Nông dân Hà Tĩnh đặt bẫy, đào hang diệt chuột phá lúa xuân

Chuột liên tục cắn phá nhiều diện tích lúa xuân giai đoạn cuối đẻ nhánh và làm đòng tại Hà Tĩnh. Để ứng phó, nông dân phải xoay đủ cách như bỏ thuốc, đặt bẫy, đào hang,…

Lỉnh kỉnh mang theo “đồ nghề”, từ sáng sớm, ông Võ Viết Hòa (TDP Liên Nhật, phường Thạch Hạ, TP Hà Tĩnh) đã ra đồng để “rải” gần 200 cái bẫy chuột bán nguyệt dọc khắp các bờ ruộng trên cánh đồng rộng gần 3 ha của gia đình.

Ông Hòa cho biết: “Vụ lúa xuân năm nay chuột xuất hiện nhiều, đi đâu cũng thấy bà con bày tỏ lo lắng, bàn tán đủ cách diệt chuột. Lúa đang vào thời kỳ cuối đẻ nhánh - làm đòng, bên trong thân non, ngọt nên chúng cắn phá càng nhiều. Nếu đòng non bị ăn “trụi” vào lúc này thì khả năng phục hồi là không thể, ảnh hưởng lớn đến năng suất cuối vụ”.

 Ông Võ Viết Hòa (TDP Liên Nhật, phường Thạch Hạ, TP Hà Tĩnh) đặt bẫy diệt chuột.

Ông Võ Viết Hòa (TDP Liên Nhật, phường Thạch Hạ, TP Hà Tĩnh) đặt bẫy diệt chuột.

Tại các cánh đồng ở phường Đồng Môn (TP Hà Tĩnh), bà con nông dân cũng đang phải tập trung diệt chuột liên tục cả ngày lẫn đêm.

Chị Nguyễn Thị Hiền (TDP Tiền Tiến, phường Đồng Môn) cho biết: “Sợ chuột cắn phá lúa nên ngày nào tôi cũng phải ra đồng. Bà con ở đây mua loại bẫy cải tiến của ông Nguyễn Tiến Đường (người có sáng kiến cải tiến bẫy bán nguyệt bắt chuột - PV) rất hiệu quả, có những đêm bắt được 7 - 10 con”.

 Các bẫy chuột được đặt khắp nơi trên đồng ruộng.

Các bẫy chuột được đặt khắp nơi trên đồng ruộng.

Được biết, vụ lúa xuân năm nay, chuột gây hại ở hầu hết các xã, phường của TP Hà Tĩnh và có trên 20 ha lúa bị cắn phá nặng. Địa phương đã hướng dẫn bà con chủ động trong kiểm soát nạn chuột như: đặt bẫy, bắt thủ công, giữ ổn định mực nước để chuột sợ không dám vào sâu trong ruộng cắn phá. Ngoài ra, giới thiệu bà con nông dân các địa phương đến tại nhà ông Nguyễn Tiến Đường (TDP Tiền Tiến, Đồng Môn) học hỏi thêm về tập tính, thói quen, thức ăn của con chuột và thực hành kỹ năng làm bẫy diệt chuột cải tiến để phòng trừ hiệu quả hơn.

 Chuột cắn phá ở giữa ruộng, nhiều diện tích không thể phục hồi.

Chuột cắn phá ở giữa ruộng, nhiều diện tích không thể phục hồi.

Gần 1 tháng nay, huyện Cẩm Xuyên cũng xuất hiện nhiều chuột cắn phá lúa, đặc biệt là vùng gần gò đồi, gần làng, vùng cao cưỡng, cạn nước. Bà con phải bỏ bã ở chân ruộng; tìm hang đào bắt, diệt ổ ở các bờ vùng, cồn cao, dọc các mái ta - luy bên các trục đường lớn gần ruộng; giăng hình nộm… nhưng chuột vẫn hoành hành ở khắp các địa phương.

Vừa bỏ thuốc sinh học bẫy chuột cho gần 8 sào ruộng của gia đình, ông Trần Tuấn (thôn Mỹ Am, xã Cẩm Quan, Cẩm Xuyên) cho biết: “Vài năm trở lại đây không có lũ lớn nên chuột sinh sản rất nhiều. Chuột cắn phá liên tục từ lúc gieo sạ đến khi cây lúa làm đòng. Tôi đã dùng nhiều biện pháp như đánh bả, đặt bẫy, song hiệu quả không đáng kể. Cực chẳng đã, tôi phải đặt thêm ni - lông cỡ dày về dựng thành hàng rào 2 lớp quanh bờ ruộng để ngăn chặn chuột chui vào bên trong cắn phá”.

 Nhiều người dân đã phải căng ni - lông 2 lớp để phòng chuột chạy vào ruộng cắn phá lúa.

Nhiều người dân đã phải căng ni - lông 2 lớp để phòng chuột chạy vào ruộng cắn phá lúa.

Không chỉ ở vùng đồng bằng, tại các huyện miền núi như: Vũ Quang, Hương Sơn, Hương Khê, tình trạng chuột cắn phá lúa cũng diễn ra.

Ông Phan Văn Tuẫn (thôn 3, xã Hà Linh, Hương Khê) cho biết: “Vụ này nạn chuột cắn phá nhiều hơn, nhất là những khu vực giữa đồng. Thêm vào đó, đây cũng là thời điểm chuột sinh sản mạnh, tăng nhanh về số lượng. Bà con nơi đây ngày nào cũng phải ra thăm đồng bỏ bả, đặt bẫy chứ không dám lơ là”.

 Bà con nông dân TP Hà Tĩnh học cách bẫy chuột của ông Nguyễn Tiến Đường (TDP Tiền Tiến, Đồng Môn).

Bà con nông dân TP Hà Tĩnh học cách bẫy chuột của ông Nguyễn Tiến Đường (TDP Tiền Tiến, Đồng Môn).

Theo thông tin từ Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi tỉnh, hiện nay, chuột gây hại trên lúa gieo thẳng ở hầu hết các địa phương trong tỉnh với diện tích hàng trăm ha, đặc biệt ở các vùng gần gò đồi, gần làng, vùng cao cưỡng, cạn nước với tỉ lệ trung bình 3 - 5%, nơi cao 10 - 15%, cục bộ có nơi 20%. Vào thời điểm này, các trà lúa đã bắt đầu bước vào giai đoạn làm đòng, trở thành nguồn thức ăn hấp dẫn cho loài vật này. Thêm vào đó, đây cũng là thời điểm sinh sản của chuột, loài gặm nhấm này sẽ tăng nhanh về số lượng và gây hại diện rộng. Các vùng bị chuột cắn phá nhiều, cây lúa không thể phục hồi, có thể ảnh hưởng lớn đến năng suất cuối vụ.

Để hạn chế chuột gây hại trên đồng ruộng, cần phải áp dụng kết hợp nhiều biện pháp, tuân thủ một số nguyên tắc cơ bản như tiến hành sớm, tiến hành thường xuyên, liên tục và đồng loạt trên diện rộng. Ngoài đào hang bắt chuột hoặc dùng bẫy, bả, người dân nên sử dụng một số loại thuốc diệt chuột thuộc nhóm chống đông máu ít độc hại với con người, vật nuôi và môi trường.

Thái Oanh

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/nong-dan-ha-tinh-dat-bay-dao-hang-diet-chuot-pha-lua-xuan-post285052.html