Nông dân biến khu canh tác kém hiệu quả thành trang trại chăn nuôi điển hình
Tại cánh đồng Rú Bộp thuộc thôn Bèo, xã Vĩnh Long (Vĩnh Lộc), một trang trại chăn nuôi lợn hiện đại được gây dựng giữa những hàng cây xanh mát quanh năm. Không những xử lý khá tốt vấn đề môi trường, mà đây còn là mô hình chăn nuôi được coi là hiệu quả bậc nhất của huyện Vĩnh Lộc. Đó chính là thành quả 9 năm gây dựng của nông dân năng động Trần Tiến Quân, sinh năm 1957.
Ông Trần Tiến Quân với trang trại chăn nuôi cho lợi nhuận khoảng 3 tỷ đồng/năm.
Với sự kích cầu của địa phương, con đường bê tông kiên cố đã được dẫn ra tận mô hình chăn nuôi này để các xe tải nhỏ có thể ra vào. Phải mặc quần áo bảo hộ, rồi đi ủng lội qua các hố nước vôi loãng, chúng tôi mới đủ điều kiện vào thăm trang trại lợn lớn và hiệu quả bậc nhất ở huyện trung du này. Nội khu trang trại rộng hơn 6.300 m2 ấy, những hàng xoan, lát và cây ăn quả như mít, bưởi đã vươn cao, góp phần xanh hóa và cải tạo môi trường. Quanh khu trại, gia chủ cũng đầu tư các tuyến đường kiên cố phục vụ các khâu sản xuất. Theo chủ trang trại 66 tuổi, vấn đề cách ly và phòng chống dịch bệnh cho đàn lợn ở đây được chú trọng hàng đầu, quyết định sự thành bại của mô hình. Nhiều lần dịch bệnh trên đàn lợn bùng phát khắp tỉnh, trang trại này vẫn an toàn. Nhiều thời điểm, công nhân được yêu cầu ăn ở tại chỗ, hạn chế về nhà để không tiếp xúc với các mầm bệnh. Hằng ngày, khi các xe tải chở thức ăn đến bên ngoài trang trại, từng bao cám cũng được phun thuốc khử khuẩn mới được mang vào bên trong.
Không qua lớp học thiết kế xây dựng hay học chuyên ngành chăn nuôi nào, nhưng người nông dân thuần túy Trần Tiến Quân lại có tinh thần ham học hỏi và sự năng động để luôn tiếp cận những kiến thức mới trong chăn nuôi. Hệ thống rèm che, quạt gió rồi các máng ăn trong trang trại đều được thiết kế và lắp đặt khá khoa học. Vốn tính hay lam hay làm, hằng ngày ông trực tiếp tham gia vào các khâu lao động cùng các công nhân trong khu trại để đúc rút những kinh nghiệm cần thiết. Với tổng diện tích được cấp phép, ông đã khéo léo bố trí các khu trại nuôi liên hoàn cho lợn nái sinh sản, lợn con, lợn thịt, khu chuồng cách ly... với tổng diện tích 1.600 m2. Giữa các dãy chuồng là những con đường được trồng cây xanh phủ bóng mát quanh năm để điều hòa không khí khu trại. Chất thải trong chăn nuôi được xử lý khá triệt để thông qua hệ thống hầm bi ô ga, bể chứa và ao lắng gần 1.000 m2 được xây dựng hiện đại.
Đến khu trang trại, một thực tế dễ dàng cảm nhận là môi trường khá trong lành. Mỗi ngày trang trại được thau rửa 2 lần, hệ thống chất thải được chuyển thể thành chất đốt và năng lượng chạy quạt mát hay sưởi ấm cho hệ thống chuồng nuôi. Dưới những tán cây lưu niên, nhấp chén trà cùng trò chuyện với gia chủ, chúng tôi có cảm giác nơi đây giống như một khuôn viên cây xanh hơn là một khu trại chăn nuôi. Khu trang trại còn nằm cách xa các khu dân cư gần nhất của xã Vĩnh Long gần 1 km nên hầu như chưa có ảnh hưởng đến môi trường.
Từ nhiều năm nay, khu trang trại đang duy trì nuôi thả hơn 1.200 con lợn, trong đó 130 lợn nái sinh sản, hơn 250 lợn con theo mẹ và lợn đực, còn lại là lợn thịt. Do chủ động nguồn giống và nuôi gối lứa nên trang trại không mất chi phí mua lợn giống, lại hạn chế được nguồn bệnh có thể lây lan từ nhập giống bên ngoài. Trang trại đang giải quyết cho 6 lao động thường xuyên với thu nhập trung bình 10 triệu đồng/người/tháng. Hiện chuồng nuôi vẫn chưa đủ lấp đầy công suất theo thiết kế nên ông đang tăng đàn lợn nái sinh sản lên 300 con để tăng thu nhập từ cung ứng lợn giống cho các trang trại, gia trại trong và ngoài huyện.
Theo hạch toán của ông Trần Tiến Quân, năm 2021 tổng thu nhập từ xuất bán lợn thịt thương phẩm và lợn giống từ trang trại đạt 12,7 tỷ đồng, trừ mọi chi phí cho lợi nhuận 2,3 tỷ đồng. Năm 2022 với 218 tấn lợn xuất chuồng và đàn lợn giống đã cho doanh thu 15,58 tỷ đồng, đem về lợi nhuận hơn 3 tỷ đồng. Từ số tiền thu nhập hàng năm, ông đều tái đầu tư để hiện đại hóa mô hình chăn nuôi, đến nay đã chi đến 9 tỷ đồng cho xây dựng hệ thống hạ tầng trang trại.
Có được thành quả như ngày hôm nay là cả quá trình nỗ lực và liên tục thay đổi đường hướng phát triển chăn nuôi phù hợp với thực tiễn thị trường. “Trước đây tôi chẳng thể ngờ có được cơ ngơi này, bởi đầu năm 2015, nơi đây là vùng đất sản xuất kém hiệu quả của xã. Lúc đó nhiều gia đình không mặn mà canh tác, thậm chí bỏ hoang. Xã Vĩnh Long có chủ trương khuyến khích dồn đổi để hình thành vùng trang trại. Quyết tâm để phát triển sản xuất lớn, tôi đã mạnh dạn đấu thầu, nhưng thiếu vốn nên phải vay mượn khắp nơi, từng bước phát triển hạ tầng khu chăn nuôi cũng như quy mô trang trại” - Ông Quân cho biết.
Những thành công của chủ trang trại năng động đã đủ cơ sở cho phát triển mô hình chăn nuôi lợn bền vững. Người con trai của ông Quân là Trần Văn Huy đã theo học trung cấp thú y, về đồng hành và tiếp cận các công việc quan trọng ở khu chăn nuôi nhiều lứa vừa qua. Theo đánh giá từ Hội Làm vườn và Trang trại huyện Vĩnh Lộc, trang trại lợn của ông Trần Tiến Quân hiện được cho là hiện đại và hiệu quả nhất trên địa bàn huyện. Trang trại cũng tạo được sự lan tỏa nên có nhiều hộ chăn nuôi trong và ngoài huyện đến tham quan, học tập kinh nghiệm. Với mong muốn cùng phát triển để mở rộng thị trường cung ứng bền vững, ông Quân đã giúp 5 chủ trang trại trong vùng nhân rộng theo mô hình mình đã gây dựng.