Nông dân Hà Nội trước nỗi lo mất trắng sau bão lũ
Siêu bão Yagi quét qua, để lại khung cảnh tan hoang trên những cánh đồng, mảnh vườn và tiếng thở dài của người nông dân nhìn bao công sức tan theo mưa bão.
Những ngày qua, nhiều địa phương trên địa bàn Hà Nội đã xuất hiện đợt mưa lớn kéo dài, mực nước tại các ao hồ dâng cao. Ở các khu vực trũng thấp, nước ngập úng hàng chục ha lúa, rau màu, của bà con nông dân.
Bà Nguyễn Thị Hào (Sóc Sơn, Hà Nội) cho biết, vụ Hè Thu này, gia đình bà có 7 sào lúa. "Vất vả lắm, một mình tôi trông nom, cày cấy. Khoảng 15-20 ngày nữa là lúa thu hoạch được thì bão tới, quật đổ gần hết", bà Hào ngậm ngùi kể.
Bão vừa qua thì lũ kéo tới, nước trên lưu vực sông Cà Lồ (huyện Sóc Sơn) dâng cao, kéo theo đó là khoảng 3 sào lúa nhà bà Hào ngập trong biển nước. Người phụ nữ này xót xa chia sẻ: "Nước ngoài sông lên trắng xóa, không nhìn thấy ruộng nhà tôi nữa. 3 sào lúa ngập đến ngọn, xác định mất trắng toàn bộ. Còn 4 sào còn lại vớt vát được đến đâu hay đến đó".
Sống ở vùng đê ven sông Cà Lồ thuộc địa phận xã Kim Lũ (Sóc Sơn, Hà Nội), bà Lê Thị Liên chia sẻ: "Lúa nhà tôi mới vừa ra bông, chưa làm đòng đã bị bão số 3 bị quật ngã. Nếu lúa làm đòng xong, đã có hạt thì còn buộc lên được, chứ mới ra trổ bông, tôi không biết làm thế nào. Đành mặc kệ để lúa ngả nghiêng trên gần 2 sào ruộng. Thiệt hại cũng phải đến 5-60%", bà Liên nói.
Bà Liên cho biết, ngoài trồng lúa, gia đình bà còn tận dụng mảnh đất ven sông để trồng thêm rau củ và nuôi gà. Nhưng lũ lên, nước ngập quá đầu gối, toàn bộ rau củ bị thối không chờ được thu hoạch.
Tuy nhiên, nhờ nắm bắt được thông tin bà Liên đã kịp di dời đàn gà đến chỗ cao. "Chính quyền địa phương cũng đã có cảnh báo lũ đến người dân nên gia đình tôi cũng kịp chuyển đàn gà lên phía trên. Tuy nhiên rau củ thì không kịp trở tay. Bên cạnh nhà tôi mấy nhà trồng lúa ở ven sông thì xác định mất trắng", bà Liên bộc bạch.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Hoàng Văn Thám - Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã rau quả sạch Chúc Sơn (Chương Mỹ, Hà Nội) nói: "Gió bão đã gây tốc mái khu vực cửa hàng, khu xử lý phân của HTX. Đồng thời làm thấm nước, rơi hỏng trang thiết bị phục vụ sản xuất, sập đổ nhà lưới, rau quả ngập úng, dập nát".
HTX rau quả sạch Chúc Sơn bị ngập úng và dập nát 8ha rau, trong đó 2ha đang chuẩn bị cho thu hoạch. Sản lượng rau bị thiệt hại 17 tấn rau các loại; gãy đổ 50 cây hoa ban.
Riêng rau muống có thể chờ rút nước rồi chăm sóc phục hồi, chứ các loại rau còn lại thì không khắc phục được, phải phá bỏ hết.
