Nông dân Kim Thành thu lãi cao từ củ đậu
Mặc dù sản lượng củ đậu vụ đông năm 2021-2022 không tăng hơn vụ đông trước, song giá lại cao hơn nên người dân trồng củ đậu ở Kim Thành rất phấn khởi.
Được giá
Gia đình ông Trần Văn Quảng ở thôn Viên Chử (xã Kim Tân) trồng gần 4 sào củ đậu. Lúc thu hoạch, củ đậu căng mọng, vị ngọt đậm. Hiện giá mỗi cân củ đậu bán tại ruộng khoảng 7.000 đồng, cao hơn vụ đông trước khoảng 2.000 đồng. Với mức giá này, gia đình ông Quảng thu lãi khoảng 11 triệu đồng/sào. "Vụ đông năm trước, thời điểm thu hoạch củ đậu, dịch Covid-19 tái bùng phát ở một số địa phương, nhiều nơi bị phong tỏa, giãn cách xã hội nên tiêu thụ gặp khó khăn. Hiện nay việc đi lại thuận lợi nên củ đậu tiêu thụ khá dễ dàng. Toàn bộ diện tích củ đậu của gia đình tôi đều được thương lái đặt mua tại ruộng từ trước", ông Quảng nói.
Bà Nguyễn Thị Huyền ở thôn Minh Tiến (xã Đồng Cẩm) cho biết những năm trước, năm nào gia đình bà cũng để 50% diện tích củ đậu bán Tết. Nhưng Tết năm ngoái do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thương lái không đến thu mua được, gần 3 sào củ đậu của gia đình phải nhổ bỏ làm phân bón, thiệt hại gần 20 triệu đồng. Vụ đông này, gia đình bà trồng 6 sào củ đậu. Đầu tháng 12.2021, một số thương lái đã đến đặt mua tại ruộng. Hiện gia đình bà đã bán được 3 sào, năng suất khoảng 3 tấn/sào, gia đình thu lãi 12 triệu đồng/sào. "Dù dịch Covid-19 vẫn phức tạp nhưng việc buôn bán, thu mua nông sản của bà con thuận lợi nên củ đậu được giá, bà con rất phấn khởi", bà Huyền cho biết.
Sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP
Vụ đông năm 2021-2022, huyện Kim Thành có hơn 500 ha củ đậu, chiếm trên 30% diện tích cây vụ đông của huyện, tập trung tại các xã khu C như Đồng Cẩm, Kim Tân, Bình Dân, Kim Đính... Thời gian qua người dân trong huyện đã áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Ông Lê Văn Tăng, Chủ tịch UBND xã Kim Tân cho biết vụ đông năm 2021-2022 xã có trên 100 ha cây củ đậu. Đây cũng là cây trồng được địa phương chọn là cây chủ lực phát triển kinh tế. Bên cạnh trồng củ đậu theo phương pháp truyền thống, 2 năm nay nhiều bà con trong xã đã áp dụng mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Quá trình triển khai trồng, chăm sóc bà con đều nghiêm túc thực hiện theo hướng dẫn của HTX nông nghiệp. Do đó năng suất, chất lượng củ đậu nâng lên rõ rệt, được thị trường đón nhận.
Theo ông Trần Văn Lượng, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Hưng Tiến (xã Kim Tân), vụ đông năm 2021-2022 HTX trồng 7 ha củ đậu theo tiêu chuẩn VietGAP. Năng suất củ đậu trồng theo hướng VietGAP đạt từ 3 - 3,2 tấn/sào, cao hơn trồng theo phương pháp truyền thống khoảng 2 tạ/sào, mẫu mã, chất lượng đồng đều hơn nên giá bán cao hơn khoảng 1.000 đồng/kg, bà con rất phấn khởi.
Vụ đông năm 2021-2022, xã Đồng Cẩm cũng có gần 10 ha củ đậu canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP. Toàn bộ diện tích này đều đã được HTX Dịch vụ nông nghiệp Đồng Gia kết nối bao tiêu sản phẩm từ sớm. Ông Nguyễn Đăng Bậc, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp Đồng Gia cho biết ngoài diện tích củ đậu trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, các diện tích còn lại của người dân cũng được HTX khuyến khích ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong chăm sóc để giảm tỷ lệ sử dụng phân bón hóa học và tăng sử dụng phân chuồng hoai mục hoặc phân hữu cơ vi sinh khác... Vì vậy, dù thời tiết có thời điểm không thuận lợi nhưng do áp dụng tốt các kỹ thuật chăm sóc nên sản lượng và mẫu mã củ đậu vẫn tương đương so với những vụ trước. Thời điểm này củ đậu lại được giá nên nhiều gia đình có diện tích lớn đã thu lãi hàng chục triệu đồng, cá biệt có gia đình thu lãi gần 100 triệu đồng.
Hiện bà con trồng củ đậu ở Kim Thành đã thu hoạch được trên 60% diện tích. Những ngày gần đây khi nông sản các tỉnh phía Nam đang ùn ứ tại một số cửa khẩu Trung Quốc, người trồng củ đậu Kim Thành cũng giảm bớt lượng thu hoạch để tránh bị ép giá và để dành phục vụ thị trường dịp Tết. “Củ đậu trồng trong thời gian từ 60 - 75 ngày sẽ cho thu hoạch. Thời gian thu hoạch kéo dài khoảng 30 - 40 ngày nên bà con không lo quá lứa”, ông Lê Văn Tăng, Chủ tịch UBND xã Kim Tân cho biết thêm.