Nông dân Cà Mau tất bật thu hoặc tôm càng xanh đón Tết
Những ngày qua nông dân nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Cà Mau tất bật thu hoạch tôm càng xanh trong ruộng lúa để đón Tết.
Lúa - tôm là một trong những mô hình chủ đạo, mang tính chất sản xuất thuận thiên của ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau được người dân quen gọi là mô hình “con tôm ôm cây lúa” vừa mang giá trị kinh tế vừa thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu.
Vụ lúa - tôm năm 2024 tỉnh Cà Mau xuống giống được hơn 37.100 ha. Trong đó, huyện Thới Bình có diện tích trồng lúa trên đất nuôi tôm lớn nhất tỉnh Cà Mau với gần 19.000ha.
Đối tượng nông dân thả nuôi trong ruộng lúa gồm tôm, cua. Riêng tôm có đối tượng tôm sú và tôm càng xanh. Tôm càng xanh là đối tượng thả nuôi sau này nhưng được nhiều nông dân ưa chuộng thả nuôi, do hiệu quả kinh tế cao.
Ông Nguyễn Văn Diện (xã Biển Bạch Đông, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) có hơn 2 ha đất trồng lúa kết hợp với nuôi tôm càng xanh. Sau khi thu hoạch trừ các chi phí ông còn lãi hơn 60 triệu để đón Tết.
“Năm nay việc thả nuôi tôm càng thuận lợi hơn năm rồi, tôm phát triển tốt đạt đầu con, thời điểm bán lại được giá (130.000 đồng/kg) nên lợi nhuận cao. Năm nay xem như có cái Tết vui tươi, đầy đủ”, ông Diện phấn khởi chia sẻ.
Không riêng gia đình ông Diện nhiều hộ thực hiện mô hình nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa ở huyện Thới Bình cũng rất phấn khởi khi vừa trúng lúa, trúng tôm lại vừa trúng giá.
“Tôi thu mua tôm nhiều nơi trên địa bàn huyện Thới Bình thấy đa phần vụ lúa tôm năm nay người dân đều trúng, có hộ thu lợi nhuận hơn 100 triệu đồng.
Giá tôm càng hiện được thu mua trung bình từ 130.000 đến 150.000 đồng/kg và đang được giữ ổn định. Hiện tại nhiều hộ vẫn đang thu hoạch để kịp đón Tết”, ông Trần Hải Đăng - một thương lái mua tôm tại huyện Thới Bình thông tin.
Thông thường tôm càng sẽ được nông dân thả giống vào khoảng tháng 6 âm lịch, đến khoảng tháng 12 sẽ thu hoạch đồng loạt.
“Những năm qua mô hình nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa cho nông dân nguồn thu nhập ổn định. Do tôm càng xanh có đặc tính ít hao hụt, tỷ lệ thành công cao, ít tốn chi phí đầu tư như: thức ăn, thuốc xử lý nước nên con tôm càng ngày càng được người dân trong vùng chọn thả nuôi, phát triển song song cùng với vụ lúa trong mùa nước ngọt.
Chúng tôi đang có định hướng mở rộng diện tích nuôi trên toàn địa bàn xã hướng đến các chứng nhận quốc tế để bảo vệ môi trường, góp phần nâng tầm giá trị con tôm Việt”, ông Nguyễn Phi Thoàn, Phó Chủ tịch UBND xã Biển Bạch Đông, huyện Thới Bình cho biết.