Nông dân có thu nhập khá

Người dân xã Hòa An chuyển đổi đất lúa sang trồng diệp hạ châu. Ảnh: NGUYỄN CHƯƠNG

Thời gian qua, huyện Phú Hòa đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên các vùng đất lúa kém năng suất. Việc này không chỉ giải bài toán khô hạn mỗi vụ sản xuất mà còn giúp người dân tăng hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập.

Thu nhập cao hơn trồng lúa

Phú Hòa là huyện thuần nông, với diện tích lúa chiếm đa số nên lâu nay cây lúa là cây trồng chủ lực của huyện. Tuy nhiên, trên địa bàn có nhiều khu vực sản xuất cao, xa, chưa chủ động được nước tưới... thường xuyên xảy ra tình trạng khô hạn, hiệu quả kinh tế thấp. Trước thực trạng này, từ năm 2016 đến nay, huyện Phú Hòa đã đẩy mạnh chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây khác mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Ông Trần Hòa ở xã Hòa An cho biết: Trước đây tôi chỉ biết trồng lúa, nhưng vì chân ruộng của gia đình thường xuyên khô hạn, năng suất chỉ đạt 200kg/sào, đủ ăn giáp vụ chứ chẳng có dư. Từ năm 2017, khi được chính quyền địa phương khuyến khích, hướng dẫn, chúng tôi đã mạnh dạn chuyển đổi 4 sào đất trồng lúa dọc soi sang trồng diệp hạ châu. Nhờ được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc nên năng suất đạt cao. Bình quân mỗi sào diệp hạ châu cho thu hoạch khoảng 1 tấn thành phẩm/vụ.

Một năm tôi trồng 3 vụ, lợi nhuận mang lại 50 triệu đồng, so với trồng lúa cao gấp 10 lần. Ngoài trồng diệp hạ châu, tôi còn luân canh trồng các loại cây trồng cạn như đậu phộng và bắp. Mô hình này không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn giúp bà con bớt nỗi lo về nước tưới mỗi khi vào vụ sản xuất.

Tương tự, nhiều năm nay, người dân ở các thôn Ngọc Sơn Đông, Mậu Lâm Bắc, Đồng Lãnh thuộc xã Hòa Quang Bắc cũng chuyển nhiều diện tích trồng lúa sang trồng bắp khi vào vụ hè thu. Theo ông Trần Thanh Vân ở thôn Đồng Lãnh, để thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu, từ nhiều năm nay, trên 5 sào đất ruộng của gia đình, ông Vân chỉ làm 1 vụ lúa đông xuân, vì vụ này có nước tưới, còn vụ hè thu ông chuyển sang trồng bắp để tránh hạn.

Trong khi đó, bà Lê Thị Hà ở xã Hòa Trị lại chọn các loại rau màu làm cây trồng chính khi thực hiện việc chuyển đổi cây trồng trên đất lúa. Bà Hà cho hay: Hiện gia đình tôi đã chuyển đổi 2 sào đất ruộng ở khu đồng Núi Đất sang trồng các loại rau màu như bí xanh, đậu ve… Tuy nhọc công hơn trồng lúa nhưng thu nhập cao hơn hẳn.

Theo Phó Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Phú Hòa Trần Thị Nguyệt, khi thực hiện chuyển đổi cây trồng, địa phương tập trung vào sản xuất các giống cây trồng chịu hạn tốt, ngắn ngày, sản xuất được nhiều vụ mùa trong năm để tăng giá trị thặng dư trên đất. Tính đến nay, sau 4 năm (2016-2020), huyện đã chuyển đổi khoảng 380ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại hoa và rau màu như bắp, đậu phộng, dược liệu, rau xanh...

Hình thành nhiều vùng chuyên canh

Với mục tiêu ban đầu là giải quyết bài toán thiếu nước tưới mỗi khi vào vụ sản xuất, qua 4 năm chuyển đổi cây trồng, với những định hướng, quy hoạch đúng đắn, huyện Phú Hòa đã xây dựng, hình thành được nhiều vùng chuyên canh cây rau màu.

Theo UBND xã Hòa An, địa phương này đã xây dựng được vùng chuyên canh cây dược liệu với tổng diện tích khoảng 9ha trên các khu đất trồng lúa kém hiệu quả, với 51 hộ dân tham gia sản xuất. Bình quân mỗi năm cung cấp khoảng 70 tấn dược liệu cho Trung tâm Nghiên cứu và sản xuất dược liệu Miền Trung, mang về thu nhập ổn định cho bà con địa phương.

Trong khi đó, từ nhiều năm nay, một vùng chuyên canh hoa, rau màu cũng được hình thành trên vùng trồng lúa một vụ ở thôn Ngọc Sơn Đông, xã Hòa Quang Bắc với diện tích canh tác khoảng 30ha. Bà con ở đây chủ yếu sản xuất các loại rau màu như khổ qua, dưa leo, đậu ve, hoa lay ơn...

Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Quang Bắc Phan Thanh Đồng cho biết: Bình quân mỗi năm, người trồng rau màu có thu nhập khoảng 100 triệu đồng/ha, so với trồng lúa, lợi nhuận tăng gần chục lần. Trong thời gian tới, xã tiếp tục chuyển đổi, mở rộng khu chuyên canh hoa và rau màu này lên 90ha.

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng góp phần đa dạng hóa cây trồng và sản phẩm nông nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân. Năm nay, huyện Phú Hòa đặt mục tiêu chuyển đổi thêm 177ha đất trồng lúa kém năng suất sang các loại cây trồng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường như bắp, đậu phộng, đậu xanh, rau màu và dược liệu. Đồng thời, địa phương cũng sẽ kết nối với các đơn vị đầu mối để bao tiêu sản phẩm, ổn định đầu ra cho nông dân.

Ông Lê Ngọc Tính, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phú Hòa

THỦY TIÊN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/251806/nong-dan-co-thu-nhap-kha.html