Nông dân dám nghĩ, dám làm
Thời gian qua, phong trào Nông dân (ND) thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững thu hút đông đảo cán bộ, hội viên, ND tham gia. Qua đó, tạo động lực khích lệ ND hăng hái thi đua lao động, sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hiệu quả, góp phần thúc đẩy KT-XH phát triển.
Mô hình mới hiệu quả
Với tính cần cù, chịu thương, chịu khó và biết áp dụng những tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, mô hình trồng tre lấy măng của ông Trang Văn Thanh (ấp 1, xã Quê Mỹ Thạnh, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An) mang lại hiệu quả cao.
Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ cây thanh long không cao, giá cả bấp bênh, năm 2022, ông Thanh mạnh dạn chuyển đổi 4.000m2 đất trồng thanh long sang trồng tre lấy măng. Ông đầu tư gần 20 triệu đồng xây dựng hệ thống tưới, thuê nhân công làm đất và mua 450 gốc tre tứ quý về trồng.
Đến nay, vườn tre trồng lấy măng của ông Thanh được 2 năm. Ông Thanh cho biết, tre dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, chỉ cần tưới nước, bón phân đầy đủ, thường xuyên bồi đất vào gốc là có thể sinh trưởng và phát triển tốt. Trong canh tác, ND cần thường xuyên tỉa cành dư để tạo môi trường thông thoáng; mỗi bụi tre chỉ để từ 4-5 cây để nuôi măng. Sau khoảng 1 năm trồng, tre sẽ cho thu hoạch măng, sản lượng tăng dần theo từng năm.
“Măng tre cao khoảng 30cm là có thể thu hoạch (từ 1,2-2kg/mục). Măng tre cho thu hoạch quanh năm (mùa thuận, giá bán dao động từ 10.000-15.000 đồng/kg, mùa nghịch từ 25.000-35.000 đồng/kg). Hiện mỗi ngày, gia đình tôi thu hoạch khoảng 50kg măng tre, giá bán cho thương lái từ 10.000-15.000 đồng/kg, lợi nhuận từ 500.000-700.000 đồng/ngày. Hiện nay, thị trường tiêu thụ măng tre khá ổn định, thu hoạch xong bán rất nhanh” - ông Thanh cho biết.
Thấy trồng tre mang lại hiệu quả kinh tế cao, đầu ra ổn định, năm 2023, ông Thanh tiếp tục lên liếp 4.000m2 đất trồng thêm 400 gốc tre và hiện nay cũng cho thu hoạch. Đồng thời, ông ươm dưỡng tre giống bán cho ND ở các tỉnh: Tây Ninh, Đồng Tháp, Bình Phước,... Trung bình mỗi tháng, ông bán từ 500-1.000 cây tre giống, với giá 30.000 đồng/cây, thu lợi nhuận khoảng 20 triệu đồng.
Chủ tịch Hội ND xã Quê Mỹ Thạnh, huyện Tân Trụ - Lê Văn Lợi cho biết: “Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi là một trong những giải pháp góp phần nâng cao thu nhập cho ND. Gần đây, ND mạnh dạn chuyển đổi hàng chục hécta đất sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng khác (dừa, thanh long, bưởi, mãng cầu), trong đó có mô hình trồng tre lấy măng của ông Trang Văn Thanh. Mô hình chuyển đổi bước đầu mang lại hiệu quả khả quan, mở ra hướng đi mới, có nhiều triển vọng cho ND trong xã”.
Mạnh dạn chuyển đổi vật nuôi
Với tinh thần “dám nghĩ, dám làm”, ông Huỳnh Văn Tài (khu phố 2, phường 1, thị xã kiến Tường) tìm cho mình hướng đi mới trong phát triển kinh tế, đó là mô hình Nuôi ong lấy mật. Sau khi nhiều năm tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm từ một số hộ nuôi ong ở địa phương, năm 2018, ông Tài quyết định khởi nghiệp, mua 20 thùng ong (40 triệu đồng) về nuôi. Lúc đầu, do chưa có kinh nghiệm trong chăn nuôi ong nên thu nhập không cao, thậm chí ông Tài bị thua lỗ. Thế nhưng, ông không nản chí, chịu khó tìm tòi, học hỏi trên sách báo, Internet, từ đó thực hiện quy trình sản xuất vừa nuôi, vừa rút kinh nghiệm nên mô hình nuôi ong dần phát triển.
