Nông dân chuyên nghiệp trên đất Phù Vân
Phác họa chân dung Thiếu tá Lê Đức Ân, đối với tôi lúc này chỉ cụm từ 'nông dân chuyên nghiệp' đúng với tính chất và yêu cầu đổi mới nông nghiệp, nông thôn và nông dân hiện nay. Xuất thân từ nông dân, trở thành sỹ quan quân đội, rồi trở lại làm nông dân là một quá trình tự học, không ngừng tư duy và làm phong phú kinh nghiệm của mình, đảng viên Lê Đức Ân lan tỏa tinh thần làm giàu, trách nhiệm cộng đồng, yêu đồng ruộng đến với những người nông dân vùng quê Phù Vân.
Phác họa chân dung Thiếu tá Lê Đức Ân, đối với tôi lúc này chỉ cụm từ “nông dân chuyên nghiệp” đúng với tính chất và yêu cầu đổi mới nông nghiệp, nông thôn và nông dân hiện nay. Xuất thân từ nông dân, trở thành sỹ quan quân đội, rồi trở lại làm nông dân là một quá trình tự học, không ngừng tư duy và làm phong phú kinh nghiệm của mình, đảng viên Lê Đức Ân lan tỏa tinh thần làm giàu, trách nhiệm cộng đồng, yêu đồng ruộng đến với những người nông dân vùng quê Phù Vân.
Từ ông, ở Phù Vân bây giờ hình thành một đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, làm chủ các mô hình kinh tế nông nghiệp, sản xuất hàng hóa quy mô lớn, có năng lực quản lý tốt, thực hiện GAP (Good Agricultural Practice, có nghĩa là Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt), từng bước xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao. Họ đã biến vùng đất luôn gặp khó khăn trong sản xuất, hiệu quả bấp bênh, không mang lại đời sống khá giả cho gia đình trước đây, trở thành làng hoa nổi tiếng được ôm ấp bởi những dòng sông, vừa sản xuất vừa phát triển du lịch…
Kỳ 1: Giấc mơ làm giầu từ đất bỏ hoang
Quyết định nghỉ hưu sớm, rời Hà Nội về quê, thiếu tá Lê Đức Ân mang trong lòng nhiều trăn trở và dự định. Khi ấy, thôn 5 xã Phù Vân của ông là thôn nghèo, thu nhập của người dân thấp nhất, nhì trong xã. Đất đai thì có nhưng đa số diện tích một năm chỉ làm được một vụ. Ông Ân nhiều đêm không ngủ, ôm ít tiền dành dụm được sau nhiều năm công tác đầu tư phát triển kinh tế, nuôi giấc mơ làm giàu từ đất bỏ hoang…
Thời điểm năm 2010, Phù Vân vẫn là xã gặp nhiều khó khăn về phát triển kinh tế. Đây là “vũng lõm” của huyện Kim Bảng trước năm 2000 và của thành phố Phủ Lý bấy giờ do điều kiện bất lợi về giao thông. Bốn phía được bao bọc bởi sông, hồ. Muốn đến Phù Vân phải đi qua những cây cầu. Nhà ông Lê Đức Ân ở thôn 5, ven đê sông Cụt – người dân thường gọi là sông cổ. Nó là một nhánh sông Đáy trước kia chạy từ bến đò thôn 1 ra thôn 5, cạn dần trở thành ruộng. Năm đó, ông Ân tròn 44 tuổi, đang là sỹ quan quân đội, thuộc Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không không quân, xin nghỉ hưu sớm, quyết định về quê. Nhìn thấy bà con nhân dân trong thôn làm lụng vất vả quanh năm mà vẫn khó khăn, ít người có của ăn của để, ông Ân rất sốt ruột. Đa số đất đai của xã, của thôn đều nằm ngoài đê nên luôn bị lũ lụt đe dọa, hầu hết chỉ cấy thu hoạch được một vụ. Ông Ân xin xã, xin thành phố cho phép cải tạo, đắp bờ một mẫu đất ven sông Cụt để trồng hoa cây cảnh. Khu đất này thấp so với mặt đê hơn 4m. Vốn liếng không có nhiều, chỉ khoảng trên một trăm triệu đồng dành dụm được trong suốt quá trình công tác, ông bỏ ra đầu tư vào toàn bộ diện tích này để sản xuất, kinh doanh. Cùng lúc đó, ông tham gia vào Hội Cựu Chiến binh, Hội Nông dân xã Phù Vân để mở rộng quan hệ, tạo điều kiện giao lưu, học hỏi kinh nghiệm thực tế từ các hội viên khác.
Công cuộc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và ngành nghề dịch vụ ở nông thôn thời điểm này có nhiều chuyển biến tích cực sau khi xã thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2010-2015 với mục tiêu “đẩy nhanh hơn nữa tốc độ phát triển kinh tế, đảm bảo tăng trưởng cao, bền vững, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng dịch vụ thương mại, phát triển các khu đô thị mới, du lịch sinh thái, giảm tỷ trọng nông nghiệp”. Cùng với đó là thực hiện Chương trình xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2009-2011.
Nắm bắt được chủ trương của xã, cộng với kinh nghiệm làm quản lý kinh tế nhiều năm trong quân đội, ông Ân nhanh chóng biến mẫu đất ruộng lầy lội ven sông thành khu vườn sinh thái với những cây cảnh có giá trị kinh tế cao. Một phần, ông làm ao thả cá, thực hiện phương châm “lấy ngắn nuôi dài”. Điều quan trọng, ông Ân luôn hiểu bản thân mình muốn làm gì và khi đã muốn thì phải làm bằng được. Thôn 5 vốn có nghề trồng hoa truyền thống, nhưng do khó khăn về tưới tiêu, người dân chỉ sợ mất mùa nên không ai dám dấn thân phát triển nghề này cho rực rỡ.
