Nông dân Đắk Lắk đẩy mạnh chăm sóc sầu riêng trước khi thu hoạch
Chưa đầy 1 tháng nữa người trồng sầu riêng ở Đắk Lắk sẽ bước vào thu hoạch chính vụ. Vụ nay năm, sầu riêng của Đắk Lắk được dự báo bội thu, giá bán cao, cho nông dân thu nhập lớn. Hiện, người trồng sầu riêng đang tiếp tục duy trì chăm sóc vườn cây nhằm đảo bảo năng suất cũng như chất lượng quả sầu riêng trước khi thu hoạch.
Khoảng 30 ngày nữa vườn sầu riêng 130 cây trồng xen cà phê ở khu rẫy rộng 1,3 ha của gia đình chị Bạch Yến, xã Ea Yông, huyện Krông Pắk sẽ bước vào thu hoạch chính vụ. Chị chia sẻ, những ngày này, hai vợ chồng luôn phải túc trực tại vườn, bón lót các đợt phân cuối cùng và phun chế phẩm sinh học cho sầu riêng, đồng thời gia cố các trụ chống cành để không bị gãy gây rụng quả.
“Trong một tháng nữa chuẩn bị thu thì tôi phải bỏ thêm 2 đến 3 đợt phân, còn phun thuốc thì nửa tháng phun một lần, dưỡng quả thì khoảng 7 đến 10 ngày trên/lần. Hàm lượng thì theo số cây, ví dụ nhà tôi 1 ha thì dùng 1.000 lít nước pha thuốc để phun. Như tôi đang phun ở vườn là phân Benmayzer, còn tiêu chuẩn bón phân thì 2kg NPK/1 cây, và đổ gốc bằng phân Humic”, chị Bạch Yến cho hay.
Gia đình anh Nguyễn Văn Toàn, xã Ea Kênh, huyện Krông Pắk cũng có 150 cây sầu riêng trồng xen cà phê trên diện tích rẫy rộng 1,5 ha. Anh Toàn cho biết, chưa đầy 1 tháng nữa vườn sầu riêng cũng chính thức bước vào thu hoạch. Mấy hôm nay, thời tiết diễn biến bất thường khi có mưa kéo dài, vườn sầu riêng có nguy cơ xuất hiện nấm bệnh gây hại. Để phòng ngừa cho vườn cây, anh đã mua các loại chế phẩm sinh học, thuốc bảo vệ thực vật về phun cho vườn sầu riêng.
“Khoảng hơn 20 ngày nữa gia đình sẽ cắt sầu riêng. Giờ cây sầu riêng đang lên cơm, nấm bệnh có thể xuất hiện nhiều, ví dụ như bệnh nấm Phytophthora nên phải xịt thuốc chống nấm. Mình dùng các loại thuốc như Aryphot, Aryses, Rydomine… để xịt. Về bón phân, bây giờ chỉ còn bỏ kali, mỗi cây khoảng 1,5 kg hoặc 1 kg tùy thuộc vào cây lớn hoặc nhỏ để cơm (múi) đẹp, dày. Mình phải neo cây, buộc cành giữ trái, nếu cây cao quá thì phải chống”, anh Nguyễn Văn Toàn nói.
Thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Krông Pắk cho thấy, toàn huyện hiện có trên 7.100 ha sầu riêng, trong đó khoảng 3.000 ha đang cho thu hoạch. Sầu riêng tại đây chủ yếu giống Dona và Ri6, năng suất bình quân mỗi ha đạt từ 18 – 20 tấn quả. Ông Nguyễn Huy Hoàng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Krông Pắk thông tin, năm nay, thời tiết diễn biễn bất thường, thời điểm đầu vụ một số vườn sầu riêng bị rụng hoa và trái non hàng loạt. Tuy nhiên, nhờ chăm sóc tốt nên lượng quả còn lại trên cây ra đều, trái to, năng suất dự kiến vẫn đạt cao. Khoảng 1 tháng nữa, người trồng sẽ bước vào thu hoạch chính vụ, ngành Nông nghiệp đang tích cực tuyên truyền hỗ trợ người dân tiếp tục chăm sóc cây sầu riêng để có một mùa vụ bội thu.
“Năm nay, đối với Krông Pắk thì tiên lượng sẽ có một mùa bội thu đối với sầu riêng. Hiện bây giờ bà con đang tiếp tục canh tác chuẩn bị bắt đầu bước vào thu hoạch chính. Huyện đã có kế hoạch tuyên truyền, hướng dẫn bà con tiếp tục chăm sóc vườn sầu riêng nhằm đảm bảo năng suất, các quy chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm đối với trái sầu riêng”, ông Nguyễn Huy Hoàng cho biết.
Toàn tỉnh Đắk Lắk hiện có 22.500 ha sầu riêng, trong đó khoảng 10.000 ha đang kinh doanh, sản lượng ước đạt 185.000 tấn quả và sẽ bắt đầu thu hoạch chính vụ vào trung tuần tháng 9/2023 tới đây. Theo TS. Hoàng Mạnh Cường, Trưởng bộ môn cây ăn quả - Viện Khoa học Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, gần chục năm trở lại đây, cây sầu riêng đã khẳng định được vị thế là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện sầu riêng đã được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, mở ra cơ hội lớn cho người trồng. Việc tuân thủ nghiêm ngặt các kỹ thuật canh tác để nâng cao chất lượng quả sầu riêng xuất khẩu là điều bắt buộc.
TS. Hoàng Mạnh Cường khuyến cáo một số kỹ thuật tạo quả sau thu hoạch để vườn sầu riêng cho năng suất cao vụ tiếp theo: “Có hai vấn đề chúng ta cần lưu ý, thứ nhất là lượng quả trên cây cần hạn chế để quả quá nhiều. Ở đây đối với cây 7 – 10 năm tuổi giai đoạn cây sung sức, thì chúng ta nên để lượng quả 90 – 120 quả/cây, nếu để quá ít dưới con số 90 thì quả sẽ quá lớn và vượt tiêu chuẩn hạng 1, và để trên 120 quả thì quả sẽ bị còi không đạt được. Để chuẩn bị sức cho các năm tới, rất cần lưu ý rằng trong quá trình nuôi quả thì phải liên tục cơi đọt 3 – 4 lần, tạo bộ tán, cành ra đọt rộng để nuôi bộ rễ phát triển tốt theo những lần cơi đọt này”.