Nông dân là chủ thể phát triển

Làm việc với Bộ NN&PTNT về thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách trong thời gian tới để nông nghiệp, nông thôn xứng đáng với vai trò 'bệ đỡ' của nền kinh tế, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Phải xác định trụ cột chính của ngành là nông nghiệp, nông thôn và nông dân, các trụ cột này sẽ góp phần tiếp tục ổn định chính trị, thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Thủ tướng khẳng định: 'Người nông dân phải là chủ thể, là trung tâm. Mọi hoạt động của các đồng chí phải xoay quanh người nông dân…'; đồng thời yêu cầu: 'Nghĩ phải thật, nói phải thật, làm phải thật, hiệu quả thật, người nông dân được hưởng thụ thật...'.

Ngày 11-4-1946, trong thư gửi điền chủ nông gia Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh”. Hiện thực hóa lời chỉ dẫn của Bác, trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo: Phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn phải lấy nguồn lực bên trong là cơ bản, là chiến lược, là lâu dài, là quyết định; nguồn lực bên ngoài là quan trọng và đột phá. Nguồn lực bên trong bao gồm tài nguyên con người, truyền thống lịch sử văn hóa, tài nguyên đất đai, nước, không khí. “Yếu tố con người quyết định tất cả. Do đó, người nông dân đóng vai trò trung tâm là như thế...”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Trong quá trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, đất nước cần nhiều hơn những tập đoàn, doanh nghiệp lớn, nhưng sau nhiều năm “trải thảm” đón nhà đầu tư đã cho thấy một thực tế, số lượng doanh nghiệp không thể phủ kín bức tranh toàn cảnh nông nghiệp nước nhà. Với Việt Nam, nền tảng phát triển kinh tế nông thôn vẫn là người nông dân - những người vừa sản xuất nông nghiệp, vừa tham gia vào các loại hình kinh tế tập thể như hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ...

Kinh tế nông thôn trong xu hướng phát triển hiện tại là tập hợp những mô hình kinh tế liên kết (hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp...). Đây chính là hệ sinh thái tạo nền tảng cho các doanh nghiệp lớn đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Mặt khác, kinh tế nông thôn cũng là điểm tựa cho sự hợp tác phát triển từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Và quan trọng hơn khi liên kết với doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất - tiêu thụ sản phẩm, người nông dân sẽ thay đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Đây là nền tảng vô cùng quan trọng!

“Lót ổ để đón đại bàng” là cần thiết nhưng đã đến lúc cần nhìn nhận một cách toàn diện hơn. Thực tế cho thấy, có không ít mô hình đã mang lại hiệu quả hết sức tích cực trong đời sống kinh tế - xã hội nông thôn nhưng chúng ta chưa quan tâm đúng mức như doanh nghiệp làng nghề, doanh nghiệp khởi nghiệp lĩnh vực nông nghiệp... Đặc biệt, mô hình hợp tác xã đã liên kết những người nông dân, tạo thành sức mạnh của số đông để đương đầu với rủi ro, thách thức từ thiên tai, dịch bệnh, thị trường. “Chim sẻ nhỏ nhưng số lượng lớn, cộng lại sẽ như con đại bàng”, nhiều nước phát triển đã thúc đẩy mô hình này và gặt hái không ít thành công.

Ở điểm nhìn khác, trong công cuộc xây dựng nông thôn mới trên phạm vi cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng, vai trò chủ thể của người dân đã được thể hiện một cách sinh động, mang lại cho chúng ta nhiều bài học lớn. Nơi nào chính quyền địa phương quán triệt, thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát, dân thụ hưởng”, thì phong trào phát triển mạnh. Người dân tự nguyện hiến đất, góp tiền, góp sức… “biến cái không thể thành có thể”, hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao. Ngược lại, khi chính quyền xa dân, thiếu dân chủ, thậm chí có biểu hiện tiêu cực thì dẫn đến hiện tượng trì trệ, kém phát triển. Không có sự chung tay góp sức của cộng đồng dân cư, nhiều đề án, công trình rơi vào tình trạng dang dở, vừa lãng phí tiền của, vừa để lại nhiều hệ lụy xã hội.

“Người nông dân đóng vai trò trung tâm” là như vậy! Nói cách khác, người dân nông thôn chính là chủ thể, là nhân tố quyết định của tiến trình phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Trong bối cảnh phát triển mới của đất nước, chúng ta cần có nhận thức mới để hỗ trợ, đồng hành cùng nông dân. Từ đó tạo động lực, tạo cơ hội cho người nông dân tổ chức sản xuất phù hợp với nhu cầu thị trường và thụ hưởng lợi ích từ giá trị gia tăng của mỗi sản phẩm nông nghiệp. Mặt khác, chính người nông dân cũng cần nhận thức đúng về vai trò quan trọng của mình để vươn lên đáp ứng xu thế mới của nông nghiệp hiện đại.

Từ những vấn đề nêu trên, có thể nhận định: Lấy nông dân làm trung tâm, liên kết phát triển đa ngành, thúc đẩy kinh tế nông thôn theo hướng bền vững vừa là mục tiêu, vừa là nhiệm vụ của ngành Nông nghiệp.

Thế Văn

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/1001159/nong-dan-la-chu-the-phat-trien