Nông dân An Giang tất bật sửa soạn ngư cụ đón nước lũ tràn đồng

Sau vài cơn mưa lớn xuất hiện gần đây, người dân An Giang đang háo hức chờ lũ về. Với họ, lũ mang theo niềm vui bởi cá tôm về theo con nước là nguồn sinh kế chung.

Mong nước đừng “bạc bẽo”

Sáng 30.7, phóng viên Một Thế Giới đến xã Phú Hội và Nhơn Hội (huyện An Phú, tỉnh An Giang), nơi được người dân địa phương coi là vùng rốn lũ hằng năm.

Xã Phú Hội và Nhơn Hội (huyện An Phú, tỉnh An Giang) được người dân địa phương coi là vùng rốn lũ hằng năm - Ảnh: Tô Văn

Xã Phú Hội và Nhơn Hội (huyện An Phú, tỉnh An Giang) được người dân địa phương coi là vùng rốn lũ hằng năm - Ảnh: Tô Văn

Chỉ còn 1km nữa là đến 2 xã đầu nguồn thì trời đổ mưa lâm thâm, gió rít mạnh bên tai buộc phải tấp vào một quán cóc ven đường. Trong ngôi nhà tuềnh toàng, ba bề bốn bên chỉ vài hàng ghế, những miếng bạt nilon bay phấp phới, một người đàn ông đen nhẻm, ở trần đang đứng gỡ tay lưới, giới thiệu tên Cường, chồng của chủ quán nước, rồi chỉ xuống con kênh, lẩm nhẩm nói: “Gần đây liên tục xuất hiện nhiều cơn mưa nên nước đang lên từ từ. Quái thật, sáng nay tôi ra đồng thả hai tay lưới dài 100m mà chỉ kiếm được 3 con cá trê”.

Ông Cường đứng gỡ lưới - Ảnh: Tô Văn

Ông Cường đứng gỡ lưới - Ảnh: Tô Văn

Nói chưa hết chuyện, ông Cường nhìn qua một người đàn bà đang ôm cái thau đựng vài bó rau muống đứng trước quán, liền nói lớn: “Vợ à, nước lên mà cá, tôm ít quá, kiểu này tôi tính đi Bình Dương bán nước tương nghe bà”.

Người đàn bà khoảng 45 tuổi, dáng phốp pháp, giọng nói rất khỏe khoắn: “Ráng chờ thêm đi, lũ về mà ít tôm cá tôi cho ông đi bán nước tương, giờ này ông phải phụ tôi coi quán”.

Bên chiếc cà ràng và ấm nước phì khói, người đàn bà giới thiệu tên Thắm, (ngụ xã Nhơn Hội, huyện An Phú, tỉnh An Giang) vợ của ông Cường. Bà trầm ngâm: “Cuộc sống gia đình vợ chồng tôi may mắn có được cái quán cóc này nên nguồn thu nhập không phụ thuộc tất cả vào con nước lũ. Nếu có lũ thì ông Cường đi giăng lưới, đặt dớn, còn tôi thì đem cá ra chợ bán. Mấy năm trước lũ lên chậm, nguồn tôm cá ít. Nếu năm nay cũng vậy chắc vợ chồng tôi đi Bình Dương”.

Theo bà Thắm, sống ở đất này, con người chỉ mong nước đừng “bạc bẽo”. Nước lên nhanh thì cá tôm sẽ về, còn lên chậm thì con người nơi đây sẽ khổ nhiều.

Nước lên chậm nên đến thời điểm này chưa thấy cá linh xuất hiện - Ảnh: Tô Văn

Nước lên chậm nên đến thời điểm này chưa thấy cá linh xuất hiện - Ảnh: Tô Văn

Tiếp tục cuộc hành trình, người viết bài nhìn thấy những ngôi nhà sàn lợp thiếc lấm lem xiêu vẹo hai bên đường. Ở đó, những người đàn bà gầy guộc, da rám nắng, những ông cụ râu tóc bạc phơ ngồi uống nước trà bàn về con nước năm nay. Bên cạnh, những đứa trẻ con nhếch nhác, cởi truồng ngồi trên mỏm đất bắn bi. Hình ảnh này mang lại cảm giác như ở đây người ta đang đợi điều gì đó.

Trong câu chuyện của họ, người nào cũng phải đối mặt với cuộc mưu sinh đầy khó khăn. Lũ về nhanh thì cuộc sống khấm khá, về chậm thì họ sẽ không có những sản vật đánh bắt được trong con nước, và còn thất nghiệp triền miên. Thanh niên ở đây có thể đi làm mướn các tỉnh thành khác, nhưng người già vốn nhờ vào con nước thì chỉ biết bó gối ngồi trông và mong mỏi nước đừng “bạc bẽo” như câu nói của bà Thắm ở Nhơn Hội.