Ông Tài cho biết, để đàn ong khỏe mạnh, cho năng suất, chất lượng mật cao, đòi hỏi sự khéo léo của người nuôi, nhất là phải thường xuyên kiểm tra, vệ sinh để thùng ong luôn khô ráo, sạch sẽ. Trong quá trình kiểm tra đàn ong, người nuôi phải hết sức nhẹ nhàng, cẩn thận để đàn ong không bị xáo trộn. Người nuôi phải am hiểu tập tính của ong, mùa nào có nguồn hoa tràm dồi dào thu lấy mật, mùa nào nuôi dưỡng ong. Ngoài ra, muốn cho đàn ong phát triển mạnh, người nuôi phải nắm vững kỹ thuật tách đàn, tạo ong chúa, lấy mật.
Ông Tài hiện nuôi gần 60 thùng ong mật, trung bình mỗi năm cho thu hoạch khoảng 7 tháng (từ tháng 4 đến tháng 11). Mỗi tháng, ong cho thu hoạch 2 lần, khoảng 200-300 lít mật (tùy theo thời tiết); mỗi năm, trừ chi phí, thu nhập hơn 70 triệu đồng. Đặc biệt, sản phẩm mật ong của ông được địa phương công nhận sản phẩm OCOP 3 sao mang thương hiệu Thành Tài.
Không những thế, ông còn mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất 4ha lúa, thu nhập hơn 150 triệu đồng/năm. Từ những cách làm hay, tiên tiến trong sản xuất, chăn nuôi, nhiều năm liền, ông Huỳnh Văn Tài được công nhận danh hiệu ND thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh, huyện.
Dám nghĩ, dám làm
Sau thời gian học hỏi kinh nghiệm từ những hộ dân trồng bưởi ở các địa phương lân cận, năm 2019, anh Huỳnh Văn Nhứt (ấp Láng Biển, xã Hưng Điền, huyện Vĩnh Hưng) mạnh dạn đầu tư gần 20 triệu đồng lên liếp và mua 150 cây bưởi da xanh về trồng trên 0,5ha đất lúa kém hiệu quả của gia đình.
Sau gần 4 năm, diện tích bưởi của gia đình anh bắt đầu cho thu hoạch. Năm 2023, thu hoạch được 6 tấn bưởi với giá trung bình từ 15.000-20.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, anh thu về lợi nhuận gần 100 triệu đồng, gấp nhiều lần so với trồng lúa.
Theo anh Nhứt, ngoài việc lựa chọn giống cây phù hợp thì chăm sóc đúng kỹ thuật là yếu tố quan trọng giúp cây mang lại hiệu quả kinh tế bền vững. Cây bưởi nên trồng với mật độ vừa phải, khoảng cách lý tưởng là 5x5m/cây, bình quân 1ha đất trồng khoảng 250-300 cây.
Anh Nhứt còn lắp hệ thống tưới nước tự động, vừa tiết kiệm được tiền thuê nhân công, vừa bảo đảm cây được tưới đều với lượng nước vừa đủ. Cây bưởi từ lúc trồng đến khi thu hoạch từ 3-4 năm và chi phí đầu tư khoảng 1-1,2 triệu đồng/cây. Thấy cây bưởi thích nghi với thổ nhưỡng, năm 2024, anh Nhứt tiếp tục lên liếp 0,3ha đất trồng thêm 80 cây và số diện tích này đang phát triển tốt.
Chủ tịch UBND xã Hưng Điền, huyện Tân Hưng - Trần Văn Cường cho biết: “Thời gian qua, phong trào ND thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững thu hút đông đảo cán bộ, hội viên, ND tham gia. Xã luôn quan tâm, tạo điều kiện cho ND tiếp cận nguồn vốn vay, phối hợp ngành chức năng chuyển giao khoa học - kỹ thuật tiên tiến, đặc biệt là tổ chức cho ND tham quan thực tế các mô hình sản xuất hiệu quả. Qua đó, nhiều ND chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế, thu về lợi nhuận, mở ra hướng đi mới, dần phá thế độc canh cây lúa”./.
Xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc có nhiều nông dân tiên phong ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật để tăng năng suất, không chỉ mang lại thu nhập cao cho gia đình mà còn đóng góp tích cực vào các phong trào của địa phương.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/nong-dan-dam-nghi-dam-lam-a184085.html