Nông dân cần cẩn trọng khi ồ ạt trồng sầu riêng
Từ kết quả khả quan và dự báo tích cực từ xuất khẩu sầu riêng, người dân nhiều nơi như tìm thấy 'luồng gió mới' trong sản xuất nông nghiệp của gia đình. Từ đây, nhiều diện tích đất trồng đã được chuyển sang trồng sầu riêng. Đơn cử như tại miền Tây Nam Bộ, phần diện tích lúa đảm bảo an ninh lương thực, những vườn cây ăn trái vẫn cho hiệu quả kinh tế đều bị chặt hạ chuyển đổi sang trồng sầu riêng.
Cơn sốt sầu riêng đã khiến mọi cảnh báo của ban ngành và địa phương bị xem nhẹ khi nhiều nơi vẫn đang ồ ạt trồng loại quả này. Ghi nhận thực tế ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Không có kinh nghiệm, chưa nắm vững kỹ thuật canh tác, nhưng khi thấy vườn cam xoàn không mang lại hiệu quả, trong khi sầu riêng cho giá trị kinh tế cao, cách đây 3 năm ông Võ Văn Mười ở xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang đã quyết định bỏ cam chuyển sang trồng sầu riêng. Để giảm thiểu rủi ro, ông Mười cho trồng 3 giống sầu riêng khác nhau để phòng ngừa loại này mất giá còn loại kia.
Trước sức hấp dẫn của giá sầu riêng trong thời gian gần đây, nhiều nông dân tại khu vực ĐBSCL đã ồ ạt bỏ lúa, cây ăn trái đặc thù vùng miền... để trồng loại cây này.
Dẫu biết thời gian chuyển đổi trồng sầu riêng phải mất từ 4 đến 5 năm mới cho quả, thế nhưng vì cái lợi trước mắt, nhiều hộ dân ồ ạt chuyển đổi cây trồng, mặc kệ hệ quả về sau.
Ngoài ra, trồng sầu riêng đòi hỏi kỹ thuật canh tác và chi phí đầu tư cao, nếu canh tác không hiệu quả, rủi ro thua lỗ là rất lớn, vì vậy người dân cần thận trọng khi chọn cây sầu riêng để canh tác trong thời gian tới.
Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!
Thực hiện : Công Tràng - Chí Điển
Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/nong-dan-can-can-trong-khi-o-at-trong-sau-rieng