Nông dân cấy đêm tránh nóng

Khung thời vụ sản xuất vụ mùa gấp gáp, thời tiết ban ngày nắng nóng gay gắt, nhiều nông dân trong tỉnh đã lựa chọn giải pháp cấy về đêm để bảo đảm tiến độ cũng như sức khỏe.

Nông dân đi nhổ mạ từ sáng sớm khi trời còn dịu mát

2 giờ sáng, bóng tối vẫn bao trùm khắp không gian nhưng trên cánh đồng Dược Mạ thôn An Lạc, xã Đức Thắng (Tiên Lữ) đã có tiếng nhổ mạ, đập bùn bì bõm. Lấp loáng dưới ánh đèn pin đội đầu là những đôi tay thoăn thoắt của các bà, các chị, ai nấy đều khẩn trương nhổ thật nhiều mạ mang ra ruộng cấy khi thời tiết còn dịu mát.

Trên phần ruộng của mình, bà Nguyễn Thị Hậu cho biết: Vụ này tôi cấy 7 sào ruộng. Do nhà neo người, các con lại làm ăn xa, ban ngày thời tiết nắng nóng nên 16 giờ tôi mới ra đồng cấy đến khoảng 20 – 21 giờ thì về nghỉ ngơi. 3 giờ sáng hôm sau lại đi nhổ mạ rồi ra đồng cấy đến lúc nào trời nắng gắt thì về. Với thời tiết mùa hè nắng nóng nên vụ mùa năm nào tôi cũng đi cấy đêm.

Vụ mùa này, xã Đa Lộc (Ân Thi) gieo cấy 340ha lúa, đến nay nông dân đã cấy được trên 70% diện tích. Ông Nguyễn Ngọc Toản, Phó Chủ tịch UBND xã Đa Lộc cho biết: Để bảo đảm tiến độ gieo cấy lúa mùa trong điều kiện thời tiết nắng nóng, thông qua hội nông dân, địa phương đã có hướng dẫn người dân tranh thủ thời điểm sáng sớm, chiều mát và ban đêm để ra đồng sản xuất vụ mùa để bảo đảm tiến độ và sức khỏe. Mặc dù cấy ban đêm nhiệt độ dịu hơn ban ngày nhưng người dân cần chú ý bảo đảm sức khỏe do giờ sinh học bị thay đổi, đồng thời lưu ý bảo đảm mực nước mặt ruộng từ 15 - 20cm nhằm bảo vệ an toàn bộ rễ lúa khi thời tiết nắng nóng. Xã phối hợp với Xí nghiệp khai thác công trình thủy lợi huyện Ân Thi điều tiết nguồn nước, thông báo cho người dân thời điểm bơm nước để chủ động dẫn nước vào ruộng…

Những ngày này, vợ chồng ông Nguyễn Văn Nhu ở thôn Đa Lộc, xã Đa Lộc (Ân Thi) thường ra đồng cấy lúa lúc 17 giờ. Ông Nhu cho biết: Ngày mùa, giờ giấc sinh hoạt cũng bị đảo lộn. Không riêng gì gia đình tôi mà hầu hết nông dân trong thôn, xã đều chọn cấy đêm để tránh nắng nóng. Cấy đêm vừa đỡ bị nắng nóng, kịp nước về, bởi chậm một hôm thì ruộng rút nước nhanh, bùn se mặt, gốc lúa bị bó lại, cấy rất khó. Cấy đêm cây mạ cũng phát triển tốt hơn, bám rễ nhanh và tươi hơn, bởi nước và bùn đã dịu bớt nhiệt.

Do nhân lực ngày càng ít vì lớp trẻ đi làm công ty, trong khi lịch thời vụ gấp gáp, nhiều gia đình đã phải thuê thêm lao động. Nhiều người dân tranh thủ công việc đồng áng của nhà đã xong đi cấy thuê kiếm thêm thu nhập. Chị Nguyễn Thị Huyền ở xã Tống Trân (Phù Cừ) cho biết: Đội cấy thuê của chúng tôi thường có từ 2 – 3 người. Tiền công cấy là 400.000 đồng/sào. Nếu đi sớm, về đêm, tôi có thể cấy được 1,5 – 1,7 sào/ngày.

Vụ mùa năm nay, toàn tỉnh phấn đấu gieo cấy hơn 26,3 nghìn ha lúa, trong đó, cơ cấu lúa mùa sớm chiếm 5 - 10% diện tích, lúa mùa trung chiếm 90 - 95% diện tích gieo cấy, bố trí gieo cấy lúa chất lượng cao từ 18,5 nghìn đến 19 nghìn ha. Phấn đấu hoàn thành toàn bộ diện tích gieo cấy trước ngày 15.7.

Do lúa xuân năm nay thu hoạch muộn hơn so với cùng kỳ năm trước từ 5 - 10 ngày, áp lực về thời vụ càng trở nên gấp gáp hơn. Để chủ động hoàn thành sản xuất vụ mùa theo kế hoạch, bảo đảm năng suất, chất lượng lúa mùa, ngành chuyên môn khuyến cáo người dân chỉ nên cấy khi mạ đã đủ tuổi; gieo, cấy vào lúc thời tiết mát (chiều, sáng sớm) giúp lúa nhanh hồi xanh, thực hiện gieo cấy từ dưới lên, trên xuống (ruộng thấp, trũng cấy trước; chân cao chủ động nước gieo trước) để lúa sinh trưởng, phát triển sớm, tránh bị ảnh hưởng khi có mưa lớn gây úng ngập cục bộ; thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phòng trừ các đối tượng sâu, bệnh, dịch hại đầu vụ (ốc bươu vàng, chuột...) để bảo vệ lúa.

Dương Miền

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/kinh-te/nong-nghiep-nong-thon/202207/nong-dan-cay-dem-tranh-nong-6004457/