Ông biết trước đó, vào năm 2005, một Dự án trồng hoa công nghệ cao trong nhà lưới nổi tiếng do xã phối hợp với Viện Rau quả Trung ương với diện tích 2.200m2 lần đầu thực hiện tại địa phương. Gia đình ông Nguyễn Bá Tăng được chọn làm điểm nhằm đẩy mạnh phong trào cải tạo vườn tạp, phát triển VAC. Nhưng chỉ sau vài ba năm, dự án kết thúc không nhân rộng và phát triển thêm được. Vì thế, khi xây dựng Nông thôn mới, xã Phù Vân đã chọn mô hình của ông Ân làm điểm, cho rằng nếu mô hình này được xây dựng và phát triển thành công, nó sẽ tạo điều kiện thôi thúc nông dân thực hiện giấc mơ làm giàu trên chính quê hương mình.
Vừa quán xuyến gia đình, vừa “vật lộn” với những khó khăn cho giấc mơ phục hồi “bờ xôi ruộng mật” của ông cha, ông Ân phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt với những toan tính chẳng dễ dàng để mà thành công. Được cái, lúc nào ông cũng cười, lạc quan và hy vọng.
“Nói thật! Chú không nghĩ nếu không phải là anh Ân, người khác khó mà làm thay đổi cả vùng đất ven đê ấy thành khu du lịch sinh thái đầy hứa hẹn của Phù Vân nói riêng, thành phố nói chung. Bởi vì, bao nhiêu năm trời, ở cái vùng đó người dân chỉ trồng khoai, trồng ngô, hiệu quả kém lắm. Nhiều chỗ trũng quá chẳng làm được gì, dân bỏ không. Cứ đến tháng 7 trở đi, nước dâng lên ngập hết… Phải là người bạo gan, bản lĩnh và có đầu óc tư duy kinh tế mới có thể làm được mô hình của anh Ân.” – ông Trần Duy Vinh, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Phù Vân (thời điểm trước năm 2005) khẳng định.
Trong con mắt của những người nông dân hiền hậu vùng đất này, ông Ân quá đặc biệt, đặc biệt đến độ không ai hiểu được “vì sao ông bỏ phố về làng, từ một sỹ quan quần là áo lượt, làm một nông dân tần tảo đêm ngày”. Những thanh niên trong thôn khi trước “nhàn nhã” cả ngày ở các quán trà, giờ nhìn ông làm cũng sốt ruột, đứng lên tìm hiểu cung cách làm ăn của ông mà học tập. Một số được ông nhận vào làm việc, tỉa cây, bê chậu, trồng hoa, chăm cá… dần dần cũng ổn định cuộc sống.
Diện tích được mở rộng dần nhờ thuê đất của các hộ dân lên tới 7.800m2, ông Ân tiếp tục xin phép xã, thành phố cải tạo, đắp bờ ngăn nước để trồng hoa, cây cảnh. Ngoài những cây cảnh bon sai đắt tiền, ông trồng hàng nghìn gốc hồng cổ, cúc chậu, hoa đồng tiền… Đó là những loại hoa mà người dân thành phố, các nơi yêu chuộng thời điểm đó. Cả ngày ngoài vườn, ông Ân cùng với anh em dầm dãi nắng mưa, nuôi quyết tâm biến vùng đất này trở thành một khu du lịch sinh thái trong tương lai.
“Thật kinh khủng! tháng 10 năm 2017, trận mưa lụt lớn đã làm cho cả vùng này ngập úng. Gần chục tấn cá quả trong ao đến kỳ thu hoạch mất trắng. Nhưng may ông trời thương, Tết năm ấy, nhà mình bán được 2.700 chậu hồng cổ, cúc, đồng tiền hoàn vốn.” - ông Ân nhớ lại.
Mô hình trồng hoa cây cảnh của ông đã trở thành mô hình điểm hiệu quả về phát triển kinh tế của xã trong thực hiện xây dựng Nông thôn mới. Từ đây, nhiều vườn cây cảnh có giá trị hàng chục tỷ đồng của các hộ nông dân qua liên kết làm ăn với ông Ân xuất hiện. Chẳng hạn như mô hình vườn hoa cây cảnh của các ông Phạm Văn Tâm, Vũ Ngọc Huy, Nguyễn Văn Phương, Nguyễn Văn Hùng... Hay các mô hình trồng hoa lớn như mô hình Sen tứ quý của gia đình anh Kiên chị Tứ, Quất cảnh của gia đình anh Tiến chị Hoa, Hồng cổ, hồng cảnh của gia đình anh Đồng chị Mơ, đào quất của gia đình anh Lê Hồng Sơn...
“Hóa ra, máu làm giàu của người dân Phù Vân cũng sục sôi lắm chứ! Chỉ cần có người khơi nguồn thì phong trào làm giàu của nông dân chẳng kém nơi nào. Hạnh phúc mang đến cho mình lúc này không chỉ là những thành công trong từng kế hoạch cá nhân mà lớn hơn chính là sự thay đổi trong tư duy, lề lối làm ăn của bà con nông dân nơi đây biến vùng đất này trở thành bờ xôi ruộng mật, trở thành một vùng trồng hoa có tiếng tăm bên những dòng sông huyền thoại.” – Ông Ân tự hào như thế!