Nông dân huyện Duyên Hải: Nhân rộng nhiều mô hình liên kết sản xuất với hội viên
Trong sản xuất nông nghiệp, huyện Duyên Hải là địa phương có diện tích trồng màu khá lớn, chủ yếu tập trung ở các xã Ngũ Lạc, Đôn Xuân, Đôn Châu và Đông Hải. Sản xuất màu luôn gặp nhiều khó khăn khi vào vụ thu hoạch, 'được mùa, mất giá' luôn diễn ra thường xuyên với người trồng màu.
Trước những khó khăn trên, thông qua mô hình liên kết trong sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, đã góp phần tạo sự an tâm cho người sản xuất và ổn định đầu ra sản phẩm… Theo ghi nhận của chúng tôi, chỉ tính riêng trên địa bàn xã Ngũ Lạc, diện tích trồng màu có hơn 2.000ha, chủ yếu sản xuất rau ăn lá các loại, ớt, đậu phộng, bắp, dưa hấu,… tập trung ở các ấp: Bổn Thanh, Sóc Ruộng, Thốt Lốt, Trà Khúp, Sóc Ớt, Rọ Say.
Từ năm 2018, thông qua các mô hình sản xuất, liên kết hỗ trợ giúp nhau phát triển kinh tế, với sự tham gia của các chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp đã vận động 100% các thành viên tham gia vào tổ hợp tác, hợp tác xã cùng ngành nghề (trồng màu) để xây dựng và thành lập Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Ngũ Lạc (ấp Sóc Ruộng); hợp tác xã nông nghiệp Tân Thanh (ấp Bổn Thanh) trong vai trò hỗ trợ và liên kết với người trồng màu trên địa bàn xã để bao tiêu và định hướng trong liên kết với từng chủng loại màu cụ thể theo mùa vụ.
Ông Thạch Mươi, nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi (cấp xã) ở ấp Bà Giam B, xã Đôn Xuân, huyện Duyên Hải cho biết: gia đình có 0,1ha đất chuyên trồng màu, nhờ có liên kết trong sản xuất, nên thu nhập từ trồng màu mang lại khá cao. Với chu kỳ sản xuất khoảng 04 vụ màu/năm (trồng luân phiên các loại màu: hành, khổ qua, dưa leo…) và cho thu nhập từ 10 - 15 triệu đồng/vụ. Các sản phẩm màu ở đây còn được Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Ngũ Lạc thu mua.
Để có thu nhập ổn định trong trồng màu, nông dân tham gia vào các chị, tổ hội nghề nghiệp; thông qua đó, người sản xuất sẽ tham gia liên kết hoặc sản xuất theo yêu cầu của từng mùa vụ với các đầu mối thu mua nông sản.
Ông Lâm Thành Cảnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Ngũ Lạc, xã Ngũ Lạc, huyện Duyên Hải cho biết: năm 2022, đơn vị đã thu mua nông sản (màu các loại) của nông dân trên địa bàn xã đạt khoảng 04 tấn/ngày và diện tích được đơn vị thu mua chiếm khoảng 30%; ngoài ra, đơn vị còn liên kết, thu mua ở các xã xung quanh. Nhờ thực hiện mua “tận rẫy, bán tận nơi” nên người trồng màu có thêm giá trị giá tăng luôn cao hơn so với các thương lái từ 20 - 25%. Riêng năm 2023, đơn vị có liên kết và mở rộng thêm sản phẩm đậu bắp xanh Nhật và bao tiêu với nông dân, ngoài các sản phẩm truyền thống như ớt, cà chua, hành…
Để thực hiện tốt việc liên kết và phát triển trồng màu, xã Ngũ Lạc được trên đầu tư các nguồn vốn để hỗ trợ nông dân xây dựng các mô hình trồng màu khép kín (nhà lưới) gắn với tưới tiết kiệm nước, hiện toàn xã có 15 nhà lưới và 62 tổ hội nghề nghiệp, với 1.746 thành viên; 02 chi hội nghề nghiệp, với 69 thành viên; 21 tổ hợp tác, với 310 thành viên và 03 hợp tác xã hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp, với 182 thành viên.
Đối với Long Vĩnh là xã vùng ven biển, để phát huy và tận dụng hiệu quả các điều kiện tại địa phương trong phát triển sản xuất. Địa phương đã tập trung phát triển và xây dựng được 12 mô hình kinh tế tập thể, tổ hợp tác như: mô hình nuôi bò sinh sản ở ấp Cái Cối, mô hình nuôi dê sinh sản ấp Xóm Chùa, mô hình trồng màu và nuôi vọp ấp Kinh Đào, mô hình nuôi tôm sú quảng canh kết hợp trồng rừng ấp La Ghi, mô hình nuôi tôm càng xanh kết hợp trồng lúa ấp Xẻo Bọng, mô hình nuôi cá tra bần ấp Giồng Bàn…
Nhiều tấm gương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi ở Long Vĩnh có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm qua thực hiện các mô hình sản xuất màu + thủy sản; như nông dân Thạch Thương (ấp Xóm Chùa), Ngô Thanh Phong (ấp La Ghi), Sơn Thanh Quyên (ấp Cái Cối). Để tác động trong phong trào sản xuất của nông dân, qua đó, Hội Nông dân xã Long Vĩnh đã hỗ trợ từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh, huyện để xây dựng 01 mô hình trồng trọt và 02 mô hình chăn nuôi, với số tiền 1,1 tỷ đồng.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