Nông dân các xã vùng cao huyện Nho Quan tập trung xuống giống cây màu

Vụ Đông xuân 2023-2024, huyện Nho Quan là địa phương có diện tích gieo trồng cây rau màu theo kế hoạch lớn nhất của tỉnh với 2.900 ha. Những ngày này, tranh thủ thời tiết mưa ẩm, bà con nông dân đang xuống đồng đẩy nhanh tiến độ gieo trồng, đảm bảo khung thời vụ.

Tranh thủ có mưa, bà con xã Cúc Phương tập trung gieo trồng cây màu vụ Xuân

Tranh thủ có mưa, bà con xã Cúc Phương tập trung gieo trồng cây màu vụ Xuân

Tại xã vùng cao Cúc Phương những ngày cuối tháng 2, trong tiết trời lất phất mưa xuân, không khí ra quân sản xuất của bà con vô cùng nhộn nhịp. Nhiều phương tiện xe đạp, xe máy được dựng ven đường, còn xa xa ở những mảnh ruộng ven chân núi, từng tốp từng tốp khoảng 10-20 người tập trung gieo trồng. Máy cày làm đất đến đâu là bà con nông dân cuốc hố đến đấy, rồi bỏ phân, tra hạt, lấp đất. Điều đặc biệt mà tôi quan sát ở đây là bà con không hề sử dụng thuốc trừ cỏ và phân bón cũng hoàn toàn là phân hữu cơ kết hợp với một ít phân lân nên đất đai khá tơi xốp.

Các gia đình thường đổi công cho nhau để việc gieo trồng nhanh chóng, thuận lợi hơn.

Vừa nhanh tay tra ngô, bà Quách Thị Hiền, ở thôn Nga 2 vừa giải thích: Ngô, sắn sản xuất ra bà con chủ yếu để phục vụ chăn nuôi trong gia đình, đặc biệt là con hươu - một con nuôi có giá trị kinh tế cao nhưng cũng khá nhạy cảm với các loại hóa chất nên mọi người tuyệt đối không sử dụng phân bón hay thuốc trừ sâu hóa học. Cũng theo bà Hiền: Do sản xuất phụ thuộc hoàn toàn vào nước trời nên phải chờ đến ngày 22 tháng 2 khi trời lắc rắc có mưa xuân, bà con mới ra đồng. Nhà nọ đổi công nhà kia nên rất vui và nhanh. Với cách làm này, 6 sào ruộng trồng sắn và ngô của gia đình chỉ cần làm 2 ngày là xong.

Đang chờ máy cày làm đất, anh Đinh Văn Hậu ở ruộng bên cạnh chia sẻ thêm: Gia đình tôi nuôi 5 cặp hươu, ngoài ra còn lợn, gà. Do vậy, để chủ động nguồn thức ăn cho con nuôi, ngoài 2 sào cỏ voi, tôi còn trồng thêm ngô, khoai, sắn các loại. Trước bối cảnh thời tiết diễn biến ngày càng phức tạp, những vụ sản xuất gần đây, tôi đã tìm hiểu và chọn giống ngô lai thế hệ mới để gieo trồng nhằm tăng khả năng chống chịu với nắng nóng, sâu bệnh, giảm ngã đổ, cho năng suất cao hơn.

Với địa hình đồi núi, xen lẫn nhiều đá tai mèo nên việc điều khiển máy cày ở các xã vùng cao cần những người có nhiều kinh nghiệm.

Theo UBND xã Cúc Phương, vụ Đông xuân 2023-2024 này, xã dự kiến gieo trồng trên 100 ha cây trồng các loại, trong đó chủ đạo là ngô hơn 80 ha còn lại là lạc, khoai sọ, sắn, dứa và rau đậu các loại, riêng lúa nước chỉ còn khoảng 2 ha. Trước Tết, bà con đã xuống giống được một phần diện tích ngô. Hiện nay, bà con tiếp tục tập trung gieo trồng những diện tích còn lại và dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối tháng 2 này.

Xuôi xuống xã Văn Phương, cũng là một trong những địa phương vùng cao của huyện Nho Quan, do ở đây có hệ thống mương máng, tưới tiêu khá hoàn chỉnh nên phần lớn cây trồng đã được bà con gieo trồng từ trước Tết Nguyên đán. Trên cánh đồng thôn Tiền Phương 2, các loại cây rau màu đều đã lên xanh, vợ chồng ông Đinh Quốc Triệu vừa nhanh tay bón phân, vun luống, làm cỏ cho mấy luống ngô vừa chia sẻ với chúng tôi: Hai vợ chồng tôi đã ngoài 70 nhưng vẫn gắn bó với đồng ruộng. Hiện nay, máy móc đã thay thế hầu hết các công đoạn nên sản xuất nhàn hơn trước rất nhiều. Gia đình tôi có 5 sào đất màu chuyên trồng ngô, từ 24 tháng Chạp đã xuống giống xong. Vụ này, thời tiết thuận lợi, ấm áp nên dễ canh tác, các loại cây trồng đều sinh trưởng, phát triển tốt. Hiện, vợ chồng tôi đang tiến hành bón phân, làm cỏ, vun luống cho cây. Nếu thuận lợi, mỗi sào trồng rau màu gia đình sẽ có thu nhập từ 1-1,2 triệu đồng.

Nông dân xã Văn Phương chăm sóc, bón phân cho cây ngô.

Vụ Đông xuân năm nay, huyện Nho Quan dự kiến gieo trồng 2.900 ha cây cây màu, chủ yếu trên vùng đất đồi, nương. Bao gồm: ngô 880 ha, lạc 630 ha, khoai lang 110 ha, rau và cây màu khác là 850 ha, tập trung ở các xã vùng cao như: Cúc Phương, Kỳ Phú, Phú Long, Xích Thổ, Gia Lâm... Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, đến thời điểm hiện tại, các địa phương đã xuống giống được 75% diện tích. Hiện, Phòng cử cán bộ thường xuyên bám sát địa bàn, phối hợp với các địa phương và đơn vị liên quan đôn đốc, hướng dẫn bà con khẩn trương gieo trồng hết diện tích theo đúng kế hoạch, trong khung thời vụ. Những diện tích đã gieo, trồng trước Tết thì xới xáo, làm cỏ, bón phân sớm, cân đối, tạo điều kiện thuận lợi cho cây sinh trưởng và phát triển. Đối với một số diện tích vùng cao thiếu nước, cần tranh thủ gieo trồng và chăm sóc khi có mưa. Bên cạnh đó, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để có biện pháp ứng phó kịp thời với những diễn biến xấu do thời tiết và sinh vật hại gây ra, đảm bảo sản xuất thắng lợi.

Bài, ảnh: Nguyễn Lựu

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/nong-dan-cac-xa-vung-cao-huyen-nho-quan-tap-trung-xuong/d20240222171830623.htm