Nông dân Bắc Giang đổi đời nhờ trồng bưởi da xanh theo hướng hữu cơ
Nhờ nắm vững quy trình kỹ thuật, cộng với tư duy sản xuất tiên tiến theo hướng hiện đại trồng cây ăn quả cam, bưởi da xanh hữu cơ, an toàn của gia đình anh Nguyễn Văn Hữu ở huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đã 'đổi đời' với thu nhập năm 2022 đạt 3,5 tỷ đồng.
Thu lãi trên 3,5 tỷ đồng/năm
Dẫn chúng tôi ra khu vực trồng cam, bưởi da xanh rộng hơn 10ha đang chuẩn bị cho thu hoạch, anh Nguyễn Văn Hữu ở thôn Xẻ Cũ, xã Thanh Hải, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) cho biểt, do được trồng theo hướng hữu cơ ngay từ đầu nên vườn bưởi da xanh của gia đình luôn xanh tốt, cho quả mẫu mã đẹp, chất lượng bưởi ngon. Hiện khách đang liên hệ trả giá 40.000 đồng/kg để mua bưởi da xanh, nhưng gia đình đang chờ đến thời điểm thu hoạch sẽ chốt giá bán.
“Hiện trên địa bàn huyện Lục Ngạn, diện tích trồng cam rất nhiều, nhưng với bưởi da xanh thì chỉ có 2-3 hộ trồng nhỏ lẻ. Trang trại của tôi có diện tích trồng bưởi da xanh lớn nhất huyện Lục Ngạn, trong 10ha trồng 5.000-6.000 gốc cam, bưởi thì bưởi da xanh vào khoảng 2.000 gốc"- anh Hữu nói.
Nói về quá trình chuyển đổi từ vườn vải thiều sang trồng cây có múi, anh Nguyễn Văn Hữu chia sẻ, năm 2006, gia đình bắt đầu phá bỏ cây vải thiều đi, lựa chọn này cũng đắn đo nhiều lắm. Tuy vải thiều là quả đặc sản của huyện Lục Ngạn nhưng thời điểm thu ngắn quá mà diện tích rộng nên tôi quyết định chuyển sang cây có múi. Vì chuyển sang cây có múi thì làm sẽ nhàn và thời gian thu hoạch sẽ kéo dài hơn.
Trong khi tất cả các vườn đồi xung quanh đều trồng vải thiều thì việc gia đình chuyển hướng sang trồng cam, bưởi là một điều không dễ dàng. Lúc đấy đi tìm vườn bưởi da xanh để tham khảo, cùng nhau giao lưu để trao đổi những kỹ thuật, những kỹ năng thì không có. Trở ngại này anh bắt buộc phải đi các trang trại lớn, như vào trong miền Nam, rồi lên tỉnh Hòa Bình để xem các trang trại người ta đi trước mình trồng cam, bưởi ra sao để tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm.
Sau nhiều lần đi thăm các trang trại trồng cây có múi, cuối cùng anh quyết định đặt mua giống bưởi da xanh từ Bến Tre ra để trồng theo hướng hữu cơ ngay từ ban đầu. Cùng với bưởi da xanh, anh còn trồng bưởi ngọt, bưởi đào, cam lòng vàng, cam ngọt với tổng diện tích hơn 10 ha.
“Trong nông nghiệp việc sản xuất hữu cơ mới bền vững, vừa giúp sản phẩm an toàn thực phẩm, vừa bảo vệ sức khỏe cho chính người sản xuất. Vì thế, tôi sử dụng hoàn toàn phân bón hữu cơ và các chế phẩm sinh học như: phân trâu, cá ngâm vi sinh, đỗ tương lên men vi sinh… để bón cho cây. Để phòng trừ sâu bệnh, gia đình rắc vôi bột, phun chế phẩm vôi với đồng để phòng trừ sâu bệnh hại cho cây”- anh Hữu chia sẻ.
Đến nay, vườn cam, bưởi hơn 10 tuổi của gia đình anh Hữu được đánh giá là một trong những vườn cây có múi chất lượng nhất của huyện Lục Ngạn. Trong năm 2022, gia đình anh Nguyễn Văn Hữu thu hoạch vườn cam, bưởi được 300 tấn quả với doanh thu 5,3 tỷ đồng, trừ chi phí anh thu lãi 3,5 tỷ đồng.
Mô hình canh tác cây có múi của anh Hữu đã tạo công ăn việc làm tại chỗ cho hội viên, nông dân và con em hộ viên, nông dân trong địa bàn thôn từ 8 - 14 lao động cho thu nhập bình quân từ 6 triệu đồng/người/tháng.
Đẩy mạnh phát triển du lịch trải nghiệm cộng đồng
Tận dụng lợi thế có vườn cây ăn quả đẹp, giao thông thuận lợi, vườn cam, bưởi của gia đình anh Hữu luôn được huyện Lục Ngạn đưa vào danh sách điểm đến tham quan hấp dẫn du khách. Anh Hữu đã kết hợp cùng các nhà vườn trong xã tổ chức các tour, tuyến du lịch và đã đón hàng trăm đoàn khách tới tham quan, trải nghiệm mùa hoa vải, hoa bưởi, rồi thu hoạch vải, cam, bưởi.
