Nông dân cần giống để sản xuất

Đợt lũ lịch sử trong những ngày đầu tháng 10 vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản cho người dân Quảng Trị. Theo thống kê ban đầu toàn tỉnh có 362,8 ha lúa, 2.613,73 ha hoa màu, 62 ha cây công nghiệp dài ngày; 557,49 ha cây ăn quả; 1.108,4 ha sắn, ngô, chuối bị thiệt hại hoàn toàn.

 Sau lũ lụt, nhiều diện tích cây ném bị thiệt hại, người dân cần hỗ trợ nguồn giống để khôi phục sản xuất - Ảnh: HNK

Sau lũ lụt, nhiều diện tích cây ném bị thiệt hại, người dân cần hỗ trợ nguồn giống để khôi phục sản xuất - Ảnh: HNK

Do bị ảnh hưởng nặng nề của 4 đợt lũ liên tiếp nên toàn bộ diện tích rau màu nói riêng và nhiều diện tích cây trồng khác cũng như nhà cửa, vật nuôi của người dân trên địa bàn tỉnh bị thiệt hại nặng. Đặc biệt là diện tích rau màu các loại bị nước lũ ngâm gây thối rễ và chết xảy ra hầu khắp các địa phương trong tỉnh, trong đó các địa phương bị thiệt hại nặng như Triệu Phong hơn 554 ha, Hải Lăng trên 600 ha. Một tuần sau trận lũ đi qua, chúng tôi có mặt tại các địa phương như xã Ba Lòng (huyện Đakrông), xã Hải Định (huyện Hải Lăng) là những nơi có nhiều diện tích hoa màu mất trắng sau mưa lũ. Thiên tai xảy ra bất ngờ và kéo dài khiến cuộc sống của nhiều người dân nơi đây đang rơi vào tình trạng khó khăn.

Từ lâu, thu nhập chính của người dân thôn Đá Nổi, xã Ba Lòng hay thôn Thiện Đông, Thiện Tây, xã Hải Định chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là cây lúa, đậu xanh và hoa màu các loại. Trận lũ lịch sử diễn ra đúng 15 ngày nên người dân ở xã Hải Định gặp vô vàn khó khăn. Cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Hải Định Đặng Bá Sơn cho biết, với đặc thù là một xã nông nghiệp nên thu nhập của người dân chủ yếu dựa vào cây lúa và hoa màu. Mấy năm trở lại đây, người dân đã khai thác diện tích đất cát trên địa bàn để trồng ném đem lại thu nhập cao. Bình quân mỗi sào người dân có thu nhập khoảng 100 triệu đồng, nhưng trận lũ vừa qua nhấn chìm khoảng 20 ha ném gây thiệt hạ đáng kể cho người dân. Do thiên tai xảy ra bất ngờ đã làm phần lớn diện tích cây lương thực, hoa màu trên địa bàn bị mất trắng. Vì vậy, đời sống người dân từ đây đến cuối năm sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Người dân rất mong nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của cấp trên để ổn định sản xuất, đời sống.

Trên thực tế, bức xúc nhất hiện nay đối với các địa phương trên địa bàn tỉnh ngoài việc khắc phục hậu quả do lũ lụt gây ra là vấn đề mưu sinh, khôi phục sản xuất để ổn định cuộc sống, nhưng tùy theo đặc thù sản xuất của từng địa phương mà nông dân tổ chức lại sản xuất. Đối với những địa phương thuần nông nghiệp như xã Hải Định (huyện Hải Lăng) hay xã Ba Lòng (huyện Đakrông), ngoài cây lúa thì hoa màu là nguồn thu nhập quan trọng nên việc hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi để tái sản xuất, chăn nuôi sau lũ là hết sức cấp thiết. Ông Lê Công Thành, ở thôn Thiện Tây, xã Hải Định cho biết, trận lũ vừa qua đã gây thiệt hại 5 sào ném của gia đình ông đang cho thu hoạch. Vậy nên mong muốn lớn nhất của ông là được cấp trên hỗ trợ các loại giống cây trồng để khôi phục lại sản xuất.

Trước tình hình đó, nhiều địa phương đang tìm các giải pháp để hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên do thời tiết diễn biến phức tạp nên sản xuất nông nghiệp chịu rất nhiều rủi ro, từ đó ảnh hưởng lớn đến quy trình sản xuất của người dân, nhất là các địa phương có thu nhập chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Vì thế, các địa phương cần chủ động hơn trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu để sản xuất hiệu quả. Sau khi mưa lũ xảy ra, với những diện tích rau màu bị thiệt hại, các địa phương cần chuẩn bị nguồn giống để hỗ trợ người dân gieo trồng lại khi thời tiết thuận lợi. Hiện nay đang là mùa mưa bão nên người dân cần chủ động chọn những cây hoa màu phù hợp để tái sản xuất, cải thiện thu nhập. Còn về lâu dài, trong sản xuất nông nghiệp các địa phương cần chủ động chuyển đổi sang các giống cây trồng ngắn ngày hoặc những giống có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu để giảm bớt thiệt hại do thiên tai gây ra.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Hồng Phương cho biết, những thiệt về nông nghiệp trong đợt lũ vừa qua là hết sức nặng nề. Do vậy, ngành nông nghiệp đã chủ động triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ nông dân khôi phục lại sản xuất. Vấn đề nan giải nhất hiện nay là nguồn giống để sản xuất. Vụ đông xuân đang cận kề và nguồn giống dự trữ của người dân ở vùng trọng điểm lúa Hải Lăng, Triệu Phong bị thiệt hại nặng nề nên cần đến một lượng thóc giống khá lớn. Bên cạnh vụ đông xuân thì người dân cần bắt tay vào trồng trọt hoa màu để tạo thu nhập. Vì vậy, tỉnh Quảng Trị đã kiến nghị Chính phủ để xin hỗ trợ 2.000 tấn giống lúa, 80 tấn ngô, 15 tấn rau màu để kịp thời đáp ứng yêu cầu sản xuất trên địa bàn. Đây chính là sự trợ giúp kịp thời, tạo điều kiện để người dân khắc phục hậu quả nặng nề của thiên tai, từng bước ổn định sản xuất, đời sống.

Tân Nguyên

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=152847