Nông dân Lâu Thượng thay đổi tư duy sản xuất

Nhờ thay đổi nếp nghĩ, cách làm, những năm gần đây, bà con nông dân xã Lâu Thượng (Võ Nhai) đã mạnh dạn thâm canh tăng vụ, chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Qua đó góp phần nâng cao giá trị kinh tế trong trồng trọt, chăn nuôi, là cơ sở hình thành vùng sản xuất tập trung, liên kết tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị...

Mô hình liên kết trồng dưa bao tử mang lại thu nhập từ 100-120 triệu đồng/sào/vụ đang là hướng đi mới của nhiều nông dân xã Lâu Thượng.

Mô hình liên kết trồng dưa bao tử mang lại thu nhập từ 100-120 triệu đồng/sào/vụ đang là hướng đi mới của nhiều nông dân xã Lâu Thượng.

Ở Lâu Thượng những ngày này, bên cạnh những thửa ruộng trơ gốc rạ là nhiều bãi trồng rau, dưa chuột bao tử được bà con lên luống, làm giàn cẩn thận. Có những ruộng dưa đã cho thu hoạch...

Anh Vi Văn Quý, ở xóm Là Dương, cho biết: Gia đình tôi có trên 1 mẫu ruộng, trước đây chỉ cấy 2 vụ lúa, còn vụ đông bỏ không. Từ năm 2023, qua tìm hiểu tại một số địa phương, tôi biết đến mô hình liên kết trồng dưa chuột bao tử vụ đông giữa doanh nghiệp và người dân. Tôi đã liên hệ và đề xuất với HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ tổng hợp ogrannic Xương Lâm (Bắc Giang) để đưa cây dưa chuột bao tử về trồng thử nghiệm.

Theo anh Quý, dưa chuột bao tử là loại cây ngắn ngày (tổng thời gian trồng, thu hoạch khoảng 3 tháng), dễ trồng, chăm sóc, ít bị sâu bệnh, điều kiện để trồng là nguồn nước bảo đảm; thời gian được thu hái từ ngày thứ 35 cho đến hết vụ, năng suất trung bình đạt 1,3 tấn quả/sào, trừ chi phí còn được thu về gần 12 triệu đồng/sào.

Đặc biệt là khi tham gia mô hình liên kết sản xuất, bà con nông dân được hỗ trợ giống, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc và bao tiêu sản phẩm.

Nhận thấy mô hình này đạt hiệu quả cao, vụ đông năm nay, anh Quý đã mượn ruộng của các hộ trong vùng để mở rộng diện tích trồng dưa chuột bao tử lên 6 mẫu, đồng thời vận động bà con cùng tham gia.

Hiện nay, mô hình đang được hơn 20 hộ dân ở 3 xóm (Làng Hang, Là Dương và Trúc Mai) triển khai với tổng diện tích trên 4ha. Các hộ cũng đang có kế hoạch trồng loại cây này quanh năm để nâng cao hiệu quả kinh tế.

Còn tại các xóm nằm dọc theo chân núi, như La Hóa, La Mạ, tận dụng mạch nước ngầm và nước suối, người dân tập trung nuôi thả cá, trồng cây ăn quả kết hợp với nuôi gà, nuôi ong lấy mật.

Riêng về nuôi thả cá, năm 2023, từ nguồn vốn 900 triệu đồng được vay của Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh, các hộ ở đây đã liên kết thành lập Tổ hợp tác nuôi cá nước ngọt thương phẩm gồm 15 thành viên. Qua đó góp phần thúc đẩy việc nuôi cá theo hướng hàng hóa, chuyển từ nuôi nhỏ lẻ, manh mún sang nuôi có quy hoạch, khoa học, tạo vùng nuôi cá có quy mô lớn hơn ở địa phương.

Tận dụng mạch nước ngầm tự nhiên, gia đình ông Chu Phan Đà (ở xóm La Hóa, xã Lâu Thượng, Võ Nhai) nuôi cá thương phẩm mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Tận dụng mạch nước ngầm tự nhiên, gia đình ông Chu Phan Đà (ở xóm La Hóa, xã Lâu Thượng, Võ Nhai) nuôi cá thương phẩm mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Chu Phan Đà, Tổ trưởng Tổ hợp tác nuôi cá nước ngọt thương phẩm, chia sẻ: Tham gia Tổ hợp tác, chúng tôi có cơ hội được tiếp cận với những kiến thức mới về kỹ thuật, kinh tế, thị trường thông qua các buổi tập huấn và sinh hoạt tổ, nhóm, được hỗ trợ bộ máy bơm đặt chìm dưới nước để phun sương, tạo ô xi cho mặt nước và bơm nước thải. Gia đình tôi nuôi 1 vụ cá/năm nên bảo đảm chất lượng, dễ bán và được giá so với nơi khác, mỗi năm thu được 3 tấn cá thịt, với giá bán trung bình 40.000 đồng/kg.

Khác với trước là “mạnh ai nấy làm”, giờ đây người dân xã Lâu Thượng đã thay đổi tư duy sản xuất, chú trọng liên kết cùng nhau phát triển, xây dựng thương hiệu sản phẩm đối với các loại nông sản thế mạnh, đặc trưng trong vùng.

HTX nông nghiệp Trâu Vàng ở xóm Làng Hang do Hội Nông dân xã vận động và hỗ trợ thành lập là một minh chứng. Hiện nay, HTX có 14 thành viên, tham gia hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi, sản xuất bánh kẹo. Các sản phẩm được HTX sơ chế và đóng gói theo quy trình khép kín, với mẫu mã bao bì sản phẩm được thiết kế độc đáo, hình thức đẹp.

Riêng sản phẩm mật ong, mỗi năm HTX xuất bán ra thị trường hàng trăm lít, giá bán từ 160-180.000 đồng/lít. Năm 2023, sản phẩm mật ong mè của HTX được chứng nhận OCOP 3 sao.

Theo ông Trần Xuân Phương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lâu Thượng, không chỉ cần cù, chịu khó, bà con nông dân trong xã luôn chủ động tiếp cận với những mô hình hay, cách làm mới, hiệu quả trong trồng trọt, chăn nuôi. Dựa trên nhu cầu, nguyện vọng của các hội viên, hàng năm, Hội Nông dân xã phối hợp với Hội cấp trên và nhiều cơ quan, doanh nghiệp tổ chức tập huấn kiến thức, hỗ trợ bà con tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển kinh tế; tuyên truyền, định hướng sản xuất theo hướng tập trung, an toàn, bền vững, bảo đảm vệ sinh môi trường…

Từ việc tham gia các lớp tập huấn, mô hình thử nghiệm, người dân xã Lâu Thượng đã từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong trồng trọt, chăn nuôi, như: Sử dụng phân bón vi sinh hữu cơ thay cho phân vô cơ; phát triển sản xuất gắn với bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi…

Năm 2024, xã có 375 hộ đăng ký sản xuất, kinh doanh giỏi, qua bình xét có 75 hộ đạt danh hiệu này các cấp, với mức thu nhập từ 200-400 triệu đồng/năm.

Lưu Phượng

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202411/nong-dan-lau-thuong-thay-doi-tu-duy-san-xuat-6f10ba4/