Nông dân Ia Pa thu nhập khá nhờ liên kết trồng bắp sinh khối

Để khắc phục tình trạng thiếu nguồn nước tưới cho cây trồng, chính quyền và người dân xã Ia Kdăm (huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) đã chủ động liên kết với doanh nghiệp chuyển đổi diện tích lúa nước kém hiệu quả sang trồng bắp sinh khối nhằm nâng cao giá trị kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích.

Theo anh Rmah Yư-Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Ia Kdăm, những năm gần đây, sông Ba thay đổi dòng chảy nên trạm bơm của HTX thường xuyên trong tình trạng thiếu nước. Thêm vào đó, đặc điểm thổ nhưỡng tại địa phương không giữ nước lâu nên việc canh tác cây trồng truyền thống như lúa gặp nhiều khó khăn. Sau khi thử nghiệm thành công trong 2 vụ liên tiếp, đầu năm 2022, anh Yư đại diện HTX ký hợp đồng liên kết với Công ty TNHH một thành viên Phương Thanh Gia Lai triển khai mô hình bắp sinh khối trên diện tích 5 ha với 10 hộ tham gia.

Theo hợp đồng, người dân được ứng trước 100% giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Sau khi thu mua, Công ty sẽ khấu trừ lại không tính lãi giúp bà con yên tâm sản xuất, tránh được nạn “tín dụng đen”. Để quá trình thu mua đảm bảo, các thành viên HTX thống nhất phân chia thời gian xuống giống cách nhau 5-7 ngày. Với thời gian sinh trưởng khoảng 80-85 ngày, mỗi năm có thể trồng được 4 vụ bắp. Với năng suất 5 tấn/sào, giá bán 1.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, người dân lãi 2,5-3 triệu đồng/sào. Công ty thu mua ngay tại ruộng nên người dân không còn nỗi lo bị thương lái ép giá.

Giám đốc HTX Nông nghiệp Ia Kdăm Rmah Yư (bìa trái) trao đổi kinh nghiệm trồng bắp sinh khối với người dân. Ảnh: Vũ Chi

Giám đốc HTX Nông nghiệp Ia Kdăm Rmah Yư (bìa trái) trao đổi kinh nghiệm trồng bắp sinh khối với người dân. Ảnh: Vũ Chi

Anh Yư cho hay, sau khi thấy hiệu quả từ cây bắp sinh khối, nhiều người dân đã tự nguyện tham gia mô hình với tổng diện tích khoảng 30 ha. Vụ Đông Xuân năm 2022-2023, HTX dự kiến mở rộng thêm 10 ha, giá thu mua cũng cao hơn so với vụ mùa, khoảng 1.100-1.200 đồng/kg. “Liên kết sản xuất là hướng đi mới nhằm phát triển sản xuất một cách bền vững. Hiện nhu cầu thu mua của Công ty là rất lớn nên HTX sẽ tích cực vận động người dân chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng bắp sinh khối nhằm hướng đến xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, tạo liên kết bền vững với doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương”-Giám đốc HTX Nông nghiệp Ia Kdăm kỳ vọng.

Anh Nay Đik (thôn Ia Kdăm) là một trong những thành viên đầu tiên của HTX tham gia mô hình trồng bắp sinh khối. Hiện gia đình anh đã thu hoạch lứa đầu tiên và đang trồng đợt 2. Anh phấn khởi chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi trồng lúa nhưng do thiếu nước nên năng suất thấp. Khi được anh Yư chia sẻ về hiệu quả của cây bắp sinh khối, tôi đã học tập và làm theo. Vụ đầu tiên trồng 3 sào, gia đình thu gần 13 tấn, lãi 6 triệu đồng. Công ty thu mua tận ruộng nên đỡ vất vả phơi sấy. Vụ Đông Xuân tới, gia đình tôi đăng ký mở rộng diện tích lên 5 sào”.

Theo Chủ tịch UBND xã Trương Minh Khang, Ia Kdăm là xã vùng III, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Vì điều kiện thiếu nước sản xuất nên hầu hết diện tích lúa nước phát triển kém, cho năng suất thấp. Nhiều hộ dân đã cho người ở địa phương khác thuê đất để trồng dưa. Tuy nhiên, cách làm đó khiến lượng thuốc bảo vệ thực vật còn lại trong đất lớn, đất bị thoái hóa nên rất khó tái sản xuất. “Việc chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng bắp sinh khối đang mở ra hướng sản xuất mới hiệu quả cho người dân trong xã. Chính quyền địa phương cùng HTX tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn người dân tận dụng đất màu, đất bãi ven sông, đất sản xuất lúa kém hiệu quả để mở rộng diện tích sản xuất bắp sinh khối theo hướng liên kết sản xuất với doanh nghiệp, qua đó góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương”-ông Khang nhấn mạnh.

VŨ CHI

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/8208/202209/nong-dan-ia-pa-thu-nhap-kha-nho-lien-ket-trong-bap-sinh-khoi-5791436/