Nông dân làm giàu, hội hoạt động hiệu quả

Cán bộ, hội viên nông dân tỉnh tham quan vườn ươm tại Trung tâm Ứng dụng và chuyển giao công nghệ (Sở KH-CN). Ảnh: NGỌC HÂN

Thời gian qua, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh tích cực triển khai, phối hợp với các cơ quan chuyên môn đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) trong sản xuất và chế biến nông sản an toàn, qua đó góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho hội viên.

“Hiện nay, việc ứng dụng KHKT trong sản xuất, đời sống được coi là giải pháp then chốt, tạo đột phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả lao động”, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Phan Đại Thắng khẳng định.

Nhiều mô hình hiệu quả

Nhắc đến mô hình trồng rau hữu cơ cho giá trị kinh tế cao ở xã An Mỹ, huyện Tuy An, ai cũng biết nông trại Lâm Viên của gia đình ông Huỳnh Ngọc Trúc. Cũng như bao hộ nông dân khác ở xã, nhiều năm trước gia đình ông Trúc trồng rau màu các loại để mưu sinh, tuy nhiên thu nhập đem lại không cao. Được Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ giống, phân bón và trực tiếp hướng dẫn quy trình ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ, ông Trúc đã bắt tay vào trồng các loại rau như: xà lách, ngò, dền đỏ, mồng tơi, húng quế, dưa leo, ớt hiểm, rau má... trên diện tích 1ha.

“Qua hơn 5 tháng vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, tích lũy kỹ thuật cũng như tìm thị trường đầu ra sản phẩm, đến nay mô hình trồng rau hữu cơ của gia đình tôi đã thu hoạch với sản lượng cao, được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến và tin tưởng sử dụng sản phẩm rau sạch. Ước tính vụ đầu, lợi nhuận được 31,5 triệu đồng; thu hoạch vụ 2 ước đạt khoảng 25 triệu đồng”, ông Trúc phấn khởi nói.

Gia đình anh Ngô Quốc Huy ở xã Sơn Hà, huyện Sơn Hòa đầu tư mô hình trồng mít thái và nuôi heo rừng. Năm 2010, anh Huy cưới vợ và sinh sống ở Đắk Lắk. Ở đây, anh thấy giống mít thái phát triển rất hiệu quả, phù hợp với khí hậu ở quê nhà, nên sau khi đưa vợ con về quê hương lập nghiệp, anh mạnh dạn xây dựng trang trại trồng mít thái kết hợp với nuôi heo rừng lai. Hơn 500 gốc mít của gia đình anh đã trên 2 năm tuổi, đang bắt đầu cho thu hoạch, mỗi trái nặng từ 6-8kg, bán với giá 30.000 đồng/kg. Còn đàn heo rừng lai có khoảng 50 con, với giá thành 80.000 đồng/kg hơi. Từ thu hoạch mô hình này, anh Huy kiếm được 150 triệu đồng/năm. Anh Huy chia sẻ: “Hội Nông dân quan tâm và tạo điều kiện cho tôi vay vốn để mở rộng chăn nuôi, trồng trọt. Nếu không nhờ cán bộ hội hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi heo thì bây giờ tôi cũng chưa chắc có “tay nghề” để phát triển sản xuất như vậy”.

Không chỉ hộ gia đình ông Trúc, anh Huy mà những năm gần đây, việc nông dân ứng dụng KHKT vào sản xuất ngày càng phổ biến. Nhiều hộ đã mạnh dạn vay vốn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng ứng dụng giống mới, công nghệ cao đem lại thu nhập kinh tế cao hơn như: Mô hình nuôi vịt trời của hộ ông Nguyễn Duy Trinh ở huyện Tây Hòa, cho thu nhập 500 triệu đồng/năm; mô hình trồng mía hàng đôi gắn với dịch vụ cơ giới hóa của hộ ông Huỳnh Khắc Vũ ở huyện Phú Hòa, mỗi năm thu nhập trên 1 tỉ đồng...

Nông dân huyện Tuy An ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất rau sạch. Ảnh: NGỌC HÂN

Nông dân huyện Tuy An ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất rau sạch. Ảnh: NGỌC HÂN

Tiếp tục nhân rộng và ứng dụng

Theo Hội Nông dân tỉnh, nhằm giúp hội viên tiếp cận và áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất và chế biến nông sản an toàn, hàng năm, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh xây dựng các văn bản, chương trình, kế hoạch cụ thể triển khai xuống các cấp hội; bám sát cơ sở, nắm bắt nhu cầu của hội viên để có biện pháp hỗ trợ cụ thể theo hướng “cầm tay chỉ việc”.

“Hiện nhiều dự án, mô hình được thực hiện như dự án chế biến thức ăn gia súc bằng phương pháp ủ chua cung cấp cho chăn nuôi bò, mô hình chuỗi liên kết rau an toàn, mô hình nuôi trâu đàn kết hợp dịch vụ, mô hình sản xuất bánh tráng theo dây chuyền công nghiệp… mang lại hiệu quả kinh tế cao”, ông Phan Đại Thắng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết.

Theo ông Lê Văn Lới, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ nông dân và Giáo dục nghề nghiệp (Hội Nông dân tỉnh), việc chuyển giao công nghệ, tiến bộ KHKT được coi là chìa khóa vàng giúp sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả kinh tế cao. Thông qua các mô hình, các lớp dạy nghề, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, nông dân đã từng bước thay đổi tập quán canh tác, giảm chi phí, nhân công lao động, gia tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, các cấp hội còn phối hợp tổ chức tuyên truyền, quảng bá, xây dựng thương hiệu và tiêu thụ nông sản cho nông dân, kết nối với doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Trong thời gian tới, để đẩy mạnh ứng dụng KHKT vào sản xuất nông nghiệp, Hội Nông dân các cấp sẽ tiếp tục tăng cường nguồn lực, hỗ trợ chuyển giao ứng dụng tiến bộ KHKT; khuyến khích, tạo điều kiện gắn kết giữa nông dân và doanh nghiệp, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm; đào tạo, nâng cao trình độ cho cán bộ hội ở cơ sở, góp phần nâng cao hiệu quả chuyển giao, ứng dụng KHKT vào sản xuất nông nghiệp.

Hội Nông dân các cấp đã làm tốt vai trò đồng hành cùng nông dân trong sản xuất nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Thành công lớn nhất của hội là hỗ trợ hội viên nông dân vay vốn phát triển sản xuất và ứng dụng KHKT vào sản xuất. Qua đó góp phần giúp Hội Nông dân triển khai có hiệu quả phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Hiện toàn tỉnh có 62.151 hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp; đặc biệt trong giai đoạn 2015-2020, hội đã giúp 5.254 hộ nông dân thoát nghèo.

Ông Phan Đại Thắng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh

NGỌC HÂN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/79/250511/nong-dan-lam-giau-hoi-hoat-dong-hieu-qua.html