Nông dân Khmer với những mô hình sản xuất hiệu quả
Với sự cần cù, chịu khó áp dụng khoa học - kỹ thuật, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, những nông dân Khmer ở xã Đại An, huyện Trà Cú hàng năm có doanh thu vài trăm triệu đồng từ nuôi bò vỗ béo, trồng màu... Đồng thời, còn hướng dẫn, hỗ trợ giúp nhau trong cộng đồng về kinh nghiệm sản xuất, chăn nuôi để cùng phát triển vươn lên làm giàu.
Thu nhập hơn 500 triệu đồng/năm từ nuôi bò vỗ béo
Với đức tính cần cù và chịu khó học tập, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi… hàng năm, anh Thạch Hoàng Khải, ấp Cây Da, xã Đại An, huyện Trà Cú thu nhập trên 500 triệu đồng/năm từ mô hình nuôi 20 con bò thịt vỗ béo, kết hợp với sử dụng nguồn thức ăn ủ chua từ bã hèm rượu.
Anh Thạch Hoàng Khải chia sẻ: để nuôi bò thịt vỗ béo tăng trọng nhanh, yếu tố con giống là quan trọng. Do đó, khi chọn bò thịt nuôi phải chọn bò giống Zebu lai 01 hoặc 02 dòng máu, đây là giống bò lớn con, thịt nhiều, có khi đạt trọng lượng 01 tấn/con; cùng với đó là trọng lượng bò khi bắt về nuôi vỗ béo, tốt nhất chọn bò thịt từ 350 - 400kg/con; sau thời gian nuôi khoảng 04 tháng sẽ tăng trọng trên 600kg/con.
Có thể nói việc đưa bã hèm rượu vào khẩu phần thức ăn cho vỗ béo bò thịt sẽ giúp người nuôi hạn chế được các bệnh về đường ruột do sán, giun… gây ra, giảm chi phí thuốc thú y; đồng thời, giúp bò kích thích tốt hệ tiêu hóa và thúc đẩy hóa trình phân hủy thức ăn thô từ rơm; giảm vệc sử dụng lượng lớn cỏ tươi. Từ hiệu quả của mô hình nuôi bò thịt vỗ béo, anh Thạch Hoàng Khải còn hỗ trợ cho các hộ có nhu cầu nuôi bò về kỹ thuật, kinh nghiệm sử dụng hèm rượu ủ chua trong chế độ ăn cho bò.
Cũng theo anh Thạch Hoàng Khải, trung bình chi phí nguồn bã hèm rượu khoảng 3,5 triệu đồng/tháng/20 con bò thịt cùng với chi phí thức ăn viên, cháo khoảng 20 triệu đồng/tháng/20 con bò thịt. Sau 04 tháng nuôi, đạt tăng trọng thấp nhất là 250kg/con, cao nhất là 300kg/con; với giá bán bò hơi hiện nay 75.000 - 80.000 đồng/kg, trừ chi phí sẽ cho thu nhập trên 350 triệu đồng/chu kỳ nuôi 04 tháng.
Người đưa cây môn sáp “bám rễ” trên vùng đất Giồng Lớn A
Trong lĩnh vực phát triển cây màu trên đất giồng cát, nông dân Thạch Rông, ấp Giồng Lớn A, xã Đại An có trên 30 năm kinh nghiệm trồng môn sáp và là người đầu tiên đưa cây môn sáp về “bám rễ” trên vùng đất này.
Nông dân Thạch Rông cho biết: môn sáp là cây trồng xóa nghèo của nhiều hộ gia đình ở ấp Giồng Lớn A. Lúc cao điểm, có trên 100 hộ tham gia trồng môn/30ha, giải quyết việc làm cho hàng chục lao động tại địa phương, qua các công việc như nhổ môn, phân loại và vệ sinh củ môn trước khi cân cho thương lái.
Gia đình anh Thạch Rông có hơn 0,4ha diện tích đất triền giồng, được anh khai thác đưa vào trồng cây môn từ những năm 1990. Với hình thức trồng xen canh 01 vụ môn + 01 vụ lúa. Hiện nay, với giá môn dao động từ 15.000 - 20.000 đồng/kg và năng suất trung bình đạt từ 12 - 13 tấn/ha; mỗi vụ môn cho thu nhập trên 150 triệu đồng/ha.
Cũng theo chia sẻ kinh nghiệm của nông dân Thạch Rông, cây môn sáp trồng rất thích hợp ở vùng đất triền giồng, đất thịt pha cát. Vụ môn chính vụ từ tháng Giêng kéo dài đến tháng 4, tháng 5 và sau thời gian khoảng 04 tháng trồng, môn cho thu hoạch. Cây môn rất cần nước, nhưng lại rất dễ bị úng củ, nên ruộng trồng môn phải có rãnh và thoát nước tốt khi mưa. Tôi thường xuyên hỗ trợ, giúp đỡ các hộ trong và ngoài ấp về kinh nghiệm trồng môn sáp; cũng như xử lý các bệnh trên cây môn thường gặp khi vào mùa mưa.
Được biết, hiện nay, xã Đại An đang tập trung triển khai phát triển và mở rộng vùng trồng môn sáp (ấp Giồng Lớn A, Giồng Đình) gắn với xây dựng mã vùng trồng để đưa củ môn sáp xuất khẩu sang Trung Quốc. Về kết cấu hạ tầng phục vụ vùng trồng môn, huyện đã được đầu tư hạ thế điện và đóng giếng khoan để đảm bảo cung cấp nguồn nước trong sản xuất của người dân.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