Nông dân Đồng Tháp Mười trúng mùa khoai mỡ
Trong vụ Đông Xuân 2022 – 2023, nông dân huyện Tân Phước nằm trong vùng Đồng Tháp Mười (Tiền Giang) đã trồng được gần 500 ha khoai mỡ, lớn nhất tỉnh Tiền Giang. Diện tích khoai mỡ trồng tập trung tại các xã Tân Hòa Thành, Hưng Thạnh, Phú Mỹ, Thạnh Mỹ, Tân Hòa Đông…
Đến cuối tháng 3/2023, bà con đã thu hoạch được gần 470 ha với năng suất đạt bình quân 15,4 tấn/ ha và sản lượng gần 7.200 tấn sản phẩm. Trong vụ khoai mỡ Đông Xuân 2022 – 2023 năm nay, nông dân Tân Phước phấn khởi bởi trúng mùa và trúng giá, bội thu.
Theo Chủ tịch UBND huyện Tân Phước Trần Hoàng Phong, vụ này, thương lái đến tận ruộng khoai thu mua giá từ 25.000-28.000 đồng/kg, tăng hơn từ 5.000 - 7.000 đồng/kg so với vụ khoai mỡ năm trước.
Với giá trên, mỗi ha, nông dân đạt giá trị sản lượng từ 350 - 400 triệu đồng. Trừ chi phí, bà con còn lãi ròng vài trăm triệu đồng. Đây cũng là một trong những cây trồng cho nông dân thu lãi cao nhất tại vùng Đồng Tháp Mười.
Ông Trần Hoàng Phong cho biết, khoai mỡ là cây trồng đặc hữu vùng Đồng Tháp Mười. Ưu điểm là dễ trồng, chăm sóc, thích hợp thổ nhưỡng vùng đất nhiễm phèn nơi đây, năng suất cao và đầu ra thuận lợi.
Để phát huy tiểm năng và thế mạnh cây khoai mỡ, giúp nông dân tăng thu nhập, ổn định sản xuất và đời sống, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Phước tăng cường khuyến nông, chuyển giao khoa học kỹ thuật nông nghiệp thâm canh, góp phần tăng năng suất, sản lượng và chất lượng nông sản hàng hóa tham gia thị trường.
Từ đầu năm đến nay, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Phước đã tổ chức được 22 cuộc tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, thâm canh cây trồng đặc sản cho trên 600 lượt nông dân vùng chuyên canh.
Địa phương cũng đã xác định 3 giống khoai mỡ chủ lực, có chất lượng tốt, được thị trường ưa chuộng và đang khuyến khích nông dân đưa vào sản xuất đại trà trên vùng đất nhiễm phèn là các giống khoai tím than, khoai tím bông lau và khoai phục linh. Địa bàn trồng được xác định tại các xã Tân Hòa Đông, Thạnh Mỹ, Thạnh Tân, Hưng Thạnh, Phú Mỹ, Tân Hòa Thành… vốn bị nhiễm phèn nặng, khó canh tác của địa phương.
Hiện nay, việc đầu tư khoa học nông nghiệp, nhân rộng các mô hình trồng khoai mỡ trong các ô đê bao cho thu hoạch sớm, trổng khoai mỡ leo giàn hoặc xen canh trong các mô hình khoai – rau màu, khoai – đậu phộng, … cũng đã góp phần giúp nâng giá trị nông sản hàng hóa của huyện Tân Phước. Nhờ đó, nông dân trồng khoai mỡ tạo dựng cơ nghiệp, giảm nghèo nông thôn và các xã địa bàn khó khăn như Thạnh Mỹ, Hưng Thạnh, Tân Hòa Thành, Phú Mỹ… xây dựng thành công xã nông thôn mới.