Nông dân duy trì trồng rau màu mong giá đầu ra ổn định

Thời gian qua, trước tác động của dịch bệnh Covid-19, việc tiêu thụ rau màu của bà con nông dân tại các địa phương gặp khó khăn, giá bán của một số loại rau màu (bán tại rẫy) xuống thấp hơn so cùng kỳ năm trước từ 10 - 50%, gây ảnh hưởng nhiều đến thu nhập của nông dân. Tuy nhiên, để duy trì việc sản xuất màu, đảm bảo cung ứng trên thị trường phục vụ người tiêu dùng, bà con nông dân tại các địa phương vẫn xuống giống màu theo thông lệ hàng năm.

Chị Trần Thị Bảy, ấp Phước Thới A, xã Mỹ Phước, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) đang thu hoạch mướp - giá bán 3.000 đồng/kg (ảnh chụp trước khi bùng phát dịch Covid-19). Ảnh: THÚY LIỄU

Chị Trần Thị Bảy, ấp Phước Thới A, xã Mỹ Phước, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) đang thu hoạch mướp - giá bán 3.000 đồng/kg (ảnh chụp trước khi bùng phát dịch Covid-19). Ảnh: THÚY LIỄU

Đang thu hoạch những trái mướp bán cho thương lái tại địa phương, chị Trần Thị Bảy, ấp Phước Thới A, xã Mỹ Phước, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) chia sẻ: “Nếu cùng kỳ năm trước, mướp thu hoạch được thương lái thu mua với giá 8.000 đồng/kg thì hiện tại giá mướp chỉ 3.000 đồng/kg, chưa được nửa giá năm trước nhưng mướp vẫn bán được trên thị trường. Tôi có tổng cộng 5 công đất chuyên canh trồng màu các loại, nào là bí đao, khổ qua, dưa leo, bầu, mướp… trồng liên tục xoay vòng, hễ hết thu hoạch đợt màu cũ là tôi chuẩn bị làm đất ngay để xuống giống màu cho đợt mới nên hầu như màu có bán quanh năm. Hiện tại, rẫy màu đang mùa thu hoạch mướp và bí đao, số lượng trái mỗi ngày khoảng 300kg, mướp, bí đao đều bán đồng giá 3.000 đồng/kg, số tiền thu tầm 900.000 đồng/ngày. Dự kiến, tầm 30 ngày nữa là màu thu hoạch dứt điểm và lợi nhuận trong vụ màu tầm 10 - 15 triệu đồng, thấp hơn cùng kỳ năm rồi 35 triệu đồng (50 triệu đồng/5 công màu/vụ). Hiện tại, tôi phân vân trong việc lựa chọn loại màu thích hợp gieo trồng cho vụ tiếp theo, bởi giá màu giảm vì ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, trong khi tiêu thụ gặp khó khăn, giá phân bón lại tăng cao, lợi nhuận giảm mạnh. Nhưng tôi chắc chắn rằng, sẽ tiếp tục xuống giống màu, bởi cây màu là nguồn thu nhập chính của gia đình nên vẫn duy trì ổn định việc sản xuất màu…”.

Diện tích trồng màu ở TX. Vĩnh Châu cũng khá lớn. Trưởng Phòng Kinh tế TX. Vĩnh Châu Mã Chí Thọ thông tin: “Tính đến thời điểm hiện tại, diện tích màu xuống giống trên địa bàn thị xã đã đạt 100% so kế hoạch. Với diện tích màu toàn thị xã hơn 10.000ha, trong đó 6.600ha trồng hành tím (hành thương phẩm, hành giống), còn lại là rau màu các loại. Năm nay, giá màu thấp hơn 50% so cùng kỳ năm trước nhưng thời điểm hiện tại một số loại màu đã tăng giá trở lại, nhất là hành tím có giá bán 35.000 đồng/kg. Đây là thời điểm bà con nông dân xuống giống hành tím để chuẩn bị hành cung ứng thị trường. Những ngày Lễ Sene Đôn Ta sắp tới được xem là thời điểm hành có giá tốt, nên nông dân tích cực xuống giống...”.

Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Long Phú Lâm Văn Vũ thông tin: “Diện tích màu của huyện trên 2.500ha, màu được sản xuất đa dạng các loại cung cấp cho nhu cầu tiêu thụ trong và ngoài địa phương. Tôi nhận thấy, trong thời điểm dịch bệnh thì một số loại màu xuống giá so cùng kỳ nhưng nông dân vẫn tiêu thụ được, bởi hầu hết tại các xã có diện tích trồng màu chuyên canh, nông dân thường vận chuyển màu cung ứng cho các vựa ở TP. Sóc Trăng để tiêu thụ. Hiện tại, theo ghi nhận có một số màu giá đã tăng trở lại. Đồng thời, bà con nông dân trên địa bàn huyện đã xuống giống màu vượt so với kế hoạch, chỉ có diện tích trồng ớt giảm do ớt đầu ra không tốt, còn lại tất cả các loại rau màu đều được trồng đa dạng để cung ứng thị trường…”.

Đồng chí Trần Vĩnh Nghi - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật nhận định, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, giá màu các loại giảm hơn so cùng kỳ năm trước khoảng 10 - 50%, có một số ít loại rau màu bị tồn đọng khó tiêu thụ, giá các loại màu như: hẹ bông, ớt, cải ăn lá các loại… giảm sâu. Diện tích màu của tỉnh năm 2021 theo kế hoạch là 58.000ha, tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đã xuống giống gần 80% so kế hoạch. Để đạt diện tích màu theo kế hoạch đề ra, đơn vị đã phối hợp địa phương tăng cường công tác vận động, tuyên truyền người dân xuống giống theo kế hoạch của từng địa phương. Trước mắt, để nâng cao sản xuất thì khuyến cáo bà con cần có sự liên kết và hợp tác trong sản xuất, áp dụng các quy trình sản xuất an toàn vệ sinh thực phẩm, giảm giá thành sản xuất, đưa sản phẩm giới thiệu và bán trên sàn thương mại điện tử hay thông qua các trang mạng xã hội, để đẩy mạnh việc tiêu thụ sản phẩm nông sản sau thu hoạch. Về lâu dài thì cần quy hoạch lại vùng trồng và tổ chức sản xuất theo nhu cầu doanh nghiệp để việc sản xuất và tiêu thụ màu của bà con nông dân được tốt hơn…

THÚY LIỄU

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/nong-nghiep/nong-dan-duy-tri-trong-rau-mau-mong-gia-dau-ra-on-dinh-51851.html