ông Hoàng Văn Thám - Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã rau quả sạch Chúc Sơn (Chương Mỹ, Hà Nội)
Ông Thám buồn rầu chia sẻ: "Riêng rau muống có thể chờ rút nước rồi chăm sóc phục hồi, chứ các loại rau còn lại thì không khắc phục được, phải phá bỏ hết, nước rút sẽ gieo trồng lại". Ước tính, thiệt hại ban đầu của HTX Chúc Sơn lên đến gần 2 tỷ đồng.
Bão lớn cũng làm hàng chục ha trồng chuối của bà con nông dân huyện Đông Anh (Hà Nội) đổ rạp. Theo ông Trần Văn Cường, phần lớn các cây chuối to đều bị gãy đọt, đành phải chặt bỏ.
Thẫn thờ nhìn gần trăm gốc chuối trồng để phục vụ Tết Nguyên đán đã tả tơi, ông Cường chua xót nói: "Giờ chỉ chặt bỏ chứ không vớt vát được. Thu nhập của cả gia đình mà giờ thế này có nguy cơ trắng tay, công sức coi như đổ sông, đổ bể".
Mới đây, Sở NN&PTNT Hà Nội yêu các địa phương cần chủ động tiêu cạn nước đệm trên hệ thống sông trục và kênh mương nội đồng, giữ nông mặt ruộng; huy động các lực lượng khơi thông dòng chảy trên các kênh tiêu, kiểm tra tôn cao bờ vùng, bờ thửa, bờ kênh tiêu, đảm bảo tiêu nước nhanh gọn cho các vùng có nguy cơ ngập úng.
Trước tình hình trên, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội có công điện đề nghị các đơn vị, địa phương tập trung khắc phục các sự cố, bảo đảm an toàn hệ thống đê điều, công trình thủy lợi; vận hành tối đa hệ thống tiêu úng khi đủ điều kiện; theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai, chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo thẩm quyền, bảo đảm kịp thời, hiệu quả, sát với tình hình thực tế trên địa bàn.
Ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, nhận định, gió giật chính là yếu tố gây ra rất nhiều thiệt hại về người và tài sản. Trong các cơn bão áp thấp nhiệt đới đều có hiện tượng gió giật nhưng không nhiều và mạnh như siêu bão Yagi.
"Sau khi gió bão kết thúc, tác động về lũ quét và sạt lở đất vẫn còn. Vì vậy, người dân cần nâng cao cảnh giác và thu hoạch hoa màu đúng thời điểm", ông Khiêm nói.
Theo thông tin cập nhật mới nhất từ Bộ NN&PTNT, bão số 3 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và tan dần trên khu vực phía Tây Bắc Bộ, song hoàn lưu của bão còn tiếp tục gây mưa lớn đến hết ngày 11/9 cho các tỉnh Bắc Bộ, nhất là khu vực Tây Bắc.
Do ảnh hưởng của bão số 3, đã có 148.632 ha lúa bị ngập úng, thiệt hại (tập trung tại Hải Phòng 25.780ha; Thái Bình 11.000ha; Hà Nội 15.563ha; Hưng Yên 12.119ha; Hải Dương 18.500ha; Hà Nam 7.928ha; Lạng Sơn 4.495ha; Bắc Giang 14.933ha; Bắc Ninh 9.830ha; Vĩnh Phúc 8.860ha, Thái Nguyên 3.512, Yên Bái 2.618ha,...);
Diện tích hoa màu bị ngập úng, thiệt hại là 26.186 ha (tập trung tại Hải Phòng 2.614 ha; Nam Định 509 ha; Thái Bình 3.345ha; Hà Nội 1.205ha; Bắc Ninh 2.321ha; Hải Dương 3.000ha; Hòa Bình 5.914ha, Lạng Sơn 1.393ha...);
Trong bối cảnh đó, Bộ NN&PTNT nhấn mạnh, khu vực vùng Đồng bằng bắc Bộ cần tập trung vận hành các trạm bơm và hệ thống công trình thủy lợi để tiêu úng cứu diện tích lúa và hoa màu bị ngập; chuẩn bị sẵn sàng nguồn giống để khôi phục sản xuất ngay sau bão.