Nóng dần cuộc chiến chip AI giữa Mỹ và Trung Quốc

Cuộc chạy đua quyết liệt, đồng thời là cuộc chiến phát triển chíp trí tuệ nhân tạo (AI) đang ngày càng nóng thêm khi cả Mỹ và Trung Quốc cùng tung ra những đòn trừng phạt và trả đũa lẫn nhau nhằm gây khó khăn cho đối thủ trong việc tiếp cận từ công nghệ tiên tiến cho tới nguyên vật liệu sản xuất.

Đòn tấn công vào đối thủ cạnh tranh chiến lược

Chính quyền Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm Joe Biden ngày 13-1 đã công bố quy định xuất khẩu mới đối với các chip điện toán tiên tiến được sử dụng cho AI nhằm tạo điều kiện bán hàng cho các nước đồng minh và tăng cường hạn chế tiếp cận đối với một số nước. Gói hạn chế mới được xây dựng dựa trên những biện pháp kiểm soát đã được công bố năm 2023 về việc xuất khẩu một số loại chip AI sang Trung Quốc, quốc gia mà Mỹ xem là đối thủ cạnh tranh chiến lược trong lĩnh vực bán dẫn tiên tiến.

Cuộc chiến công nghệ cao trong đó có chip AI giữa Mỹ và Trung Quốc đang nóng lên từng ngày

Cuộc chiến công nghệ cao trong đó có chip AI giữa Mỹ và Trung Quốc đang nóng lên từng ngày

Quy định mới cập nhật việc kiểm soát chip, yêu cầu phải có giấy phép cho hoạt động xuất khẩu, tái xuất và chuyển giao trong nước, đồng thời đưa ra một số ngoại lệ cho các quốc gia được coi là đồng minh của Mỹ. Trong khi đó, các trung tâm dữ liệu AI cần phải tuân thủ những thông số bảo mật tăng cường để được phép nhập khẩu chip. Ngoài ra, quy định mới cũng thắt chặt các quy tắc về chia sẻ những mô hình AI tiên tiến.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo khẳng định rằng, quy định mới sẽ giúp nước Mỹ duy trì vị thế dẫn đầu thế giới về AI và thiết kế chip AI. Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cũng cho rằng, quy định mới sẽ khiến các đối thủ chiến lược gặp thêm khó khăn trong việc trốn tránh những biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ. Theo ông Jake Sullivan, chúng cũng tạo ra “động lực cho bạn bè và đối tác trên toàn thế giới sử dụng các nhà cung cấp đáng tin cậy cho AI tiên tiến”.

Các quy định xuất khẩu mới đối với các chip điện toán tiên tiến được sử dụng cho AI được cho nhằm kiểm soát, hạn chế xuất khẩu một số loại chip AI tiên tiến từ Mỹ sang đối thủ cạnh tranh chính là Trung Quốc. Tuy nhiên, quy định này lại dành ngoại lệ cho các đồng minh thân cận của Mỹ bởi theo quy định mới, Washington sẽ không hạn chế xuất khẩu chip cho 20 đồng minh và đối tác chủ chốt, trong đó có Nhật Bản, Australia, Canada, Đức, Pháp và New Zealand. Theo Cục Công nghiệp và An ninh (BIS) thuộc Bộ Thương mại Mỹ, các thực thể đáp ứng các tiêu chuẩn về độ tin cậy và bảo mật cao, đồng thời có trụ sở chính tại các quốc gia có thể đạt được quy chế “người dùng cuối được xác minh trên toàn cầu (UVEU)”.

Với quy chế UVEU, những thực thể này có thể đặt hàng lên tới 7% công suất điện toán AI toàn cầu của họ, khả năng tương đương hàng trăm nghìn chip, từ các nước trên thế giới. Các thực thể không đạt quy chế UVEU, nằm ngoài các nước đồng minh thân cận của Mỹ, vẫn có thể mua lượng lớn công suất điện toán tương đương với 50.000 đơn vị xử lý đồ họa (GPU) tiên tiến.

Các thực thể thỏa mãn yêu cầu bảo mật và có trụ sở chính tại bất kỳ nơi nào không phải là quốc gia mà Mỹ xem là “đáng lo ngại” có thể đăng ký quy chế “người dùng cuối được xác minh theo quốc gia”. Điều này sẽ cho phép những thực thể này mua công suất điện toán tương đương với tối đa 320.000 GPU trong 2 năm tới. Các đơn đặt hàng chip có tổng công suất điện toán lên tới khoảng 1.700 GPU tiên tiến không cần giấy phép và không nằm trong diện bị hạn chế nhập chip theo quốc gia.

Phát biểu khi công bố quy định mới, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo nhấn mạnh, Mỹ hiện dẫn đầu thế giới về AI, cả về phát triển AI và thiết kế chip AI, và việc duy trì vị thế này là điều then chốt. Chính sách mới trên sẽ giúp xây dựng một hệ sinh thái công nghệ đáng tin cậy trên toàn thế giới và cho phép Mỹ phòng ngừa các rủi ro do AI gây ra đối với an ninh quốc gia. Quy định sẽ có hiệu lực sau 120 ngày, tạo thời gian cho chính quyền sắp nhậm chức của Tổng thống đắc cử Donald Trump có thể thực hiện những thay đổi.

