Nông dân là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới
Cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, thời gian qua, các cấp hội nông dân trong tỉnh đã phát huy tốt vai trò của mình trong việc tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tích cực tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới, góp phần thay đổi diện mạo các vùng quê.

Nhiều tuyến đường sáng, xanh, sạch đẹp do hội nông dân quản lý đã góp phần tạo diện mạo nông thôn mới khang trang, giúp các địa phương thực hiện đạt tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Ảnh: NGỌC HÂN
Với nhiều cách làm hay, sáng tạo, các cấp hội đã khơi dậy và phát huy vai trò nông dân, lấy nông dân làm lực lượng nòng cốt cùng chung tay xây dựng nông thôn mới (NTM).
Phát huy vai trò chủ thể
Về xã Sơn Thành Tây (huyện Tây Hòa), chúng tôi cảm nhận rõ không khí hân hoan của người dân và chính quyền nơi đây khi xã vừa được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao sau 8 năm triển khai thực hiện.
Theo ông Nguyễn Hữu Tài, Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Thành Tây, xác định rõ vai trò chủ thể của cán bộ, hội viên nông dân trong xây dựng NTM, thời gian qua, hội đã phối hợp chính quyền địa phương tổ chức vận động hội viên và người dân tham gia thực hiện tốt các tiêu chí xây dựng NTM (chỉnh trang khuôn viên nhà ở, góp tiền, ngày công để xây dựng các công trình phúc lợi, trồng cây xanh); đồng thời chủ động mở các lớp tập huấn để nâng cao hiểu biết về trồng trọt, chăn nuôi và ưu tiên nguồn vốn triển khai các mô hình phát triển kinh tế đến với người dân.
“Hiện có nhiều mô hình mang lại hiệu quả cao được người dân duy trì nhân rộng như: mô hình liên kết trồng bắp sinh khối, trồng cây ăn trái và nhiều mô hình chăn nuôi bò, dê… Nhờ đó, thu nhập của người dân trong xã tăng đều theo mỗi năm, hiện đạt hơn 60,8 triệu đồng/người/năm, góp phần giúp địa phương đạt tiêu chí số 10 về thu nhập trong bộ tiêu chí NTM nâng cao”, ông Tài chia sẻ.
Là xã thuần nông, với xuất phát điểm xây dựng NTM rất thấp, nhờ sự đồng thuận của cấp ủy, chính quyền và người dân, trong đó có sự đóng góp của hội viên nông dân, đến nay xã Hòa An (huyện Phú Hòa) đã về đích xã NTM kiểu mẫu.
Bà Lê Thị Phiến, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa An cho biết: Để hội viên nông dân hưởng ứng các hoạt động tại địa phương, góp phần xây dựng, hoàn thành các tiêu chí NTM kiểu mẫu, thời gian qua, hội đã tích cực vận động, tuyên truyền giúp hội viên thấy rõ vai trò, vị trí nòng cốt và trách nhiệm của mình trong xây dựng NTM.
Hội thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức hoạt động để thu hút hội viên tham gia, thúc đẩy phong trào xây dựng NTM được thực hiện hiệu quả. Hiện hội viên nông dân trong xã đã xây dựng được 4 vườn mẫu NTM, 4 sản phẩm OCOP và nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao, công nghệ 4.0 trong sản xuất…
Ông Nguyễn Văn Kim, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đồng Xuân cho hay: Từ chỗ thụ động chờ đợi cơ chế chính sách hỗ trợ của Nhà nước, người nông dân đã dần phát huy được vai trò chủ thể của mình trong xây dựng NTM. Từ việc tuyên truyền, vận động của các cấp hội, hội viên nông dân đã tích cực hiến đất, đóng góp tiền của, ngày công lao động, tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường nông thôn xanh, sạch đẹp… đến nay, toàn huyện có 6/6 xã giữ vững xã đạt chuẩn NTM, 1 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 3 khu dân cư NTM kiểu mẫu và 8 vườn mẫu NTM.
Khẳng định vai trò cầu nối
Để giúp nông dân phát triển sản xuất, tham gia thực hiện xây dựng NTM, các cấp hội nông dân trong tỉnh đã phối hợp liên kết với các ngành chức năng, doanh nghiệp thực hiện kết nối thông tin giá cả vật tư nông nghiệp, hàng hóa nông sản; tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho nông dân khai thác thông tin về thị trường, giá cả, quy trình sản xuất tiên tiến phục vụ sản xuất, kinh doanh, từng bước đưa sản phẩm nông nghiệp lên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội; sử dụng phương thức thanh toán điện tử an toàn tin cậy; tham gia hệ thống cơ sở truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn; hỗ trợ nông dân tham gia trưng bày, giới thiệu và tiêu thụ nông sản và các sản phẩm OCOP…
Được hội nông dân hỗ trợ vốn và vận động tham gia mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ông Nguyễn Thanh Minh ở xã Đức Bình Tây (huyện Sông Hinh) đã mạnh dạn đầu tư cải tạo đất, chọn trồng cây bưởi da xanh và nuôi lươn không bùn để phát triển kinh tế gia đình.
Ông Minh phấn khởi cho biết: “Tôi rất vui vì bưởi da xanh được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao, vui hơn khi mô hình đa giá trị của gia đình đã góp phần giúp địa phương đạt các chỉ tiêu trong tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn để về đích xã NTM nâng cao”.
Bên cạnh đó, các phong trào thi đua do hội phát động được đông đảo hội viên nông dân tham gia như: Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, nông dân tham gia bảo vệ môi trường, nông dân chung tay xây dựng NTM. Kết quả năm 2024, các cấp hội đã huy động nguồn lực của nông dân được trên 5,1 tỉ đồng; 984 ngày công lao động, hiến 14.000m2 đất; hơn 29km đường giao thông và 9,6km kênh mương đã được kiên cố hóa, sửa chữa; 16 cây cầu, cống đã được làm mới, sửa chữa; hỗ trợ cho gia đình hội viên nông dân có hoàn cảnh khó khăn xóa 16 nhà tạm, dột nát; xây dựng gần 150 mô hình bảo vệ môi trường...
Theo Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Phan Xuân Hạnh, phát huy vai trò trong xây dựng NTM, thời gian tới, các cấp hội nông dân trong tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng NTM. Trong đó chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi phương thức sản xuất theo hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển các mô hình liên kết sản xuất.
“Hội sẽ vận động hội viên nông dân quản lý, sử dụng hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng, giữ vững và nâng chất các tiêu chí xây dựng NTM; nâng cao chất lượng các phong trào thi đua yêu nước, nhất là phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, ông Phan Xuân Hạnh khẳng định.
Năm 2024, các cấp hội đã huy động nguồn lực của nông dân được trên 5,1 tỉ đồng; 984 ngày công lao động, hiến 14.000m2 đất; hơn 29,1km đường giao thông và 9,6km kênh mương đã được kiên cố hóa, sửa chữa; 16 cây cầu, cống đã được làm mới, sửa chữa; hỗ trợ cho gia đình hội viên nông dân có hoàn cảnh khó khăn xóa 16 nhà tạm, dột nát; xây dựng gần 150 mô hình bảo vệ môi trường...
Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/82/326261/nong-dan-la-chu-the-trong-xay-dung-nong-thon-moi.html