Nông dân Ân Độ biểu tình, tuần hành tới thủ đô New Delhi
Hôm thứ Ba (13/2), lực lượng an ninh Ấn Độ đã bắn hơi cay để ngăn chặn hàng nghìn nông dân tuần hành về thủ đô New Delhi sau khi các cuộc đàm phán với chính quyền thất bại.
Các đài truyền hình địa phương chiếu cảnh những đám hơi cay dày đặc được bắn ra để giải tán người biểu tình gần Ambala, cách thủ đô khoảng 200 km về phía bắc.
Cảnh sát đã thiết lập các chốt chặn bằng gai kim loại, xi măng và rào chắn thép trên các đường cao tốc từ ba bang xung quanh dẫn đến thủ đô. Ranjay Atrishya, trợ lý ủy viên cảnh sát Delhi, cho biết: “Lực lượng tối đa đã được triển khai”.
Các cuộc tụ tập công cộng trên 5 người đã bị cấm ở thủ đô. Nông dân ở Ấn Độ có sức nặng chính trị do số lượng đông đảo của họ và mối đe dọa về các cuộc biểu tình mới xảy ra trước cuộc bầu cử quốc gia có thể sẽ bắt đầu vào tháng Tư.
Theo số liệu của chính quyền, 2/3 trong số 1,4 tỷ người Ấn Độ kiếm sống từ nông nghiệp, chiếm gần 1/5 tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của đất nước.
Các đài truyền hình Ấn Độ chiếu cảnh hàng trăm máy kéo di chuyển về thủ đô từ các bang xung quanh Punjab, Haryana và Uttar Pradesh.
Cảnh sát phong tỏa các con đường tại Ghazipur ở ngoại ô Delhi. Tuyến phong tỏa đầu tiên sử dụng dây thép gai đã được thiết lập, sau đó là hàng rào kim loại, khối bê tông và cuối cùng là xe buýt cảnh sát.
Nông dân Ấn Độ đang yêu cầu ban hành luật để ấn định mức giá tối thiểu cho cây trồng của họ, bên cạnh một loạt các nhượng bộ khác, bao gồm cả việc miễn các khoản vay.
Randeep Surjewala, một nghị sĩ Quốc hội đối lập từ Haryana, nơi có nhiều nông dân biểu tình đến từ Haryana cho biết: “Chính phủ nên lắng nghe những người nông dân thay vì sử dụng đạn hơi cay và súng chống lại họ”.
Nông dân đã kêu gọi "Delhi Chalo" hay "Tuần hành tới Delhi", lặp lại các cuộc biểu tình vào tháng 1 năm 2021 khi nông dân phá rào chắn và tuần hành vào thành phố trong Ngày Cộng hòa của Ấn Độ.
Các cuộc biểu tình của nông dân phản đối dự luật cải cách nông nghiệp vào tháng 11/2020 kéo dài hơn một năm, tạo ra thách thức lớn nhất đối với chính quyền của Thủ tướng Narendra Modi kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2014.
Hàng chục nghìn nông dân sau đó đã dựng các trại tạm bợ, khiến ít nhất 700 người thiệt mạng trong các cuộc biểu tình.
Vào tháng 11 năm 2021, một năm sau khi các cuộc biểu tình bắt đầu, ông Modi đã thông qua Quốc hội Ấn Độ để bãi bỏ ba đạo luật gây tranh cãi mà nông dân cho rằng sẽ cho phép các công ty tư nhân kiểm soát ngành nông nghiệp của đất nước.
Mai Anh (theo Reuters, AFP, CNA)