Nông dân Cao Minh phát huy thế mạnh từ cây quếTin khácPhát huy vai trò công tác tuyên giáo, tạo đồng thuận xã hôịSáng mãi truyền thống 'uống nước nhớ nguồn'
Những năm gần đây, quế đã trở thành cây có giá trị kinh tế cao, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân xã Cao Minh, huyện Tràng Định. Do đó, người nông dân trên địa bàn xã đã mạnh dạn đầu tư và mở rộng diện tích trồng quế nên đời sống ngày càng được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã hiện chỉ còn 11,2 %.
Nhận thấy cây quế có nhiều ưu điểm, phù hợp với điều kiện tự nhiên của xã, năm 2012, gia đình bà Liễu Thị Ngải, thôn Vằng Can, xã Cao Minh mạnh dạn trồng gần 2 vạn cây quế với diện tích hơn 5 ha. Bà Ngải cho biết: Nhờ được tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây quế qua các lớp do xã phối hợp tổ chức, tôi đã áp dụng vào thực tế sản xuất nên vườn quế của gia đình phát triển tốt. Tháng 6/2021, gia đình tôi bán hơn 1 vạn cây cho thu nhập trên 400 triệu đồng. Thấy cây đem lại hiệu quả kinh tế cao nên sau khi bán hết số quế, tôi sẽ tiếp tục trồng mới lại toàn bộ diện tích cây đã khai thác.
Không riêng gia đình bà Ngải, thời gian qua, nhận thấy hiệu quả kinh tế từ trồng quế đem lại nên người dân trên địa bàn xã đã tích cực phát triển kinh tế từ cây trồng này.
Quế là loại cây có tốc độ tăng trưởng khá nhanh, chi phí trồng thấp, tốn ít công chăm sóc, ước tính người dân đầu tư chỉ hơn 10 triệu đồng/ha. Sau 5 đến 10 năm, cây đã có thể cho khai thác, đặc biệt, tất cả các bộ phận của cây từ vỏ đến thân, lá, cành… đều có giá trị.
Được biết, cây quế được người dân xã Cao Minh đưa vào trồng cách đây khoảng 20 năm trước. Tuy nhiên, lúc bấy giờ, người dân trồng với tâm lý phủ xanh diện tích đất trống đồi trọc chứ cây chưa trở thành hàng hóa. Từ năm 2012, khi nhận thấy nhiều hộ dân có thu nhập cao từ quế, phong trào trồng quế mới phát triển mạnh, diện tích trồng quế ngày càng mở rộng. Theo đó, hộ trồng ít (hơn 1 ha) cũng có thu nhập 50 triệu đồng/năm, hộ trồng nhiều khoảng 8 ha đạt đến hơn 600 triệu đồng/năm. Năm 2020, toàn xã trồng được 60,3 ha cây quế, đạt 240% chỉ tiêu huyện giao, riêng trong 6 tháng đầu năm 2021, bà con đã trồng mới được hơn 50 ha, đạt 166,7% hế hoạch xã đề ra và đạt 83,33% kế hoạch huyện giao.
Để tạo điều kiện cho người dân phát triển cây quế, hằng năm, UBND xã phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện tổ chức 1 hoặc 2 lớp tập huấn hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng, chăm sóc và phòng, chống sâu bệnh trên cây quế. Đồng thời, UBND xã chỉ đạo các tổ chức, đoàn thể trong xã tạo điều kiện cho bà con tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để phát triển kinh tế (trong đó có cây quế), đến nay, dư nợ đạt trên 4 tỷ đồng cho 109 hộ vay. Đặc biệt, từ năm 2017, xã vận động mỗi thôn thành lập 1 tổ hợp tác trồng quế (mỗi hộ một người tham gia) để đổi công giúp đỡ nhau trong việc chăm sóc, khai thác quế. Ngoài ra, cuối năm 2017, trên địa bàn xã thành lập Hợp tác xã Nông lâm sản Cao Minh chuyên ươm cây quế giống để cung cấp cho bà con trên địa bàn xã và các xã lân cận. Trung bình mỗi năm, HTX cung cấp ra thị trường gần 70 vạn cây quế giống.
Ông Trịnh Thế Truyền, Chủ tịch UBND xã Cao Minh cho biết: Xác định quế là một trong những cây trồng chủ lực ở xã nên hằng năm, chúng tôi tích cực tuyên truyền, vận động người dân mở rộng diện tích trồng quế. Hiện toàn xã có 220 hộ thì hầu như hộ nào cũng trồng quế, nâng tổng diện tích quế toàn xã đạt trên 600 ha, trong đó có hơn 300 ha đang cho thu hoạch đem lại nguồn thu nhập khá cao cho người dân. Qua đó, đời sống của bà con ngày càng được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người hiện đạt 36 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo hiện còn 11,2%, giảm 46,8 % so với năm 2016.