Tất bật chuẩn bị ngư cụ đón nước lũ về

Như nhiều gia đình khác sống bằng nghề “bà cậu” (nghề dùng lưới đánh bắt tôm cá) trên địa bàn tỉnh An Giang, ông Nguyễn Văn Tấn (ngụ phường Nhơn Hưng, thị xã Tịnh Biên) luôn theo sát diễn biến và dự báo nước lũ cao hay thấp, về muộn hay sớm để có phương án chuẩn bị ngư cụ đánh bắt hiệu quả nhất.

“Dàn lưới của tôi trị giá vài chục triệu đồng. Năm rồi lũ thấp nên không đi giăng được, lưới hư phải bỏ nhiều. Năm nay thấy nước đang lên đồng nên vợ chồng tôi đầu tư gần 15 triệu đồng mua thêm lưới mới để đánh bắt cá”, ông Tấn bộc bạch.

Ngư dân tỉnh An Giang tất bật chuẩn bị ngư cụ đón nước tràn đồng - Ảnh: Tô Văn

Ngư dân tỉnh An Giang tất bật chuẩn bị ngư cụ đón nước tràn đồng - Ảnh: Tô Văn

Cũng theo ông Tấn, vào khoảng tháng 7 đến tháng 10 âm lịch, khi nước lũ tràn về, đồng ruộng ngập trắng xóa là lúc vợ chồng ông hằng ngày có mặt trên đồng giăng lưới bắt cá để tăng thêm thu nhập.

“Ở cái xóm này, mỗi hộ dân chỉ có vài công ruộng, thậm chí có nhà không có nên ai cũng trông đến mùa nước lũ để đi giăng lưới kiếm tôm cá bán lấy tiền tiêu xài, dành dụm. Năm nào nước lũ thấp thì nhà nhà rầu rĩ”, ông Tấn chia sẻ.

Ngư cụ của một gia đình ở An Giang chuẩn bị sẵn sàng đón nước tràn đồng - Ảnh: Tô Văn

Ngư cụ của một gia đình ở An Giang chuẩn bị sẵn sàng đón nước tràn đồng - Ảnh: Tô Văn

Dọc kênh Vĩnh Tế, mặt nước đang chuyển màu đỏ của phù sa, nhiều cánh đồng thuộc TP.Châu Đốc và thị xã Tịnh Biên đã bắt đầu ngập nước. Trên bờ, nhiều gia đình tất bật bày ngư cụ ra chỉnh sửa, may vá những lỗ thủng. Dưới dòng kênh, đi một đoạn lại xuất hiện một vài nhóm xuồng “du mục” chuyên sống bằng nghề “bà cậu”, đậu chờ nước lên để bủa lưới bắt cá.

Nông dân An Giang tất bật chuẩn bị ngư cụ đón nước tràn đồng - Clip: Tô Văn

Ông Mai Văn Giới (45 tuổi, ngụ xã Đa Phước, huyện An Phú, tỉnh An Giang) nói: “Mỗi dịp nước lũ về, tôi chạy chiếc vỏ lãi chở vợ và con trai rong ruổi khắp các cánh đồng ở khu vực biên giới giăng lưới, kiếm tôm cá bán, mong có ít tiền trang trải cuộc sống.

Hơn một tuần qua, nước lũ bắt đầu tràn lên đồng, tôi đưa xuồng đến ven kênh Vĩnh Tế “đóng chốt” chờ đến khi nước nhiều thì đi kiếm tôm cá mùa lũ. Hiện nước mới lên đồng nên mỗi ngày cả nhà tôi kiếm chưa đến 300.000 đồng”.

Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh An Giang, khoảng 10 ngày qua, trên lưu vực sông Mê Kông xảy ra mưa lớn, trên dòng chính xuất hiện đợt lũ với biên độ lũ tại trạm Kratie (Campuchia) đạt 6,30m. Đỉnh lũ trong đợt này tại Kratie là 18,5m (ngày 24.7), cao hơn cùng kỳ năm 2023 là 5,15m, cao hơn trung bình nhiều năm 3,56m

Do ảnh hưởng lũ thượng nguồn sông Mê Kông, mưa lớn nội vùng và trùng vào kỳ triều cường giữa tháng 6 âm lịch, mực nước tại các trạm trên phạm vi tỉnh An Giang cũng dâng cao.

Tô Văn

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/nong-dan-an-giang-tat-bat-sua-soan-ngu-cu-don-nuoc-lu-tran-dong-222154.html