Nông dân Krông Pa thi đua sản xuất giỏi, giúp nhau làm kinh tế
Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững được triển khai tại huyện Krông Pa đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, giúp nhiều hội viên nông dân đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu bền vững.
Theo đó, giai đoạn 2022-2024, Hội Nông dân huyện đã kết nạp thêm được 1.733 hội viên, nâng tổng số hội viên toàn huyện lên 9.960 hội viên. Trong giai đoạn này, toàn huyện có 2.983 hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, (tăng 583 hộ so với giai đoạn 2020-2022). Trong đó, gần 3.000 hộ có thu nhập từ 100-500 triệu đồng; 17 hộ thu nhập từ 500 triệu triệu đồng đến 1 tỷ đồng và 5 hộ hội viên thu nhập trên 1 tỷ đồng. Đây là những tấm gương luôn đi đầu trong phong trào thi đua sản xuất giỏi, với ý chí quyết tâm làm giàu, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Chị Vũ Thị Nhung-tổ 9 (thị trấn Phú Túc) cho hay: Trước đây gia đình chị trồng mì, dưa lấy hạt, bạch đàn nhưng do không có nước tưới nên hiệu quả không cao. Từ khi Công ty cổ phần Nông nghiệp AgriS Gia Lai (Agris Gia Lai) mở rộng vùng nguyên liệu mía ở Krông Pa và hệ thống kênh mương thủy lợi Ia Mlah, gia đình chị đã mạnh dạn đăng ký trồng 5 ha mía. Thấy hiệu quả gia đình chị đã mua thêm đất và thuê đất để trồng mía. Đến nay, diện tích mía của gia đình chị đã lên đến 29 ha.
“Khi trồng mía, tôi đã đầu tư thêm máy móc để cày đất, xuống giống, phun thuốc, nâng mía lên xe sau thu hoạch. Ngoài ra, tôi còn đầu tư thêm hệ thống tưới tiết kiệm giúp cây mía phát triển tốt, không lo thời tiết nắng hạn. Bình quân mía của gia đình đạt năng suất 100 tấn/ha. Như vậy, sau khi trừ hết chi phí đầu tư gia đình còn thu lợi nhuận khoảng 1,5 tỷ đồng”-chị Nhung nhẩm tính.
Còn gia đình ông Nguyễn Văn Thuấn-thôn An Bình (xã Uar) cũng thu lợi nhuận hơn 1,3 tỷ đồng nhờ trồng mì, điều. Ông Thuấn-cho biết: gia đình có 30 ha đất chủ yếu trồng mì và điều. Trước đây, ông thường trồng giống mì KM140 nhưng giống này bị khảm lá vi rút nhiều nên năng suất bình quân chỉ đạt 25-27 tấn/ha. Sau đó, ông mạnh dạn chuyển đổi giống mì HN5 giúp kháng bệnh khảm lá nên năng suất đạt khoảng 40 tấn/ha.
“Để sản xuất hiệu quả, cần phải thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang phát triển kinh tế nông nghiệp. Đồng thời, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ mới, cơ giới hóa vào sản xuất nhằm giảm chi phí đầu tư, nhân công lao động. Trong 2 năm (2022 và 2023), với 30 ha đất sản xuất trồng mì, 1 máy cày, 1 xe tải chuyên phục vụ cho việc sản xuất giúp gia đình tôi có tổng doanh thu 1,8 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí đầu tư gia đình còn lợi nhuận 1,3 tỷ đồng”-ông Thuấn chia sẻ.
Qua phong trào “nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, nhiều hội viên nông dân đã phát huy tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển. Theo đó, các hộ sản xuất giỏi đã giúp 1.117 lượt hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn về vốn, cây-con giống, vật tư nông nghiệp, tiêu thụ sản phẩm... với tổng số vốn đầu tư trên 190 triệu đồng/năm. Đồng thời, tạo việc làm tại chỗ cho hơn 1.400 lao động với thu nhập bình quân từ 4-5 triệu đồng/tháng.
Bà Rơ Ô H’Nga-buôn Ekia (xã Ia Rsai) cho hay: "Gia đình tôi có 12 ha đất để trồng mì, điều, lúa rẫy và trồng cỏ; 2 chiếc máy cày, 1 xe tải và 40 con bò, 20 con trâu. Để giúp đỡ những hội viên khó khăn, gia đình tôi tạo việc làm cho hơn 50 lao động trong thời điểm thu hoạch vụ mùa. Đồng thời, hướng dẫn, giúp đỡ về vốn, kỹ thuật cho 11 hộ bằng hình thức cho mượn tiền không tính lãi, cho nuôi bò rẽ, cày cày đất thuê nhưng cho nợ lại đến khi thu hoạch vụ mới trả…”.
Bên cạnh đó, Hội nông dân huyện đã tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, nhân dân tham gia ủng hộ Quỹ hỗ trợ nông dân được hơn 1,6 tỷ đồng, cho 64 hộ vay hơn 1,3 tỷ đồng để thực hiện 8 dự án. Ngoài ra, Hội cũng phối hợp cùng các ngân hàng hợp đồng ủy thác cho 4.721 lượt hộ hội viên, nông dân vay vốn phát triển sản xuất với tổng dư nợ 381 tỷ đồng. Phối hợp với Phòng Lao động-Thương binh và xã hội, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên mở 24 lớp cho 760 lượt hội viên, giải quyết việc làm hơn 310 lao động nông thôn... Thành lập được 33 Tổ hội nông dân nghề nghiệp, 3 Chi hội nghề nghiệp, phối hợp thành lập được 2 hợp tác xã, 1 nông hội, nâng tổng số toàn huyện lên được 65 tổ hội, 5 chi hội nghề nghiệp, 10 hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ, 5 tổ hợp tác và 6 nông hội.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Đình Nhung-Chủ tịch Hội Nông dân huyện-cho biết: Trong giai đoạn này, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi tiếp tục phát triển cả chiều rộng và chiều sâu, có sức lan tỏa rộng rãi. Từ đó, lôi cuốn hàng ngàn hộ nông dân phát huy tinh thần lao động cần cù, sáng tạo; dám nghĩ, dám làm, góp phần chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, cơ cấu ngành nghề ở nông thôn. Ngoài ra, thúc đẩy phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ và các mô hình liên kết, hợp tác trong sản xuất, tiêu thụ nông sản...
“Để phong trào Hội ngày càng phát triển, đòi hỏi Hội nông dân các cấp cần tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả các phong trào và đẩy mạnh hình thành các mô hình liên kết chuỗi sản xuất lớn, bền vững. Tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm, đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường, đủ sức cạnh tranh, đa dạng sản phẩm cung ứng cho thị trường trong nước và quốc tế”-Chủ tịch Hội Nông dân huyện Krông Pa thông tin thêm.