Nông dân được thưởng Tết hơn 1 tỷ đồng sau vụ mùa bội thu
Không chỉ có công nhân hay nhân viên văn phòng, những người nông dân cũng nhận được tiền thưởng Tết với giá trị 'khủng'.
Vừa qua, Công ty Nông nghiệp Xanh ở huyện An Nghĩa, thành phố Nam Xương, tỉnh Giang Tây (Trung Quốc) gây bất ngờ khi tổ chức lễ trao thưởng tết, với tổng số tiền mặt lên tới 11,69 triệu NDT (hơn 40 tỷ đồng) cho nông dân sau một năm mùa màng bội thu.
Trên thực tế, đây là năm thứ 13 liên tục, ông La Kế Hà - chủ tịch Công ty Nông nghiệp Xanh phát tiền thưởng cuối năm cho nông dân.
Ông La Kế Hà trở về quê hương để bắt đầu kinh doanh từ năm 2010. Ban đầu, diện tích đất nông nghiệp mà ông La sử dụng là 4.000 mẫu. Sau hơn 10 năm, con số này đã tăng lên hơn 60.000 mẫu.
Ban đầu, ông thuê 11 nông dân quản lý ruộng với chính sách cào bằng, người làm nhiều hay làm ít đều nhận lương như nhau nên không có ai tích cực làm việc. Cuối cùng 800 mẫu ruộng thất thu nhưng ông vẫn trả tiền thưởng cho nông dân bởi tin rằng chỉ cần đi đúng hướng sẽ thành công.
Sau đó, ông La Kế Hà đã tìm biện pháp quản lý khác. Ông tiến hành chia ruộng thành nhiều mảnh và giao cho các đội sản xuất là những đôi vợ chồng quản lý. Nếu đạt năng suất cơ bản trên mỗi mẫu, họ sẽ được trả lương cơ bản là 5.000 NDT (gần 17 triệu đồng) mỗi tháng.
Để nâng cao sự nhiệt tình của nông dân trong công việc, năm 2011, ông La Kế Hà đã đề xuất thưởng cuối năm dựa trên sản lượng vượt kế hoạch. Trong 13 năm qua, số tiền thưởng dành cho nông dân không ngừng tăng, từ hơn 500.000 NDT lên tới hàng triệu NDT. Đến nay, tổng số tiền lũy kế đã lên tới 54,84 triệu NDT (hơn 186 tỷ đồng).
Năm 2023, vì tổng sản lượng thu hoạch tăng 10% so với năm 2022 nên tiền thưởng Tết “cao nhất lịch sử”, lần đầu tiên vượt qua mốc 10 triệu NDT.
Là người nhận được số tiền thưởng Tết cao nhất, Lý Lạp Tú và vợ, La Thu Hương 2 nông dân làm việc cho công ty Nông nghiệp Xanh. Hai người nhận thầu hơn 600 mẫu đất trồng lúa. Tại lễ phát tiền thưởng Tết, hai vợ chồng nhận được số tiền 313.590 tệ (hơn 1 tỷ đồng).
Hơn 10 năm qua, Công ty Nông nghiệp xanh của ông La liên tục cải tiến kỹ thuật, sử dụng những giống lúa mới cho năng suất cao, đồng thời nâng cấp các máy móc thiết bị, nâng cao tiêu chuẩn ruộng. Bên cạnh đó, công ty còn hợp tác với các cơ quan nghiên cứu, đồng thời đưa các nhân viên đi tập huấn kỹ thuật và bồi dưỡng thế hệ nông dân kiểu mới.
Ông La Kế Hà chia sẻ: "Năm 2024, tôi dự kiến tăng diện tích trồng trọt thêm 6.000 mẫu đất và dẫn dắt thêm nhiều nông dân trong vùng cùng làm ruộng".
Trên thực tế, Công ty Nông nghiệp xanh của ông La hiện đang hợp tác với hơn 300 nông dân và còn có hơn 100 người nữa có nguyện vọng gia nhập. Ngoài các nông dân kỳ cựu và gắn bó lâu dài như ông Lý Lạp Tú, công ty còn có nhiều gương mặt trẻ. Cụ thể, công ty này có một đội gồm 44 thành viên sử dụng máy bay không người lái. Trong số này, hơn một nửa đã tốt nghiệp đại học trở lên và sinh sau năm 2000. Chẳng hạn, anh Vương Nghiệp Thịnh, một thành viên trẻ trong công ty, mới được vinh danh là "trạng nguyên" điều khiển máy bay và nhận 120.000 NDT tiền thưởng Tết (hơn 407 triệu đồng).
Sau khi lên nhận thưởng, anh Vương chia sẻ: "Chỉ cần có hiểu biết về công nghệ và biết cách vận hành thì về quê làm ruộng cũng có tương lai".
Anh Vương bộc bạch, trước kia, bố mẹ anh từng phải cõng các thùng thuốc bảo vệ thực vật nặng tới vài chục kg và rất vất vả để phun thuốc cho 2 mẫu ruộng. Tuy nhiên, giờ đây, anh Vương có thể phun thuốc cho tới 350 mẫu ruộng trong một ngày, nhờ có sự hỗ trợ của máy bay không người lái.
Mô hình sản xuất và cách quản lý độc đáo của chủ tịch La Kế Hà không chỉ giúp giải quyết vấn đề bỏ hoang đất mà còn cải thiện sinh kế cho bà con nông dân một cách bền vững.
Theo chủ tịch La Kế Hà, việc kiên định với con đường hiện đại hóa nông nghiệp, đồng thời không ngừng tiến hành đổi mới sáng tạo trong cách quản lý, tích hợp những nguồn tài nguyên… sẽ góp phần đảm bảo được an ninh lương thực, đồng thời hồi sinh vùng nông thôn. Hiện ông vẫn đang suy nghĩ về cách tối ưu hóa về mô hình quản lý sản xuất, tìm kiếm cách hợp tác với các doanh nghiệp lớn, để có thêm tiền thưởng trả cho nông dân vào dịp Tết đến, xuân về.