Năm 2021, Hợp tác xã Sản xuất nông nghiệp và Thương mại Thanh Hải ra đời do anh Nguyễn Văn Hữu làm Giám đốc. Cùng với trồng cây có múi, Hợp tác xã Sản xuất nông nghiệp và Thương mại Thanh Hải còn phát triển du lịch sinh thái cộng đồng nhằm phát huy tối đa lợi thế từ cây chủ lực là cam, bưởi trên địa bàn huyện Lục Ngạn.
"Hợp tác xã Sản xuất nông nghiệp và Thương mại Thanh Hải có 10 thành viên với tổng diện tích khoảng 40ha cam, bưởi. Sản lượng năm 2023 ước đạt trên 500 tấn cam, bưởi. Tôi rất mong muốn các cấp chính quyền hỗ trợ cho Hợp tác xã kho bảo quản để chúng tôi sẽ tiêu thụ dần số lượng cam bưởi này" – anh Hữu bày tỏ.
Theo ông Hữu, việc phát triển du lịch sinh thái cộng đồng cũng giúp cho nhà vườn giới thiệu, tiêu thụ nhiều sản phẩm cam, bưởi. Đến với các vườn cam, bưởi, du khách được hòa mình vào không gian xanh mướt, xum xuê, nặng trĩu quả của các loại cây trái, từ bưởi da xanh, cam ngọt, cam lòng vàng và những dãy hoa mào gà nở rực rỡ được trồng dọc hai bên lối đi vào vườn.
Đặc biệt, các du khách có thể trực tiếp mua cây, thu hoạch và thưởng thức trực tiếp những trái cam, bưởi chín mọng, thơm ngon. Đây thực sự là những trải nghiệm mới mẻ, thú vị và không thể nào quên đối với du khách. Nhiều du khách đã rất hào hứng, thích thú lưu lại những bức ảnh kỷ niệm ở vùng đất đầy hoa thơm, trái ngọt và người dân rất thân thiện, mến khách.
Thời điểm đón khách du lịch đến thăm và trải nghiệm tại vườn cam, bưởi của gia đình bắt đầu từ tháng 11 dương lịch cho đến Tết âm lịch. Đặc biệt, vào những ngày cuối tuần, mỗi ngày có hàng trăm du khách đến thăm vườn để thăm quan, trải nghiệm các hoạt động như: mua bán trực tiếp những cây cam, bưởi mình yêu thích hoặc mua trực tiếp những sản phẩm từ trên cây, rồi tự hái những trái cam, bưởi và thưởng thức ngay tại vườn.
Để đáp ứng nhu cầu, phục vụ du khách tốt hơn, gia đình anh Hữu đã đầu tư hơn 2 tỷ đồng cải tạo lối đi, trồng hoa hai bên đường, xây dựng nhà sàn hai tầng cùng bếp nấu ăn, khu nghỉ ngơi đáp ứng nhu cầu của hàng trăm khách du lịch. Đến vườn cam, bưởi của gia đình anh Hữu, du khách được thỏa sức ngắm nhìn cây ăn quả có múi sai trĩu, thăm hồ sen, ao thả cá, ngắm hoa mào gà nở rực rỡ hai bên đường...
Đầu tháng 7/2023, vườn cam, bưởi của gia đình anh Hữu đã được Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang công nhận là điểm du lịch sinh thái Hoa Quả Sơn. Điểm du lịch sinh thái Hoa Quả Sơn do Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp và thương mại du lịch Thanh Hải là đơn vị sở hữu và quản lý, được tổ chức theo mô hình du lịch sinh thái trải nghiệm nông nghiệp, nông thôn.
Tại đây, quý khách sẽ được trải nghiệm dịch vụ ăn nghỉ và tham quan trải nghiệm vườn quả, chùa Xẻ Cũ kết hợp với tham quan các điểm du lịch hồ Cấm Sơn, hồ Khuôn Thần, trải nghiệm tại làng nghề làm mỳ Chũ truyền thống, thăm bản làng người dân tộc trên địa bàn.
Ngoài làm kinh tế giỏi, anh Hữu còn nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm trồng trọt cho nhiều hộ gia đình khác; tích cực đóng góp kinh phí xây dựng nông thôn mới, tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Anh nhận nhiều Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào thi đua yêu nước; sản xuất kinh doanh, đoàn kết giúp nhau làm giàu. Năm 2023, anh Nguyễn Văn Hữu được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam bình chọn là 1 trong 100 Nông dân Việt Nam xuất sắc.
Ông Lã Văn Đoàn – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang cho biết, anh Nguyễn Văn Hữu là một trong những nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
"Anh Nguyễn Văn Hữu tiêu biểu trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh giỏi gắn với du lịch cộng đồng và hàng năm anh thu hút rất nhiều lượt khách trong và ngoài tỉnh đến thăm quan mô hình. Mô hình của anh hàng năm cho thu nhập rất cao. Bên cạnh đó, anh Hữu cũng là một gương rất tiêu biểu trong tham gia các hoạt động của Hội, từ cơ sở đến tỉnh, sẵn sàng giúp đỡ các hộ nghèo, hộ gia đình khó khăn và các gia đình chính sách" – ông Lã Văn Đoàn nhấn mạnh.