Nông dân gặp khó khăn vì giá bán rau sạch quá thấp, không tiêu thụ được

Những năm qua, các sản phẩm của mô hình sản xuất rau sạch ở phường Đông Thanh, TP. Đông Hà được người tiêu dùng trong tỉnh tin cậy về chất lượng, uy tín sản phẩm, mang lại lợi nhuận khá cao cho người trồng rau. Thế nhưng, từ dịp cận và sau tết Nguyên đán Tân Sửu đến nay, hàng trăm nông dân trồng rau sạch ở Đông Thanh rơi vào cảnh lao đao khi rau phải bán với giá quá rẻ nhưng vẫn không thể tiêu thụ được.

 Một số người dân ở phường Đông Thanh phải nhổ bỏ rau cải để ủ làm phân vì không có nơi tiêu thụ - Ảnh: T.L

Một số người dân ở phường Đông Thanh phải nhổ bỏ rau cải để ủ làm phân vì không có nơi tiêu thụ - Ảnh: T.L

Vừa nhổ bỏ những luống rau cải già quá lứa trên ruộng vì không tiêu thụ được, bà Trần Thị Cúc (57 tuổi), thành viên HTX dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Đông Thanh buồn bã cho biết, gia đình bà làm 1,5 sào đất trồng các loại rau cải, cần, hành, ngò…trong đó phần nhiều là trồng cải, tuân thủ chặt chẽ quy trình sản xuất rau sạch. Thông thường trước Tết bà đã thu hoạch, xuất bán hết số rau các loại. Năm nay giá rau rớt thê thảm mà bán rất khó. Bà cố gắng chờ giá rau nhích lên để bán mong thu lại đủ tiền phân bón, càng chờ rau càng kém chất lượng, giá càng giảm sâu. Nếu vụ mùa năm trước, giá rau cải bà bán ra giao động từ 3.000-5.000 đồng/bó, thì thời gian này rớt xuống còn 1.000 đồng/bó; rau cần 10.000-15.000 đồng/kg còn lại 2.000-2.500 đồng/ kg…Giá rau đã rẻ mạt mà thương lái vẫn không thu mua, bà Cúc đành phải nhổ bỏ rau, đem trộn với chế phẩm vi sinh ủ làm phân hữu cơ. Nhổ bỏ rau vì càng để rau càng già, sâu bọ càng nhiều gây bất lợi cho vụ sau. Tuy nhiên bà Cúc vẫn chưa biết trồng lại loại cây gì để có thị trường tiêu thụ, nếu tiếp tục trồng cải sợ lại bị thua lỗ. Cả gia đình bà sống nhờ thu nhập từ ruộng rau. Nhưng năm nay trồng rau bán không ai mua nên kinh tế gia đình bà gặp khó khăn.

Cạnh ruộng rau của bà Cúc là ruộng của bà Hồ Thị Quý (55 tuổi) cũng là thành viên của HTX. Với 1,2 sào đất, sau đợt lũ lụt vào tháng 10/2020 trở về cuối năm gia đình bà trồng rau ngò, cần, cải, hành, xà lách… với hy vọng sẽ bán được rau giá cao như năm trước để tăng thêm thu nhập. Bất ngờ, năm nay rau bán không chạy và giá quá thấp nên gia đình bà lỗ vốn nặng. Các năm trước mua hạt giống rau hành chỉ 650.000 đồng/kg, hành lá bán ra khoảng 15.000 đồng/kg thì năm nay giống lên đến 1,3 triệu đồng/kg nhưng hành bán ra chỉ 8.000 đồng/kg. Còn rau cải do không bán được, bà Quý phải nhổ bỏ nguyên 1 sào để làm đất trồng cây khác.

Tìm hiểu tại HTX dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Đông Thanh, hầu hết các hộ trồng rau tại đây đều gặp chung tình trạng rau được mùa nhưng khó tiêu thụ và rớt giá. Tình cảnh của bà Cúc, bà Quý cũng là nỗi lo chung của người trồng rau ở của HTX khi giá rau liên tục giảm mạnh. Có một số hộ dân đầu tư số tiền lớn để thuê nhân công làm vườn, mua giống trồng rau sạch, nhưng nay rau không bán được càng lo lắng vì không đủ tiền trả công lao động.

Giám đốc HTX dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Đông Thanh Phạm Văn Quân cho biết, đơn vị có gần 600 thành viên vừa sản xuất hoa màu vừa sản xuất lúa, trên diện tích 105 ha/2 vụ/năm; trong đó có khoảng 60% diện tích sản xuất rau sạch. Lúc cao điểm của vụ thu hoạch rau, mỗi ngày HTX xuất ra thị trường 3 - 5 tấn, tiêu thụ chủ yếu trên địa bàn tỉnh. Bình quân mỗi năm, thu nhập từ trồng rau lên đến 400-500 triệu đồng/ha. Bây giờ giá bán rau xuống thấp bằng 1/4 (có loại giá chỉ bằng 1/10) của năm trước nên người trồng rau lỗ nặng, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của nhiều gia đình. Trước thực tế này, sau vụ thu hoạch rau các thành viên HTX chưa biết nên trồng cây gì cho phù hợp, nếu tiếp tục trồng rau thì thị trường quá bấp bênh.

Phân tích nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, ông Phạm Văn Quân cho biết, những năm trước, vụ rau thường bắt đầu sớm hơn, từ trước tết Nguyên đán nhiều tháng. Năm nay, do ảnh hưởng mùa mưa lũ kéo dài đến gần cuối năm 2020 nên vụ rau bắt đầu muộn hơn, thời gian tiêu thụ cũng ngắn hơn. Mặt khác, thời tiết trước và sau Tết có nắng ấm, thuận lợi, cây rau phát triển nhanh, được mùa hơn các vụ trước; số lượng người trồng rau ồ ạt dẫn đến cung nhiều hơn cầu. Cộng thêm sự cạnh tranh quyết liệt khi rau ở các tỉnh, thành phố khác được nhập về Quảng Trị với giá rẻ đã khiến giá rau trên địa bàn tỉnh giảm mạnh, ảnh hưởng đến việc tiêu thụ rau của nông dân.

Trưởng Phòng Kinh tế thành phố Đông Hà Nguyễn Sỹ Trong cho biết, 5 năm qua, tình hình sản xuất rau sạch ở Đông Thanh rất ổn định, cho thu nhập từ 400 - 500 triệu đồng/ha, mang lại thu nhập khá lớn cho người trồng rau. Năm nay, sau lũ lụt giống rau hỗ trợ từ các nguồn rất nhiều cộng với thời tiết tốt, trước tình hình này địa phương đã có dự báo cho người trồng rau cần chủ động lường trước khó khăn về thị trường tiêu thụ, vì thị trường tiêu thụ rau của Đông Thanh mới ở phạm vi trong tỉnh. Để giải quyết tình trạng này không lặp lại năm sau, thành phố vận động HTX, người trồng rau cần chủ động phối hợp với doanh nghiệp có kế hoạch trồng rau theo nhu cầu thị trường, chủ động bao tiêu sản phẩm, thực hiện tốt việc xây dựng chuỗi giá trị, kết nối từ khâu sản xuất đến tiêu thụ để có thị trường rộng lớn, ổn định hơn. Đồng thời đẩy mạnh việc hình thành các tổ hợp tác liên kết sản xuất với doanh nghiệp để khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; kêu gọi các HTX, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm của nông dân; xây dựng thêm điểm bán nông sản sạch, đầu tư bao bì đóng gói, nhãn hiệu để thu hút khách hàng, góp phần tăng sản lượng tiêu thụ rau sạch.

Tú Linh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=155754