Nông dân hợp tác với công ty sản xuất rau sạch
Ngoài việc hợp tác với Công ty MM Mequa Market để sản xuất 1,7 ha rau sạch, bà Đinh Thị Xuân Mai, ở thôn Suối Thông B2, xã Đạ Ròn (Đơn Dương) còn liên kết với nhiều hộ nông dân làm rau sạch nhằm đảm bảo đầu ra cho sản phẩm.
Việc liên kết sản xuất để cung ứng cho các công ty không chỉ giúp nông dân yên tâm sản xuất mà còn hướng đến sản xuất các mặt hàng nông sản sạch theo hướng bền vững.
“Sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP giúp sản phẩm được thị trường chấp nhận rộng rãi hơn, từ đó có thể tăng cao sản lượng” - đó là nhận định của bà Đinh Thị Xuân Mai, người đã có nhiều năm liên kết trồng rau sạch theo tiêu chuẩn Metro Requirement. Hiện gia đình bà Mai cũng lọt vào top những “tỉ phú rau sạch” ở tỉnh Lâm Đồng với diện tích sản xuất 1,7 ha.
Bà Mai cho biết: “Được nghe về cách trồng rau sạch theo tiêu chuẩn Metro Requirement, tôi nghĩ nên tham gia xem sao, không ngờ cách này mang lại hiệu quả”.
Bà Mai nói thêm: Chúng tôi phải tuân thủ quy trình ghi nhật ký cho rau. Ngày trồng, ngày bón phân hay bơm thuốc đều phải được ghi lại tỉ mỉ để có thể truy xuất nguồn gốc rau quả. Tuy cực nhưng hiệu quả làm rau theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp rất cao. Mỗi năm, trừ hết chi phí, tôi thu lời được từ 500-600 triệu đồng.
Gia đình bà Mai bắt đầu trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP từ năm 2007 - khi hệ thống METRO mở trụ sở ở Đức Trọng và “khoanh vùng” nguyên liệu đến tận Đơn Dương. Theo bà Mai thì lúc đầu thấy khó chịu với cái kiểu ghi ghi chép chép, làm đến đâu thì kiểm tra kỹ thuật có đạt hay không đạt đến đó..., nhưng riết rồi cũng quen và với lại, đây là lối canh tác hiện đại để cho ra sản phẩm rau đạt tiêu chuẩn nên không thể khác được. Nhóm hợp tác sản xuất của bà Mai cho biết, trước đây khi hợp tác với Metro các quy trình như ghi chép nhật ký, quản lý giống, phân bón… khiến họ cảm thấy rắc rối vì đã quen với phương pháp canh tác cũ.
Chỉ sau 5 năm được nhân viên kỹ thuật của công ty cầm tay chỉ việc, bây giờ người dân đã có thể tự làm mọi việc theo đúng quy chuẩn.
Đến giờ, bà Mai không chỉ nổi tiếng bởi thu nhập cao từ rau mà còn vì trang trại của bà thường xuyên tiên phong trong việc thử nghiệm các giống cây trồng mới và những cách làm mới.
Bà Mai tâm sự: Đối với nhiều nông dân sản xuất tự phát, việc sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP gặp nhiều khó khăn bởi đây là những tiêu chuẩn cơ bản, nhưng không phải nông dân nào cũng có thể làm đạt yêu cầu. Tuy nhiên, qua tập huấn, các nông dân đều nghiêm túc tiếp cận và chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, họ đã làm chủ được quy trình. Cứ định kỳ một năm sẽ có sự đánh giá và cấp lại chứng nhận VietGAP.
Tổ hợp tác rau an toàn Suối Thông B hiện có 20 thành viên và liên kết thêm 12 hộ với diện tích sản xuất 40 ha, trồng nhiều loại rau, củ và tất cả sản phẩm đều cung cấp cho METRO.
Bà Mai cho tôi xem nhật ký cây trồng trên chiếc điện thoại Smartphone, bà bảo trước đây chỉ biết viết nhật ký bằng tay, sau này đứa con trai học đại học về bày cho cách quản lý trên chiếc điện thoại thông minh, giờ quản lý dễ dàng hơn. Nhật ký sản xuất, trong đó ghi chép rõ ràng, từ việc sử dụng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, cho đến ngày giờ thu hoạch…
Mỗi vùng nguyên liệu, METRO đều cử kỹ sư nông nghiệp theo sát. Thông qua ghi chép thường xuyên, dưới sự hỗ trợ kỹ thuật, tư vấn, đánh giá, kiểm tra chất lượng từ METRO, người nông dân luôn có những điều chỉnh kịp thời, để cung cấp cho thị trường sản phẩm an toàn nhất. Theo lịch mùa vụ, tùy theo nhu cầu của thị trường, các diện tích trồng trọt sẽ luân canh, mùa nào thức nấy. Bà Mai chia sẻ, kể cả những lúc nông sản rớt giá thì nông dân tham gia hệ thống với công ty cũng được đảm bảo không bị lỗ vốn, bởi METRO dự báo thị trường khá chính xác. Thêm vào đó, METRO cũng trực tiếp thu mua tại vườn, không qua trung gian, do đó vừa đỡ kinh phí, vừa tạo cho người nông dân có đầu ra ổn định.