Nông dân Bản Cầm phát triển kinh tế trang trại

Chúng tôi tới gia đình anh Ngô Tiến Định ở thôn Nậm Tang, xã Bản Cầm (huyện Bảo Thắng) đúng lúc anh đang tất bật chăm sóc đàn gia súc. Anh Định cho biết: Để chăm nuôi tốt đàn gia súc với 14 con trâu, 13 con bò và 40 con lợn, vợ chồng tôi phải chia nhau mỗi người một việc, người đi chặt chuối, cắt cỏ voi... làm thức ăn cho vật nuôi, người dọn vệ sinh chuồng trại, tắm rửa cho chúng. Chúng tôi nuôi gia súc bán lấy thịt và hướng đến mục tiêu tạo ra sản phẩm an toàn nên chăm sóc cẩn thận, chủ yếu sử dụng thức ăn hữu cơ. Nhờ đó, gia súc của gia đình đến tuổi xuất bán thường có người đặt mua trước.

Gia đình anh Ngô Tiến Định thường xuyên nuôi hàng chục con trâu, bò.

Gia đình anh Ngô Tiến Định thường xuyên nuôi hàng chục con trâu, bò.

Gia đình anh Định phát triển mô hình chăn nuôi từ năm 2014, với 100 con lợn thịt và lợn nái, trong đó chủ yếu là nuôi lợn thịt. Từ năm 2018, gia đình anh chuyển sang nuôi trâu, bò bán lấy thịt là chủ yếu. Những năm gần đây, dịch bệnh ảnh hưởng do giá thức ăn chăn nuôi tăng, trong khi giá bán sản phẩm thấp, đầu ra chậm… khiến anh nảy ra ý tưởng thuê đất trồng cỏ voi, chuối, mua bã rượu để chủ động nguồn thức ăn chăn nuôi và tiết kiệm chi phí.

Anh Định còn học hỏi, tìm hiểu để đầu tư chuồng trại, máy móc nhằm giảm sức người, hỗ trợ việc chăm nuôi gia súc của gia đình, như làm hệ thống cho ăn, uống nước tự động, sưởi ấm; mua máy thái chuối, cỏ voi tự động… Nhờ đó, dù chỉ có hai vợ chồng nhưng gần trăm con gia súc vẫn được chăm sóc chu đáo, sinh trưởng, phát triển tốt, đem về thu nhập khoảng 150 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí.

Cuối năm 2018, anh tiếp tục đầu tư trồng thêm 3 ha rừng (gồm quế và mỡ), thuê đất trồng 300 cây mít Thái và 150 gốc thanh long ruột đỏ. Sau 2 năm, vườn cây ăn quả của gia đình anh cho thu hái ổn định, đem về thu nhập sau khi trừ chi phí khoảng 50 - 60 triệu đồng/năm.

Mô hình chăn nuôi của gia đình anh Định được nhiều người dân trong vùng tới tham quan, học hỏi, đồng thời được chính quyền địa phương quan tâm, tạo điều kiện để vay vốn và tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật.

Ngoài trang trại của anh Ngô Tiến Định, xã Bản Cầm còn có nhiều mô hình chăn nuôi cho thu nhập khá như mô hình chăn nuôi lợn của gia đình các ông Ngô Văn Hiệp, Bùi Văn Phúc; mô hình chăn nuôi trâu, bò của gia đình Lý Văn Lâm, Vương Văn Năm…

Theo ông Đào Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Bản Cầm, từ năm 2010, các mô hình kinh tế trang trại ở địa phương bắt đầu hình thành, đến năm 2015 thì phát triển mạnh hơn với quy mô lớn dần. Đây cũng là thời điểm các mô hình được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước, như vay vốn lãi suất thấp để đầu tư chuồng trại, cây, con giống, thức ăn chăn nuôi…

Ông Đào Văn Tuấn khẳng định: Hiện tại, mô hình kinh tế trang trại của gia đình anh Ngô Tiến Định là 1 trong 17 mô hình kinh tế vừa và nhỏ của xã. Xác định những mô hình kinh tế này sẽ góp phần đắc lực giúp địa phương sớm đạt nhiều tiêu chí khác như thu nhập, hộ nghèo… nên xã rất quan tâm, động viên và hỗ trợ kịp thời. Chính quyền địa phương cũng yêu cầu Hội Nông dân xã tích cực tuyên truyền để nhân rộng các mô hình kinh tế tiêu biểu trên địa bàn.

Trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, xã Bản Cầm mới đạt 11/18 tiêu chí, trong đó tiêu chí về phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập dự kiến đạt vào cuối năm nay. Việc quan tâm, tạo điều kiện và nhân rộng những mô hình kinh tế trang trại là hướng đi đúng để góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, đóng góp vào kết quả chung của toàn huyện.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/353810-nong-dan-ban-cam-phat-trien-kinh-te-trang-trai