Nông dân hoãn việc gieo cấy để chờ giá rau xanh tăng cao

Liên tiếp vài tuần gần đây, giá rau, củ, quả trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc rớt giá mạnh, điều này ảnh hưởng đến quyền lợi của người nông dân.

Người dân thu hoạch rau, hành trên đồng ruộng tại thị trấn Gia Khánh, huyện Bình Xuyên để chuẩn bị cho vụ mới.

Người dân thu hoạch rau, hành trên đồng ruộng tại thị trấn Gia Khánh, huyện Bình Xuyên để chuẩn bị cho vụ mới.

Một trong những nguyên nhân khiến nông sản rớt giá là do độ ẩm và nền nhiệt độ năm nay thích hợp đối với cây rau, củ, quả trồng vào vụ Đông Xuân nên cây phát triển mạnh mà ít cần đến yếu tố đầu tư chăm bón. Điều đáng quan tâm là sau dịp nghỉ Tết nguyên đán, nông dân trên địa bàn tỉnh tập trung xuống đồng thu hoạch các loại rau, củ, quả để giải phóng ruộng, triển khai làm đất sản xuất, gieo cấy lúa cho kịp khung thời vụ.

Hiện tại, giá rau xanh trên địa bàn tỉnh giảm rất mạnh, chỉ bằng 40- 50% so với cách đây 1 đến 2 tháng. Đến các chợ lớn, nhỏ ở các địa bàn như thành phố Vĩnh Yên, huyện Bình Xuyên, huyện Yên Lạc, Vĩnh Tường...thuộc tỉnh Vĩnh Phúc hiện nay có thể thấy các điểm buôn bán rau, củ, quả ở chợ đều rất phong phú, đa dạng.

Theo nhiều người sản xuất rau, quả, cho biết do độ ẩm cao, thường xuyên mưa phùn, rét đậm rau màu nói chung trong giai đoạn này gần như không có sâu bệnh và bà con cũng không phải dùng thuốc bảo vệ cây trồng, do đó chất lượng rau, củ, quả thời điểm hiện tại rất tốt, mẫu mã đẹp, người tiêu dùng mua các sản phẩm được lợi đơn, lợi kép bởi sản phẩm rau nói chung giờ đây an toàn và sạch sẽ.

Tuy nhiên, theo bà con nông dân, khi đồng ruộng được giải phóng các loại cây rau, màu xong, việc gieo cấy lúa hoàn thành thì các sản phẩm rau xanh sẽ tăng giá trở lại, bởi diện tích rau giảm, nguồn cung không có nhiều. Lúc này, rau xanh cung ứng ra các chợ lớn, nhỏ, các siêu thị... chủ yếu ở một số vùng chuyên canh, sản xuất tập trung và trong các vườn tại khuôn viên gia đình của các hộ dân chuyên sản xuất rau bán.

Theo khảo sát, hiện, rau bắp cải mà các tiểu thương hoặc nông dân trực tiếp mang bán ở các chợ trên địa bàn tỉnh có giá từ 5.000 - 8.000 đồng/cây; su hào giá từ 2.000 đến 3.000 đồng/củ; cà rốt giá bán tại chợ giá 5.000 đến 7.000 đồng/kg; su su quả giá phổ biến 4.000 - 5.000 đồng/kg; rau cần 3.000 đồng/mớ; rau tầm bóp (rau hoang dại mọc trên ruộng đồng) có 3.000 - 5.000 đồng/mớ; hành tây 6.000 - 8.000 đồng/kg... Các loại rau xà lách, rau thơm, hành lá...giá cũng rất hấp dẫn, chỉ bằng 5% so với trước thời điểm Tết nguyên đán. Giá rau nói chung rẻ, một số hộ gia đình đã hoãn lại việc gieo cấy mà để rau loại rau xanh tại ruộng, vườn để chờ giá tăng cao hơn, thu hoạch bán lời lãi hơn.

Những năm qua, diện tích và sản lượng các loại rau xanh ở Vĩnh Phúc khá ổn định bởi nông dân luôn coi rau xanh là loại cây trồng dễ dàng, có lời, nhanh thu hồi vốn tiêu thụ dễ dàng nhờ Vĩnh Phúc là địa bàn gần Hà Nội và các tỉnh lân cận có mật độ dân số cao, công nghiệp - dịch vụ phát triển nên nhu cầu tiêu thụ rau củ quả rất lớn…

Hiện, mỗi năm diện tích trồng các loại rau ở Vĩnh Phúc đạt khoảng 10.000 ha, cho sản lượng đạt trên 200 nghìn tấn/năm. Rau xanh được trồng tại tất cả các huyện trong tỉnh, nhưng tập trung nhiều ở các huyện Yên Lạc, Tam Dương, Vĩnh Tường, Tam Đảo, Bình Xuyên....

Để đáp ứng nhu cầu về rau xanh nói chung cho người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, Vĩnh Phúc đang chỉ đạo ngành chức năng triển khai kịp thời các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn…, ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục rà soát quy hoạch, dồn ghép, tích tụ ruộng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với lợi thế từng vùng, từng địa phương và nhu cầu thị trường tiêu thụ.

Đến nay, toàn tỉnh Vĩnh Phúc có 12 mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm rau, củ, quả gồm: Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp và Kinh doanh nông sản An Hòa, Hợp tác xã Rau an toàn Vĩnh Phúc, Hợp tác xã Rau an toàn Vân Hội Xanh, Hợp tác xã Sản xuất rau an toàn Thanh Hà... Các mô hình này bước đầu đã tạo được sự liên kết giữa các thành viên để sản xuất rau quả cung cấp ra thị trường, cung ứng cho các trường học, khu công nghiệp, siêu thị và một số cửa hàng kinh doanh nông sản an toàn trên địa bàn tỉnh, thành phố Hà Nội và các tỉnh phía Bắc...

Tổng diện tích có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm đạt trên 124 ha, với sản lượng khoảng 8.670 tấn/năm. Các tổ chức, cá nhân đã cung cấp cho thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh các loại rau quả an toàn, truy xuất được nguồn gốc, xuất xứ.

Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã cùng với chính quyền địa phương và người dân của 54 xã, thị trấn trên địa bàn 9 huyện, thành phố thống nhất quy hoạch diện tích 1.840 ha trồng rau, quả theo quy trình VietGAP và có sự điều chỉnh diện tích theo từng năm, giai đoạn phù hợp nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao; trong đó, Vĩnh Phúc đã quy hoạch trồng 780 ha cây bí đỏ, 370 ha dưa chuột, 50 ha cây ớt, 80 ha trồng khoai tây, 50 ha trồng cây cà chua; 540 ha trồng các loại rau, quả khác.

Với cơ chế tỉnh hỗ trợ 50% chi phí giống, phân bón hữu cơ - sinh học - vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật sinh học để thực hiện sản xuất rau quả hàng hóa an toàn theo VietGAP đối với cây bí đỏ, cây ớt, cây dưa chuột; hỗ trợ 50% chi phí phân bón hữu cơ - sinh học - vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật sinh học để thực hiện sản xuất rau quả hàng hóa an toàn theo VietGAP đối với cây cà chua, các loại rau củ quả; hỗ trợ 50% chi phí giống để thực hiện sản xuất rau quả hàng hóa an toàn theo VietGAP đối với cây khoai tây...

Cùng với đó, các cơ chế chính sách phát triển nguồn rau, củ, quả có ý nghĩa rất quan trọng đó là khuyến khích nông dân phát triển mạnh mẽ, thực sự coi trọng sản xuất tạo nguồn nông sản sạch, an toàn, uy tín...cho người dân địa phương; đặc biệt là nhu cầu tiêu dùng khách hàng một số tỉnh thành lân cận để đem lại nguồn lợi cao, ổn định, tạo công ăn việc làm và thu nhập thường xuyên cho nhiều lao động nông thôn...

Bài và ảnh: Nguyễn Trọng Lịch (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/nong-dan-hoan-viec-gieo-cay-de-cho-gia-rau-xanh-tang-cao-20250219073718082.htm