Nông dân Bảo Thắng quan tâm bảo vệ môi trường trong chăn nuôi
Bảo Thắng là vùng chăn nuôi trọng điểm của tỉnh với nhiều trang trại, gia trại lớn. Bên cạnh việc phát triển kinh tế, những năm gần đây, người dân trên địa bàn huyện đã nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, xử lý chất thải trong chăn nuôi.
Năm 2023, trang trại chăn nuôi lợn của gia đình chị Nguyễn Thị Nga ở thôn Làng Bông, xã Xuân Quang bị các cơ quan chức năng nhắc nhở và xử lý vi phạm về việc để nước thải chăn nuôi chưa xử lý thoát ra môi trường. Ngay sau đó, trang trại đã đầu tư hơn 60 triệu đồng xây dựng bể biogas và sửa chữa bể lắng xử lý nước thải trước khi thải ra môi trường. Chị Nguyễn Thị Nga cho biết: "Trước đây, trang trại chỉ nuôi 150 - 200 con lợn. Từ khi đầu tư hệ thống xử lý nước thải đảm bảo hơn, gia đình đã tự tin nâng số lượng lợn nuôi lên hơn 400 con. Bình quân mỗi tháng trang trại cung cấp ra thị trường khoảng 7 tấn lợn hơi".
Trang trại chăn nuôi gà của gia đình chị Vũ Thị Thắm ở thôn Khe Mụ, xã Sơn Hà có quy mô chăn nuôi hơn 6.000 con gà. Chị Thắm cho biết gia đình đang sử dụng đệm lót sinh học trong xử lý phân gà; đảo và thay lớp lót sinh học thường xuyên, sử dụng men vi sinh khử khuẩn, xử lý lớp lót theo đúng hướng dẫn của cán bộ thú y trong chăn nuôi, vừa bảo vệ môi trường vừa bảo vệ sức khỏe, phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi...
Theo thống kê của huyện Bảo Thắng, toàn huyện hiện có 120 trang trại chăn nuôi lợn và gia cầm các loại. Các trang trại chăn nuôi đều đã quan tâm xử lý môi trường bằng các biện pháp như thu gom phân vật nuôi và xử lý bằng hệ thống biogas, sử dụng đệm lót sinh học… Một số trang trại còn sử dụng biện pháp tuần hoàn nước thải như dùng để tưới vườn cây ăn quả, các loại cây trồng trong khu vực trang trại.
Ông Vũ Kiều Hưng, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Thắng cho biết việc bảo vệ môi trường trong chăn nuôi đã được huyện quan tâm từ sớm và ngành chức năng triển khai tuyên truyền tới các trang trại, hộ chăn nuôi. Phần lớn hộ chăn nuôi đã áp dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, góp phần nâng hiệu quả bảo vệ môi trường. Thêm vào đó, các hộ chăn nuôi ở vùng không được phép chăn nuôi đã di chuyển hoặc chuyển đổi nghề...
Huyện Bảo Thắng đã đạt huyện nông thôn mới và đang phấn đấu hết năm 2025 sẽ đạt huyện nông thôn mới nâng cao, do đó vấn đề bảo vệ môi trường trong chăn nuôi được huyện đặc biệt quan tâm. Cùng với tuyên truyền, ngành nông nghiệp cũng thường xuyên kiểm tra, xử lý triệt để các vi phạm, góp phần đảm bảo các chỉ tiêu về tiêu chí môi trường trong xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao; vận động các hộ chăn nuôi áp dụng các biện pháp xử lý môi trường trong chăn nuôi...
Ông Vũ Kiều Hưng, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Thắng cho biết thêm: Huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, cũng như tăng cường kiểm tra, giám sát và yêu cầu các trang trại cải tạo, nâng cấp, đầu tư xây dựng công trình xử lý chất thải phù hợp quy mô chăn nuôi nhằm chủ động kiểm soát, đón đầu giảm thiểu ô nhiễm; có chính sách khuyến khích nghiên cứu, sản xuất và tiêu thụ phân bón hữu cơ sinh học có nguồn gốc từ chất thải chăn nuôi nhằm thay thế phân hóa học. Bên cạnh đó, khuyến khích, tạo điều kiện cho các gia trại, trang trại chăn nuôi quy mô lớn, quy mô vừa trong vùng quy hoạch chăn nuôi kết hợp đầu tư xây dựng hệ thống xử lý và kiểm soát chất thải để bảo vệ môi trường. Đặc biệt là tiếp tục giảm dần chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ, phân tán trong khu dân cư.
Việc triển khai thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường trong chăn nuôi đang góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường, đồng thời thúc đẩy sản xuất bền vững, tăng thu nhập cho các hộ nông dân, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện.