Nông dân chủ động nguồn nông sản bán dịp Tết
Nông dân trong tỉnh đang chủ động sản xuất, chăn nuôi, chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường hàng hóa dịp Tết Nguyên đán.
Để phục vụ nhu cầu về lương thực, thực phẩm tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán, nông dân trong tỉnh đã tăng cường sản xuất, chủ động nguồn hàng.
Không lo thiếu
Những ngày này, không khí sản xuất ở vùng chuyên canh cải bắp xã Gia Khánh (Gia Lộc) luôn tấp nập người dân thu hoạch và trồng lứa rau mới. Vụ này, ông Phạm Văn Bốn trồng 1 mẫu cải bắp, trong đó có 2 sào để phục vụ thị trường Tết. Năm ngoái, lứa rau Tết của gia đình ông bị thất thu do thu hoạch trùng vào đợt dịch Covid-19 bùng phát mạnh. Rút kinh nghiệm, năm nay ông Bốn trồng các lứa cải bắp xen nhau để thu hoạch rải vụ, tránh tình trạng phải "giải cứu". "Hiện nay, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương nhưng rau vẫn tiêu thụ thuận lợi. Thương lái ở các tỉnh, thành phố vẫn đến thu mua, chứng tỏ nhu cầu của thị trường rất lớn. Riêng cải bắp đang được thu mua khoảng 10 triệu đồng/sào, cao hơn so với đầu vụ. Nếu giao thông vẫn thuận lợi như hiện nay thì vụ rau Tết nông dân sẽ thắng lợi", ông Bốn nói.
Hải Dương là một trong những vựa rau lớn ở khu vực miền Bắc với khoảng 21.000 ha. Đây cũng là vụ thu hoạch chính của nhiều nông dân trong tỉnh. Để phục vụ nhu cầu thị trường, các lứa rau đều được tính toán trồng rải vụ, tránh thu hoạch ồ ạt vào cùng thời điểm. Vụ đông năm nay được đánh giá có nhiều thuận lợi bởi ngoài kinh nghiệm và trình độ kỹ thuật trồng rau cao thì chính quyền các cấp và ngành nông nghiệp đặc biệt quan tâm. Bên cạnh đó, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở nhiều tỉnh, thành phố nên nhiều nơi không quyết liệt chỉ đạo sản xuất vụ đông. Đây là cơ hội rộng mở thị trường tiêu thụ nông sản của tỉnh.
Ngược lại, các trang trại chăn nuôi trong tỉnh hiện gặp nhiều khó khăn do chi phí chăn nuôi đồng loạt tăng trong khi giá bán giảm, nhiều trang trại thua lỗ. Hầu hết các trang trại, hộ chăn nuôi đều dè dặt tái đàn. Ông Đào Văn Nho, chủ một trang trại chăn nuôi lợn ở thôn Thanh Xá, xã Liên Hồng (TP Hải Dương) cho biết: "Những năm gần đây, xu hướng tiêu dùng của người dân có phần thay đổi. Các mặt hàng nông sản đều được cung ứng quanh năm nên nhu cầu tiêu dùng không còn tập trung nhiều vào dịp Tết như trước. Dù quy mô chăn nuôi có giảm nhưng hầu hết chỉ ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Các trang trại chăn nuôi quy mô lớn đều nuôi tối đa công suất nên sẽ bảo đảm nguồn cung hàng hóa phục vụ thị trường Tết".
Nâng cao chất lượng
Năm trước, HTX Chăn nuôi gà thương phẩm xã Tân Việt (Thanh Hà) có hơn một nửa số gà Tết bị tồn đọng. Rút kinh nghiệm, lứa gà Tết này HTX chỉ nuôi khoảng 30.000 con, giảm 1/3 so với cùng kỳ, nhưng tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm. Ngay từ khâu đầu vào, HTX đã liên kết các cơ sở cung cấp con giống uy tín, rõ nguồn gốc và tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chăn nuôi theo hướng VietGAP.
Bà Phạm Thị Chuyên, Giám đốc HTX này cho biết: "Những tháng cuối năm, thời tiết diễn biến bất thường nên gà rất dễ phát sinh dịch bệnh. Ngoài mua con giống ở các địa chỉ uy tín thì cơ sở còn tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ cho đàn vật nuôi; dọn vệ sinh, phun tiêu độc khử trùng chuồng trại định kỳ. Ngoài thức ăn công nghiệp, chúng tôi còn tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp có sẵn như cám ngô, gạo, rau xanh... để tăng cường chất lượng thịt và giảm chi phí trong chăn nuôi".
Đối với các vùng trồng rau màu tập trung của tỉnh, ngành nông nghiệp cũng chú trọng nâng cao chất lượng nông sản. Trong đó, khuyến khích nông dân sản xuất theo hướng an toàn, nâng cao chất lượng nông sản, hình thành các chuỗi liên kết gắn bao tiêu sản phẩm. Tỉnh xây dựng, duy trì và mở rộng các vùng sản xuất rau hàng hóa tập trung áp dụng quy trình VietGAP và GlobalGAP. Không chỉ kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật ở những vùng rau xuất khẩu mà còn tăng cường kiểm soát ở tất cả các vùng chuyên canh rau màu. Đây cũng là một trong những định hướng đúng đắn của ngành nông nghiệp nhằm nâng cao chất lượng và uy tín của nông sản Hải Dương đối với thị trường trong nước.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, dù dịch Covid-19 tác động không nhỏ tới sản xuất nhưng nông dân các nơi trong tỉnh vẫn chủ động bảo đảm nguồn cung hàng hóa phục vụ Tết. Việc tiêu thụ nông sản cũng được xây dựng các phương án cụ thể theo từng cấp độ dịch để bảo đảm hàng hóa được lưu thông thuận lợi. Để nâng cao chất lượng nông sản, ngành nông nghiệp cũng khuyến khích nông dân đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tạo đột phá về năng suất, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm.
Thời gian từ nay đến Tết Nguyên đán không còn xa, nhu cầu nông sản của thị trường sẽ tăng cao. Nông dân cần chủ động chuẩn bị nguồn hàng bảo đảm chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường dịp Tết. Tỉnh cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức xúc tiến thương mại, mở rộng liên kết sản xuất; hỗ trợ tiêu thụ nông sản để nông dân yên tâm đầu tư sản xuất.