Nông dân Indonesia và Malaysia gặp khó trước quy định dầu cọ mới của EU
Những quy định nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững yêu cầu người nông dân các quốc gia Đông Nam Á này phải đối mặt với thủ tục hành chính phức tạp và tốn kém.
Nông dân Malaysia và Indonesia đang phản ứng gay gắt đối với lệnh cấm nhập khẩu dầu cọ có nguồn gốc từ nạn phá rừng của Liên minh châu Âu, dự kiến sẽ có hiệu lực vào cuối năm nay.
Dù động thái này được các nhà bảo vệ môi trường ca ngợi là bước tiến quan trọng để làm chậm quá trình biến đổi khí hậu và suy giảm đa dạng sinh học, thủ tục hành chính phức tạp liên quan đến truy xuất nguồn gốc sản phẩm có thể gây ra khó khăn cho những người nông dân vốn đang phụ thuộc vào nghề trồng cọ.
Nhằm mục đích ngăn chặn tình trạng phá rừng, các quy định mới của EU tập trung vào bảy mặt hàng thường là mục tiêu hướng đến của các hoạt động khai thác trái phép, bao gồm: dầu cọ, đậu nành, thịt bò, gỗ, ca cao, cà phê và cao su, cũng như các sản phẩm có nguồn gốc từ chúng.
Dù đây là động thái nhằm hướng đến mục tiêu bền vững, những quy định này sẽ ảnh hưởng đáng kể đến các quốc gia đang phụ thuộc hoàn toàn vào việc sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm có trong danh mục quy định trên.
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, Indonesia là nước sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới, với việc đã sản xuất 47 triệu tấn sản phẩm trong giai đoạn từ năm 2023 đến tháng 8/2024. Các tỉnh Tây Kalimantan, Trung Kalimantan và Đông Kalimantan cũng như các tỉnh Riau và Bắc Sumatra là những vùng có diện tích dầu cọ đứng đầu cả nước.
Đứng thứ hai là Malaysia. Hai quốc gia Đông Nam Á này chiếm khoảng 85% lượng dầu cọ xuất khẩu của thế giới. Dầu cọ của hai nước này là nguyên liệu được sử dụng phổ biến trong nhiều sản phẩm khác nhau, từ bánh quy, kem đến son môi và dầu gội đầu.
Trong khi đó, EU là khu vực nhập khẩu dầu cọ lớn, chủ yếu sử dụng để sản xuất nhiên liệu sinh học. Quy định về đối phó với phá rừng của khối, được thông qua vào ngày 29/6/2023 và có hiệu lực vào ngày 30/12/2024, yêu cầu các thương nhân phải truy xuất rõ ràng nguồn gốc hàng hóa, bao gồm vị trí chính xác của trang trại trồng sản phẩm. Việc nhập khẩu hàng hóa, bao gồm dầu cọ, cũng bị hạn chế nếu chúng được trồng từ đất liên quan đến nạn phá rừng sau ngày 31/12/2020.
Indonesia và Malaysia đã chỉ trích chính sách của EU khi cho rằng chúng sẽ ảnh hưởng đến những người nông dân của họ.
“Đây là các biện pháp mang tính phân biệt đối xử” - Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho biết khi gặp Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim vào tháng 6/2023. Cả hai nhà lãnh đạo đã cam kết hợp tác để ngăn chặn lệnh hạn chế dầu cọ của EU.
Các quan chức hai nước lo ngại quy định mới của EU sẽ khiến những hộ nông dân nhỏ gặp nhiều thách thức. Indonesia hiện có hơn 2,6 triệu nông dân trồng cọ dầu quy mô nhỏ, theo Bộ Nông nghiệp nước này. Trong khi đó, tại Malaysia, hơn 300.000 nông dân là những hộ nông dân nhỏ - những người sở hữu diện tích dưới 40 ha, theo trang web Dầu cọ bền vững Malaysia (MSPO).
Theo các quan chức, việc xác minh nguồn gốc sản phẩm là vấn đề lớn đối với những hộ gia đình này.
Bộ trưởng Thương mại Indonesia Zulkifli Hasan cho biết những người nông dân nhỏ phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc tuân thủ các quy định mới, chẳng hạn như: việc thiếu kinh phí và hiểu biết về các thủ tục hành chính. Điều này sẽ ảnh hưởng đến việc họ tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Mohamad Hasan nhận định quy định chống phá rừng thúc đẩy các loại dầu thay thế và điều này trái ngược với các nguyên tắc thương mại công bằng.
“Chúng ta phải lên tiếng do quy định này không được thiết lập theo cách thiện chí mà chỉ đơn giản là để hỗ trợ các sản phẩm dầu khác, chẳng hạn như: đậu nành hay hạt cải dầu - những sản phẩm phần lớn được trồng ở EU” - ông nói với các phóng viên tại Jakarta vào tháng 2/2024.
Ông Sabinus Sabin, một người nông dân trồng cọ dầu 68 tuổi ở Sanggau regency, Tây Kalimantan, đã rất ngạc nhiên trước thông tin về luật chống phá rừng của EU.
“Đó là gì vậy. Tôi chưa từng nghe về điều này” - ông nói.
Mối lo lớn nhất của ông là giá dầu cọ giảm nếu EU cắt giảm mạnh việc nhập khẩu dầu và các sản phẩm của dầu cọ.
Trong khi đó, các tổ chức phi chính phủ và doanh nghiệp xã hội lo ngại việc tuân thủ chính sách sẽ làm tăng chi phí sản xuất cũng như khiến nhiều nông dân và nhà cung cấp nhỏ gặp khó khăn.
Chẳng han, theo quy định mới, các trang trại có diện tích hơn 4ha cần cung cấp vị trí địa lý bằng cách sử dụng bản đồ đa giác. Phương pháp này yêu cầu nông dân phải đi bộ xung quanh để lập bản đồ ranh giới đất đai bằng điện thoại thông minh được trang bị các ứng dụng như Google Maps. Đây có thể là một nhiệm vụ khó khăn trong thực tế.