Nông dân 12 nước EU tiếp tục phản đối chính sách nông nghiệp
Ngày 22/2, các nhà tổ chức cho biết nông dân từ 10 quốc gia EU, từ Trung Âu đến vùng Baltic và Balkan, đã tham gia một cuộc biểu tình phản đối các chính sách nông nghiệp và các điều kiện chung của khối đối với hoạt động kinh doanh của họ.
Nhiều nông dân từ Cộng hòa Séc, Đức, Ba Lan và Slovakia đã gặp nhau tại một số cửa khẩu biên giới.
Nông dân phàn nàn rằng các chính sách môi trường của EU, chẳng hạn như Thỏa thuận Xanh, trong đó yêu cầu hạn chế sử dụng hóa chất và phát thải khí nhà kính, đã hạn chế hoạt động kinh doanh của họ và khiến sản phẩm của họ đắt hơn so với hàng nhập khẩu ngoài EU.
Họ cũng phàn nàn về giá sản phẩm thấp và cho biết ngũ cốc cũng như các sản phẩm nông nghiệp khác đến từ Ukraine và Mỹ Latinh ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường.
Nông dân đã mời Bộ trưởng Nông nghiệp Séc Marek Vyborny, người đồng cấp Slovakia Richard Takac và đại diện nông dân từ Ba Lan và Hungary đến biểu tình tại cửa khẩu biên giới Séc-Slovak được gọi là Hodonin-Holic, nơi đã bị chặn bởi hàng trăm máy kéo.
Andrej Gajdos từ Phòng Nông nghiệp và Thực phẩm Slovakia cho biết: “Chúng tôi không phản đối EU, chúng tôi phản đối những quyết định sai lầm của Ủy ban Châu Âu”.
Ở những nơi khác, các cuộc đụng độ đã được báo cáo hôm thứ Năm giữa nông dân Tây Ban Nha và cảnh sát ở Zaragoza, thủ phủ của vùng Đông Bắc Aragon.
Các cuộc đàm phán giữa chính phủ và nông dân đã thất bại vào đầu tuần này với cuộc biểu tình lớn nhất trong nhiều tuần được tổ chức tại Madrid vào thứ Tư (ngày 21/2).
Chính phủ đã công bố gói 18 biện pháp mà họ cho biết sẽ trình bày với các quốc gia thành viên EU khác tại cuộc họp của các Bộ trưởng Nông nghiệp vào ngày 26/2.
Carles Peris, Tổng Thư ký Liên minh Nông dân và Người chăn nuôi Valencia, cho biết: “Chúng tôi muốn có luật về chuỗi nông sản-thực phẩm có khả năng tự cân bằng, không thể để những người tạo ra giá trị, những người sản xuất, là những người những người nhận được ít tiền nhất".
Nông dân Tây Ban Nha có kế hoạch tập trung hàng ngàn người tại thủ đô nước này vào Chủ nhật (ngày 25/2).
Tại Pháp, một số nông dân đã chỉ ra rằng họ có thể chặn việc khai trương Salon International de L'Agriculture ở Paris vào thứ Bảy, kéo dài đến ngày 3/3.
Trong khi đó, các cuộc biểu tình đã được tổ chức ở một số thành phố phía Bắc Paris ngày 22/2, trong đó một nông dân ở Oise nói: “Chúng tôi cảm thấy như đang bị lừa, vì Chính phủ đã hứa với chúng tôi rất nhiều điều mà vẫn chưa thực hiện được. Chúng tôi biểu tình để cho Chính phủ thấy chúng tôi vẫn ở đây và đang chờ đợi câu trả lời”.
Các cuộc biểu tình vẫn diễn ra bất chấp việc Chính phủ ngày 21/2 đã công bố một dự luật mới nhằm tăng cường luật nông nghiệp và thực phẩm cũng như cải thiện mức lương trong lĩnh vực này.
Thủ tướng Gabriel Attal cũng cho biết vài triệu euro sẽ được chi trả dưới dạng viện trợ khẩn cấp, đặc biệt là cho người chăn nuôi.
Luật mới được đưa ra ba tuần sau khi Chính phủ công bố gói biện pháp nhằm ngăn chặn phong trào biểu tình, bao gồm không có lệnh cấm thuốc trừ sâu mới và lệnh cấm nhập khẩu trái cây và rau quả từ bên ngoài EU đã được xử lý bằng Thiaclopride - một loại thuốc trừ sâu hiện bị cấm trong khối.
Chính phủ cũng cho biết sẽ đề xuất thành lập "lực lượng kiểm soát châu Âu" để chống gian lận, đặc biệt liên quan đến các quy định y tế và kiểm soát việc nhập khẩu các sản phẩm thực phẩm đi ngược lại tiêu chuẩn sức khỏe của châu Âu và Pháp. Chính phủ cũng tái khẳng định sự phản đối của mình đối với việc ký kết thỏa thuận thương mại EU-Mercosur.