Tốc độ già hóa dân số tại TP.HCM diễn ra rất nhanh

Dù tốc độ già hóa dân số tại TP.HCM diễn ra rất nhanh nhưng hiện nay việc tiếp cận các dịch vụ tư vấn, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi còn giới hạn.

Ngày 1-4, Ủy ban Văn hóa và Xã hội Quốc hội đã có buổi giám sát tại TP.HCM về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về dân số giai đoạn 2018-2024.

TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết người cao tuổi tại TP đang tăng rất nhanh, bắt đầu từ năm 2017.

Cũng vào năm 2017, TP.HCM chính thức bước vào thời kỳ già hóa dân số, muộn hơn so với cả nước 6 năm, khi tỉ lệ dân số từ 60 tuổi trở lên đạt 10,28%. Thế nhưng, dù muộn nhưng tốc độ già hóa lại diễn ra rất nhanh.

Tính đến năm 2024, tỉ lệ người cao tuổi đã tăng lên 11,87%, với tổng số hơn 1,1 triệu người. Trong vòng 7 năm (2017-2024), số người cao tuổi tăng thêm khoảng 243.500 người.

 Tốc độ già hóa dân số của TP.HCM diễn ra rất nhanh. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Tốc độ già hóa dân số của TP.HCM diễn ra rất nhanh. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

"Sự gia tăng nhanh chóng cho thấy tốc độ già hóa dân số tại TP.HCM đang vượt qua các dự báo trước đây. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết về chính sách và hạ tầng, xã hội nhằm đảm bảo chất lượng cuộc sống cho nhóm dân số cao tuổi ngày càng đông" - bác sĩ Châu cho hay.

Theo số liệu mới nhất từ Cục Thống kê, năm 2024 chỉ số già hóa của TP.HCM là 65,2; cao hơn so với số liệu của cả nước là 60,18 (nghĩa là cứ 100 người trẻ dưới 15 tuổi thì có 65,2 người cao tuổi tương ứng).

Theo bác sĩ Châu, dù tốc độ già hóa dân số nhanh như thế nhưng hiện việc tiếp cận đầy đủ các dịch vụ tư vấn và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi của TP.HCM còn giới hạn.

Cụ thể, hệ thống chăm sóc sức khỏe chưa bắt kịp tốc độ già hóa dân số ngày càng tăng; vẫn chưa có hệ thống báo cáo thu thập về tuổi thọ khỏe mạnh của người dân TP.HCM.

Cạnh đó, tổng tỉ suất sinh của TP.HCM hiện nay ở mức rất thấp (năm 2024 là 1,39 con/phụ nữ), hiện đang được xếp trong nhóm 21 tỉnh thành có mức sinh thấp. Điều này gây ra nhiều hệ quả như quá trình già hóa dân số nhanh hơn, thiếu hụt nguồn lao động, ảnh hưởng đến an sinh xã hội.

Theo đó, TP.HCM kiến nghị trung ương cần xây dựng, hoàn thiện và triển khai đồng bộ các chính sách dành cho người cao tuổi đặt trong mối tương quan phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.

Đồng thời, xây dựng chính sách khuyến khích hỗ trợ người cao tuổi tham gia các hoạt động kinh tế, đặc biệt là người cao tuổi có trình độ, chuyên môn, kỹ thuật cao (thích ứng với xu thế kinh tế bạc).

Cải cách hệ thống hưu trí, đa dạng hóa các loại hình bảo hiểm, nhất là bảo hiểm tuổi già tự nguyện, phù hợp với khả năng đóng góp và chi trả của người tham gia… Ngoài ra, quy hoạch không gian lãnh thổ phải thích ứng với già hóa dân số. Đặc biệt, cần có chính sách hỗ trợ, thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào dịch vụ nhà dưỡng lão.

Ông Tạ Văn Hạ, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội, cho hay mặc dù TP.HCM đã có những chính sách hỗ trợ nhưng hiện tỉ lệ người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ và chăm sóc vẫn còn thấp so với yêu cầu. Hệ thống hỗ trợ người cao tuổi cũng cần được mở rộng và hoàn thiện hơn.

THẢO PHƯƠNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/toc-do-gia-hoa-dan-so-tai-tphcm-dien-ra-rat-nhanh-post841994.html