng dụng 5G. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, các doanh nghiệp trong nước đã có thời gian thử nghiệm 5G để nghiên cứu, lựa chọn các giải pháp hiệu quả, khả thi về kinh tế, kỹ thuật, từ đó hiện thực hóa chủ trương “triển khai thương mại hóa 5G” trong năm 2024.
Điều kiện tiên quyết để xây dựng mạng 5G chính là các cuộc đấu giá băng tần đã được thực hiện. Sau khi trúng đấu giá, doanh nghiệp sẽ được cấp giấy phép kinh doanh thương mại 5G, giấy phép sử dụng băng tần tương ứng và được phép triển khai hạ tầng, phủ sóng diện rộng trên cả nước.
Trong tháng 3/2024, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) trúng đấu giá khối băng tần B1 (2.500 - 2.600 MHz) vào ngày 8/3, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) trúng đấu giá khối băng tần C2 (3.700 - 3.800MHz) ngày 19/3. Phiên đấu giá khối băng tần C3 (3.800 - 3.900 MHz) ngày 14/3 bất thành do số lượng doanh nghiệp tham gia đấu giá không đáp ứng quy định tối thiểu. Khối băng tần B1, C2 và C3 là các phân đoạn tần số quan trọng trong lĩnh vực viễn thông và có vai trò riêng biệt trong sự phát triển của mạng 5G.
Đại diện Viettel cho biết, B1 là băng tần hiệu quả để triển khai đồng thời cả mạng di động 4G và 5G. Đây cũng là băng tần tối ưu được vùng phủ với bán kính gấp 1,3 lần so với băng tần band C (3.500 MHz). Hiện tại, các thiết bị 5G do Viettel nghiên cứu và sản xuất đã sẵn sàng để chạy triển khai trên băng tần B1.
Đại diện VNPT cho hay, băng tần C2 cho phép Tập đoàn có nhiều lựa chọn thiết bị mạng, chi phí triển khai mạng 5G hợp lý nhất và đáp ứng chiến lược triển khai mạng 5G tốc độ cao nhất tại Việt Nam. Để tăng cường hiệu quả triển khai 5G, VNPT sẽ hợp tác chia sẻ hạ tầng với nhà mạng trúng thầu băng tần C3 trong lần đấu giá lại sắp tới (băng tần C2 và C3 cung cấp một sự cân bằng tốt giữa tốc độ truyền dẫn dữ liệu và khả năng phủ sóng). Nhà mạng này còn sở hữu dải băng tần 1.800 MHz, một lợi thế trong việc thúc đẩy mạng 5G, đồng thời tạo tiền đề cho việc phát triển mạng 6G.
MobiFone chưa sở hữu băng tần dành cho mạng 5G thông qua hình thức đấu giá (mỗi doanh nghiệp chỉ được phép trúng tối đa 1 khối băng tần), nhưng trước đó đã triển khai thử nghiệm 5G ở TP.HCM, Huế, Nha Trang, Phú Quốc... Quá trình thử nghiệm đã cung cấp những cơ sở dữ liệu ban đầu để nhà mạng đánh giá và xây dựng các phương án mở rộng mạng lưới trong tương lai.
“MobiFone tiếp tục đẩy mạnh triển khai kinh doanh 5G, mục tiêu phát sóng tối thiểu 1.000 trạm 5G trong năm 2024”, ông Nguyễn Hồng Hiển, Chủ tịch Hội đồng thành viên MobiFone chia sẻ.
Doanh nghiệp nhỏ khó có thể “đua”
Chi phí đầu tư ban đầu cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng 5G rất lớn, trong khi thời gian thu hồi vốn lâu.
Theo phân tích của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, một nhà mạng muốn phát triển bền vững thì mỗi năm phải đầu tư 15 - 20% doanh thu cho mạng lưới. Ví dụ, VNPT, Viettel sẽ phải chi đầu tư cho mạng lưới 10.000 - 15.000 tỷ đồng/năm. Một mạng di động chất lượng tốt, dung lượng lớn, phủ sóng sâu, tốc độ cao, thì bình quân 1.000 dân có một trạm phát sóng, nhưng ở Việt Nam hiện nay, với mạng di động tốt nhất, bình quân 2.000 dân mới có một trạm phát sóng. Do đó, các nhà mạng cần đầu tư mạnh hơn nữa để nâng cao chất lượng mạng lưới, nhất là khi triển khai 5G.
Ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó trưởng ban Công nghệ, VNPT cho biết, Tập đoàn đang triển khai cùng lúc cả 2G, 3G, 4G, 5G, với các bài toán về tài nguyên tần số, không gian triển khai thiết bị trên các cột anten, nguồn điện... Đây là thách thức trong việc làm sao triển khai tất cả một cách nhanh chóng, an toàn. VNPT dự kiến sẽ tắt sóng 2G trong năm 2024 và cắt sóng 3G vào năm 2028 để tinh gọn hạ tầng, dồn lực cho 5G.
Theo đại diện Tổng công ty Viễn thông Viettel, nhu cầu 5G trên thị trường ở mức cao, nhưng số lượng thiết bị đầu cuối hỗ trợ sử dụng 5G chưa phổ biến, do giá thành cao hơn mặt bằng chung. Ngoài ra, các dịch vụ nội dung trên 5G hiện chưa có nhiều, chỉ có video 4K, 8K, live streaming, còn ít các dịch vụ AR, VR... Do đó, các nhà mạng phải là đơn vị đi đầu trong việc triển khai xây dựng nội dung cho 5G.
Không chỉ thế, việc chuyển đổi từ công nghệ trước đây sang 5G yêu cầu một lực lượng lao động có kỹ năng cao, sẵn sàng học hỏi và thích nghi với những công nghệ mới. Điều này đòi hỏi sự đầu tư không chỉ về mặt tài chính mà còn cả về giáo dục và đào tạo nhân lực từ các doanh nghiệp, để tạo ra một thế hệ mới có khả năng đáp ứng nhu cầu của thị trường việc làm trong kỷ nguyên số.
Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/nong-cuoc-dua-5g-post341709.html