Nông dân Cầu Ngang chủ động trồng màu trong mùa mưa
Để hoa màu phát triển tốt và đạt năng suất cao trong mùa mưa, những năm qua, nông dân huyện Cầu Ngang đã chủ động các biện pháp lên liếp trồng màu dưới chân ruộng, tận dụng những điều kiện đất đai thoát nước tốt như đất triền giồng, đất giồng cát để trồng màu. Nhờ vậy, nông dân thường xuyên có nông sản phục vụ thị trường, nâng cao thu nhập thúc đẩy kinh tế gia đình.
Từ đầu năm 2024 đến nay, các địa phương trong huyện đã xuống giống trên 15.500ha màu các loại. Trong đó màu lương thực xuống giống 1.614ha bắp thường, bắp giống, khoai, mì các loại. Màu thực phẩm xuống giống 11.1112ha như dưa hấu, dưa leo, khổ qua, ớt, bầu bí, cà, rau đậu các loại. Màu công nghiệp xuống giống 2.841ha chủ yếu đậu phộng, mía. Đến nay đã thu hoạch hơn 13.408ha rau màu các loại.
Nhiều năm qua, gia đình bà Thạch Thị Tâm trồng thâm canh cây dưa hấu trên đất giồng cát ở ấp Sóc Giụp, xã Long Sơn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Theo bà Tâm, trồng dưa hấu trên đất giồng cát thoát nước tốt vào mùa mưa. Dưa hấu là cây trồng ngắn ngày, năng suất cao, đầu ra thị trường ổn định nên hơn 05 năm qua gia đình tập trung sản xuất 03 - 04 vụ dưa hấu/năm, năng suất bình quân đạt từ 30 - 35 tấn/ha, lợi nhuận bình quân 50 - 60 triệu đồng/ha.
Để chủ động phòng, chống kịp thời sâu bệnh gây hại trên cây dưa hấu vào mùa mưa, trước khi xuống giống bà sử dụng vôi và một số loại thuốc bảo vệ thực vật để diệt cỏ, nấm gây hại trong đất, cải tạo đất sau đó lên liếp xuống giống dưa hấu. Do có kinh nghiệm trồng dưa hấu nhiều năm nên việc xử lý sâu bệnh trên cây dưa hấu bà cơ bản nắm vững.
Trồng dưa hấu vào mưa mưa nhẹ công chăm sóc, nhất là khâu tưới nước. Năng suất dưa hấu trồng mùa mưa tuy thấp hơn mùa nắng nhưng người trồng chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu bằng cách những ngày úp nụ dưa hấu tránh được tình trạng mưa dầm, dưa hấu đậu trái thuận lợi và phát triển tốt, đồng thời trồng vào mùa nghịch, bán được giá cao. Với 01ha dưa hấu của gia đình, năng suất trồng mùa mưa đạt 28 - 30 tấn/ha, giá bán 9.000 - 9.500 đồng/kg, lợi nhuận đạt 60 triệu đồng/ha.
Còn bà Nguyễn Thị Phượng, ấp Mỹ Quí, xã Hiệp Mỹ Tây chọn cây rau hẹ trồng trong mùa mưa. Bà Phượng cho biết: hẹ là rau màu thích nghi trồng trong mùa mưa. Do là cây trồng lưu gốc nên thu hoạch hàng ngày. Hẹ chỉ xuống giống 01 lần cho đến hơn 02 tháng sau bắt đầu thu hoạch 01 lần/ngày. Nhờ chủ động cây giống hẹ, nên bà giảm chi phí đầu tư cây giống, do cây lưu gốc nên hạn chế công lao động và chi phí khác.
Theo bà Phượng, hẹ trồng trong mùa mưa phát triển nhanh, năng suất nhiều, nên giá bán giảm khoảng 4.000 đồng/kg so với những tháng trước. Mặc dù giá hẹ giảm nhưng nông dân vẫn đạt lợi nhuận. Với 0,3ha hẹ hiện đang cho thu hoạch từ 30 - 120kg/ngày, giá bán 15.000 đồng/kg, trừ công lao động lặt hẹ 3.000 đồng/kg, người trồng lợi nhuận 12.000 đồng/kg.
Nông dân Nguyễn Văn Vàng, ngụ ấp Mỹ Quí chọn cây rau mồng tơi trồng trong mùa mưa đem lại hiệu quả cao. Ông Vàng cho biết: với 0,5ha đất trồng màu các loại như cải ngọt, ngò rí, cải xà lách, trong đó trồng 0,1ha mồng tơi. Mặc dù rau cải các loại giá trên thị trường biến động thất thường, nhưng không ổn định bằng mồng tơi. Rau mồng tơi tuy giá bán thấp hơn các loại rau cải nhưng ổn định giá bán từ 5.000 - 6.000 đồng/kg. Mồng tơi trồng trong mùa mưa năng suất cao do sinh trưởng nhanh nên nặng ký hơn những rau cải khác. Bình quân 0,1ha mồng tơi cho thu hoạch 100kg/ngày, lợi nhuận đạt 10 triệu đồng/0,1ha.
Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Hiệp Mỹ Tây cho biết: là xã nông nghiệp, có thế mạnh về nuôi thủy sản. Do đó, những năm gần đây, xã đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, các mô hình sản xuất hiệu quả được nhân rộng. Song song với con nuôi thủy sản, mô hình trồng màu được nông dân duy trì và chủ động lựa chọn cây trồng, cơ cấu mùa vụ phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu và cây rau củ quả là những cây trồng ngắn ngày được người dân trong xã chọn trồng tập trung trong mùa mưa nhằm tiết kiệm nước tưới, nhẹ công chăm sóc mang lại hiệu quả cao.
Thời gian tới, xã tiếp tục thực hiện Đề án “tái cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”, hình thành các vùng trồng trọt và chăn nuôi tập trung với cơ cấu sản xuất phù hợp, hiệu quả, có giá trị kinh tế cao, có nhãn hiệu tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ hợp tác và hợp tác xã nông nghiệp. Triển khai các mô hình sản xuất ứng dụng khoa học, công nghệ góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững. Đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp; mở rộng liên kết với các cơ quan, doanh nghiệp để nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp, nhất là đưa vào sản xuất các loại giống mới cho hiệu quả kinh tế cao.