Nông dân 4.0 thành lập HTX sản xuất nông nghiệp tuần hoàn
Những năm gần đây, việc phát triển các mô hình nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn đã được nhiều địa phương, các HTX tại Hải Phòng quan tâm phát triển. Với lợi thế kinh nghiệm hơn 1 thập kỷ nuôi trồng thủy sản và tích tụ được khoảng 10 ha đất phục vụ cho sản xuất, HTX Nuôi trồng thủy sản Hiếu Minh (thôn Kim Châm, xã Mỹ Đức) là một trong những đơn vị dẫn đầu huyện An Lão về thực hiện sản xuất nông nghiệp tuần hoàn.
HTX Hiếu Minh được thành lập từ tháng 8/2021. Ngành nghề kinh doanh chủ yếu là nuôi trồng thủy sản; trồng rau và hoa; chăn nuôi gia cầm; chế biến và bảo quản hoa quả... Hiện, HTX có 11 thành viên.
Sản phẩm đạt chuẩn VietGAP
Anh Phạm Trung Hiếu, Giám đốc HTX chia sẻ: Mặc dù chưa có khái niệm cụ thể, rõ ràng về nông nghiệp tuần hoàn, nhưng trong quá trình sản xuất, HTX nhận thức nông nghiệp tuần hoàn là một quá trình sản xuất khép kín, các chất thải và phế phụ phẩm sẽ được tái tạo, trở thành nguyên liệu đầu vào của các quá trình sản xuất khác, qua đó giúp tối ưu việc sử dụng tài nguyên, giảm lãng phí,… hạn chế các tác động có ảnh hưởng xấu đến môi trường. Việc phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp vừa là yêu cầu, xu hướng tất yếu, đồng thời là một giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững, hiệu quả.
Với diện tích 10 ha đất nông nghiệp tích tụ (bao gồm diện tích đất 5% thuê của địa phương, diện tích của những hộ dân bỏ không canh tác và gửi cho HTX đầu tư canh tác…), HTX đang có 5ha nuôi trồng thủy sản; 5ha trồng cây ăn quả, rau màu các loại và nuôi dê. Các phế phụ phẩm của chăn nuôi hay nuôi trồng thủy sản sẽ được tái tạo thành phân bón cho trồng trọt. Và trồng trọt lại tạo ra sản phẩm cho chăn nuôi, tạo ra một chu trình khép kín.
Với diện tích 5ha nuôi thủy sản, HTX hiện tập trung nuôi các loại cá như rô phi, trắm, chép, tuân thủ theo quy chuẩn VietGAP, mỗi ao nuôi có diện tích 5.000m2.
Quy trình nuôi cá rô phi gồm các bước cơ bản như: Sau khi kéo bán hết cá và vệ sinh, phơi ao theo đúng kỹ thuật, HTX sẽ tiến hành mua giống cá bột về gột. Lúc này, mỗi con cá chỉ có kích thước nhỏ như que tăm. Sau khoảng 1 tháng nuôi gột khi cá đạt trọng lượng 100gr thì sẽ được tách và mang sang các ao nuôi khác để nuôi thương phẩm. Trung bình một lứa cá kéo dài khoảng 10 tháng, khi cá đạt trọng lượng 1,4 -1,5kg sẽ thu hoạch.
Trung bình một ao nuôi sẽ thu hoạch khoảng 15-18 tấn cá. Một năm, HTX cung cấp ra thị trường hơn 200 tấn cá các loại. HTX tập trung nuôi cá rô phi, chép, trắm vì đây là những loại cá mà thị trường tiêu thụ nhiều, giá cả phù hợp. Chất lượng cá của HTX thịt chắc, thơm nên rất dễ tiêu thụ. Thức ăn nuôi cá được mua tại các công ty có uy tín sản xuất và được Chi cục Thủy sản thường xuyên xuống lấy mẫu kiểm tra.
Nhàn tênh "nuôi dê nghe nhạc"
Không chỉ có mô hình nuôi cá, HTX Nuôi trồng thủy sản Hiếu Minh còn đầu tư chăn nuôi dê với hơn 100 con dê sinh sản, lúc cao điểm lên tới hơn 300 con. HTX chọn dê Boer (có nguồn gốc từ Nam Phi) để nuôi vì dòng này có tốc độ sinh trưởng và cho lượng thịt cao hơn các loại dê thông thường, thịt chứa nhiều chất béo.