Cảnh báo trả đũa từ Trung Quốc

Chính sách mới của Chính quyền Tổng thống sắp mãn nhiệm Joe Biden đã gây nhiều phản ứng trái chiều. Đáng chú ý, các biện pháp mới này cũng vấp phải sự chỉ trích từ ngành công nghiệp chip. Giám đốc điều hành Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Mỹ, ông John Neuffer cho rằng chính sách này được ban hành vội vã, không có sự tham vấn ý kiến từ ngành này.

Chính sách mới có thể gây tổn hại lâu dài đến nền kinh tế và năng lực cạnh tranh toàn cầu của Mỹ, đồng thời nhường thị phần quan trọng cho đối thủ. Hiệp hội Công nghiệp Máy tính và Truyền thông Mỹ cũng cảnh báo, chính sách mới sẽ cản trở khả năng triển khai chất bán dẫn tiên tiến của các công ty Mỹ tại những trung tâm dữ liệu ở nước ngoài.

“Gã khổng lồ” bán dẫn Nvidia của Mỹ đã chỉ trích kế hoạch của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden áp đặt các hạn chế đối với xuất khẩu chip AI. Tập đoàn công nghệ đa quốc gia này cho rằng, các quy định mới này không hề giúp tăng cường an ninh cho nước Mỹ. Lãnh đạo Nvidia đề nghị Tổng thống sắp mãn nhiệm Joe Biden không đi trước Tổng thống đắc cử Donald Trump để ban hành “chính sách chỉ có hại cho nền kinh tế Mỹ, khiến nước Mỹ thụt lùi và làm lợi cho các đối thủ của Mỹ”.

Trong một báo cáo, OpenAI - công ty phát triển ứng dụng AI đình đám ChatGPT - đã kêu gọi chính phủ liên bang hỗ trợ sự phát triển của ngành AI. Công ty đồng thời cho rằng, việc “xuất khẩu có trách nhiệm” những mô hình tiên tiến cho các đồng minh sẽ giúp họ xây dựng hệ sinh thái AI riêng.

Được cho là đích nhắm của yếu của các quy định mới về xuất khẩu chip AI nhằm gây khó khăn trong việc tiếp cận công nghệ tiên tiến, Trung Quốc tất nhiên là bên lên tiếng phản ứng mạnh nhất. Ngay sau công bố của Mỹ, Bộ Thương mại Trung Quốc đã tuyên bố, Bắc Kinh sẽ “kiên quyết bảo vệ” lợi ích của mình. Trung Quốc trước đó đã cảnh báo, nước này sẽ thực hiện các “hành động cần thiết” để bảo vệ những doanh nghiệp Trung Quốc nếu Mỹ gia tăng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu chip. Phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc He Yadong nhấn mạnh rằng, Trung Quốc “phản đối mạnh mẽ” việc Mỹ mở rộng khái niệm an ninh quốc gia và lạm dụng các biện pháp kiểm soát nhắm vào những công ty Trung Quốc.

Quy định mới về xuất khẩu chip AI của Mỹ, theo giới quan sát, còn là đòn tấn công mới nhất của Mỹ nhằm vào đối thủ mà Washington xác định là lớn nhất trong cuộc đua công nghệ mới nói chung, công nghệ bán dẫn và chip nói riêng. Vào cuối tháng 12 vừa qua, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) cũng đã thông báo về việc mở một cuộc điều tra về chính sách của Trung Quốc đối với ngành bán dẫn với cáo buộc cho rằng Bắc Kinh đang sử dụng các biện pháp “phi thị trường và chống cạnh tranh” qua đó gây tổn hại đến ngành này ở nước khác.

Cuộc điều tra sẽ tập trung vào hoạt động sản xuất chất bán dẫn cơ bản của Trung Quốc vốn được sử dụng rộng rãi trong các ngành công nghiệp nền tảng, từ sản xuất ô tô đến thiết bị y tế. Cuộc điều tra cũng xem xét liệu hoạt động sản xuất của Trung Quốc có gây áp lực bất lợi đối với thương mại Mỹ hay không. USTR lo ngại rằng chính sách của Trung Quốc có thể đe dọa cạnh tranh công bằng, chuỗi cung ứng và an ninh kinh tế Mỹ.

Giám đốc Hội đồng kinh tế quốc gia của Nhà Trắng Lael Brainard cho biết, cuộc điều tra là một phần trong chiến lược rộng lớn hơn của Mỹ nhằm tăng cường khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng và sản xuất trong nước. Trong khi đó, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo nhấn mạnh, tầm quan trọng của việc các công ty của Mỹ, đặc biệt trong lĩnh vực quốc phòng và cơ sở hạ tầng quan trọng, cần giảm sự phụ thuộc vào chip bán dẫn do Trung Quốc sản xuất.

Cuộc chiến trong lĩnh vực công nghệ cao như bán dẫn, chip AI… giữa Mỹ và Trung Quốc đang nóng lên từng ngày.

HOÀNG HÀ

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nong-dan-cuoc-chien-chip-ai-giua-my-va-trung-quoc-post601272.antd