Nông dân Đông Nam Bộ mong muốn tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp
Chiều nay (17/3), tại Bình Phước diễn ra Hội nghị kết nối giao thương và kết nối đầu tư giữa các doanh nghiệp TP.HCM và doanh nghiệp các tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ.
Hội nghị có hơn 200 đại biểu là lãnh đạo TP.HCM, các tỉnh Đông Nam bộ, đại diện hiệp hội doanh nghiệp. Tại hội nghị, lãnh đạo các địa phương vùng Đông Nam bộ cùng doanh nghiệp TP.HCM và doanh nghiệp các tỉnh, thành cùng trao đổi khả năng cung cầu, gắn kết của chính quyền, sự hỗ trợ qua lại giữa các địa phương. Từ đó, nhanh chóng kết nối với các doanh nghiệp sản xuất, cơ sở chế biến, các công ty phân phối tại các tỉnh để hỗ trợ xúc tiến thương mại.
Hội nghị đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp, hợp tác xã… Trong đó nêu lên những khó khăn, tồn tại trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm OCop và đề xuất các giải pháp căn cơ, thiết thực, góp phần nâng cao hiệu quả của các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương.
Ông Nguyễn Hồng Quyết, Giám đốc hợp tác xã dưa lưới Kim Long ở Bình Dương cho biết, mỗi năm, hợp tác xã sản xuất ra hơn 1.500 tấn dưa lưới nhưng rất khó để có thể vào được hệ thống siêu thị. Qua nhiều lần gửi hồ sơ đều nhận lại thông tin không có nhu cầu tiếp nhận sản phẩm.
Ông Quyết mong muốn: “Chúng tôi rất mong muốn được kết nối với các hệ thống siêu thị để đưa hàng vào ổn định, đem lại giá trị ổn định cho hợp tác xã và các hộ dân. Qua các kênh kết nối này tôi có cơ hội gặp người trực tiếp thu mua, quản lí chia sẻ khó khăn, từ đó cơ hội tiếp cận vào hệ thống tốt hơn”.
Đối với những trăn trở của doanh nghiệp, hợp tác xã, các nhà phân phối cho biết, đang gặp những khó khăn nhất định, trong đó việc đưa một mã sản phẩm vào hệ thống siêu thị phải đảm bảo các quy định về chất lượng, cũng như số lượng. Tuy nhiên, việc này các doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã, hộ kinh tế tập thể rất khó đảm bảo được các quy định. Do đó phải có sự hỗ trợ từ các cấp chính quyền để có sự kết nối để các đơn vị nhỏ, lẻ có quy mô sản xuất, năng lực phù hợp thì “cánh cửa” đi vào các kênh phân phối lớn sẽ dễ dàng hơn.
Riêng đối với sản phẩm của các doanh nghiệp nhỏ, các sản phẩm độc đáo, sản phẩm vùng miền chưa có đầu ra, ông Lê Trường Sơn, Phó Tổng Giám đốc Sài Gòn Co.op chia sẻ, hiện nay, hệ thống Sài Gòn Co.op đã có các cửa hàng phân khúc cao giúp nông dân, hợp tác xã trưng bày, quảng bá sản phẩm.
Ông Lê Trường Sơn, Phó Tổng Giám đốc Sài Gòn Co.op nói: "Các doanh nghiệp có sản phẩm độc đáo, đặc sản rất hay, thậm chí giá trị cao nhưng sản lượng ít, quy mô nhỏ nên khó đi vào chuỗi siêu thị lớn. Sài Gòn Co.op trong các kênh bán lẻ có chuỗi phân khúc cao, tập trung hàng hóa đặc biệt ở trong nước, ngoài nước, mà trong đó ưu tiên đối với các mặt hàng đặc biệt của Việt Nam".
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan nhấn mạnh, trong quá trình phát triển, thành phố không thể tách rời với các địa phương trong khu vực, mối quan hệ hỗ trợ cùng nhau phát triển. Các tỉnh, thành lân cận là vùng nguyên liệu quan trọng, là vùng cung cấp nhân lực vào quá trình phát triển của thành phố. Tuy nhiên, để tháo gỡ những khó khăn thì nhà phân phối và đơn vị sản xuất phải thường xuyên quan hệ chặt chẽ để nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp. Về phía chính quyền phải hỗ trợ bằng nhiều cách, chia sẻ bằng cách hướng dẫn, tập huấn, nhất là những sản phẩm có lợi, ngay cả khâu phân phối.
Đối với vấn đề khó khăn cho đầu ra sản phẩm của các doanh nghiệp, hợp tác xã, ông Hoan cho rằng, các nhà phân phối ở TP.HCM cũng đang mong muốn có thêm các siêu thị và rất cần sự hỗ trợ của các địa phương. "Hiện nay, các mạng lưới siêu thị mới vươn tới một vài trung tâm đô thị lớn của các tỉnh, chưa vươn đến các trung tâm huyện. Người dân lên tỉnh rất xa. Nếu không có các trung tâm thì hàng hóa sẽ không có được chỗ tiếp cận, tạo cơ hội, khoảng trống cho hàng hóa không chất lượng đến với người dân. Do đó, cần tạo ra mạng lưới mới rộng hơn".
Cũng trong chiều nay, doanh nghiệp phân phối tại TP.HCM đã ký biên bản ghi nhớ với hơn 30 đơn vị, doanh nghiệp tiềm năng ở khu vực Đông Nam Bộ.
Trong khuôn khổ các hoạt động của hội nghị, sáng nay, khoảng 40 doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước tại TP.HCM đã khảo sát, tìm hiểu các dự án mời gọi đầu tư ở Khu công nghiệp Becamex-Bình Phước và Khu công nghiệp Minh Hưng - Sikico ở Bình Phước./.