Toàn bộ đàn dê của HTX được nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, không chăn thả mà được xây dựng hệ thống chuồng trại kiên cố - nuôi nhốt. HTX tiến hành làm sàn nuôi dê bằng các tấm gỗ có các khe hở để phân dê lọt qua khe xuống đất. Mặt sàn để cách mặt đất trên 1m giúp chuồng nuôi dê lúc nào cũng đảm bảo khô thoáng về mùa hè, ấm áp về mùa đông.
Thức ăn của đàn dê 100% sử dụng cỏ voi (1ha trồng cỏ voi) và nhiều loại có khác trồng được trong khuôn viên trang trại, dọc 2 bên bờ ao nuôi cá. "Để góp phần bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên, đồng thời tạo nguồn thức ăn cho cá và dê, 12 năm nay chưa một lần nào chúng tôi phun thuốc trừ cỏ. Dê sẽ ăn cỏ, sau đó chất thải của dê sẽ được ủ để trở thành phân bón cho vườn cỏ và việc trồng cây cối các loại. Cỏ lại được cắt cho dê và cá ăn. Mọi thứ cân bằng hài hòa, không cần phải sử dụng bất kỳ chất kích thích hay thuốc hóa học nào trong khu vực 10ha này", Giám đốc Phạm Trung Hiếu cho biết.
Khi tham quan mô hình nuôi dê của HTX, điều khiến phóng viên ngạc nhiên là dê ở đây được nghe nhạc và khá “lành”, ít xô đàn. Công nhân chăm sóc dê giải thích: "Dê rất hiếu động, vì thế cho nghe nhạc từ nhỏ, nghe nhạc nhiều sẽ hiền hơn, không nhảy nhiều, không xô đàn, ăn uống tốt hơn”.
Chấp nhận rủi ro
Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình sản xuất, anh Hiếu giãi bày: "Làm ngành nghề, lĩnh vực gì cũng đều có những khó khăn, rủi ro nhất định. Ví dụ như tôi đã từng có kinh nghiệm nuôi cá tới 12 năm nhưng năm ngoái việc nuôi cá đã "thu về" khoản lỗ 2 tỷ đồng. Nguyên nhân do thời tiết nắng nóng khắc nghiệt kéo dài, gần như không có trận mưa nào đáng kể. Nhiệt độ trong ao nuôi bị ảnh hưởng nghiêm trọng không thể khắc phục được. Cá bị mắc bệnh lồi mắt do virus, mà bệnh này vẫn chưa có thuốc chữa. Mỗi buổi sáng thức dậy, nhìn cá chết trắng ao, lòng đau hơn xát muối!".
Khi đó, các ngành chức năng tại Hải Phòng như Chi cục thủy sản, nông nghiệp đều tập trung cán bộ kỹ thuật và nguồn lực để giúp đỡ HTX nhưng cũng "lực bất tòng tâm". Các đầm nuôi tôm, cá của các địa phương lân cận cũng đều gặp tình trạng như vậy. Nhiều người đã tạm thời dừng việc nuôi. Nhưng Giám đốc Phạm Trung Hiếu và các thành viên HTX vẫn đồng lòng tiếp tục đầu tư, không thể để việc nuôi trồng bị gián đoạn. May mắn, thời điểm hiện tại, cá rô phi được giá, giá tại đầm là 40.000 đồng/kg. Thời tiết năm nay cũng hứa hẹn một mùa bội thu với nuôi trồng thủy sản.
Hay như nuôi dê, bệnh cấp tính nhất là bệnh chướng hơi, bệnh này xuất phát từ việc cắt cỏ vào sáng sớm còn đọng sương, dê ăn vào bị chướng hơi, trong vòng 5-10 phút nếu không xử lý được con dê sẽ chết ngay. Sau thời gian dài nuôi, có kinh nghiệm trong xử lý dê bị chướng hơi, chỉ cần đổ nước Coca Cola vào miệng, dê ợ ra rồi sẽ đỡ... Rất nhiều kinh nghiệm hay, quý báu đã được anh Hiếu đúc rút từ thực tế quá trình sản xuất.
Mô hình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn của HTX Nuôi trồng thủy sản Hiếu Minh là minh chứng cho khát vọng không ngừng học hỏi của những người đứng đầu HTX, mở ra những hướng đi mới cho ngành nông nghiệp tại địa phương, là địa chỉ để các HTX, nông dân tới học hỏi kinh nghiệm.