Nông dân miền Tây bội thu vụ tôm trên đất lúa
Hiện nay đang là thời điểm nông dân một số tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long vào vụ thu hoạch tôm càng xanh. Dù giá tôm có giảm so với cùng kỳ, nhưng nhiều nông dân vẫn vui vì năm nay được mùa lúa, trúng mùa tôm, cái Tết nhờ đó sẽ đủ đầy hơn…
Rộn rã tiếng cười ngày thu hoạch
Những ngày này, đến huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau, dễ dàng gặp cảnh người nông dân nhộn nhịp thu hoạch tôm càng xanh. Sau nhiều năm chuyển đổi, với tổng diện tích hơn 14.000ha, huyện Thới Bình được xem là “thủ phủ tôm càng xanh” của Cà Mau. Giờ con tôm càng xanh không chỉ chứng minh giá trị kinh tế mà còn là cầu nối gắn kết tình làng, nghĩa xóm ở mảnh đất vùng sâu, vùng xa này.
Để thu hoạch tôm càng xanh bà con phải ra đồng từ sáng sớm, tranh thủ bắt tôm để kịp bán cho thương lái và các vựa chuyển đi tiêu thụ. Nhà này thu hoạch xong thì lại hỗ trợ nhà khác. Tiếng cười nói rộn rã cả một vùng.
Anh Lâm Văn Ẩn (ngụ ấp Tân Bằng, xã Tân Bằng, huyện Thới Bình) cho biết, so với năm trước, giá tôm càng xanh có giảm đôi chút, nhưng trong tình hình dịch bệnh như hiện nay giá như vậy là ổn. Hiện thương lái thu mua tôm càng xanh loại 30 con/kg với giá từ 80.000 - 90.000 đồng/kg. Gia đình tôi vừa thu hoạch được khoảng 500kg tôm càng xanh, tính sơ sơ cũng được khoảng 40 triệu đồng, trừ chi phí thì Tết nay cũng đủ trang trải cho cả gia đình.
Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Hoàng Lâm - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thới Bình cho biết: Vụ mùa 2022-2023 huyện có trên 14.000ha đất lúa được bà con kết hợp thả nuôi tôm càng xanh. Thị trường của tôm càng xanh chủ yếu là TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ… nên khá ổn định.
Tại Bạc Liêu, nông dân một số vùng chuyên canh tôm, tôm - lúa kết hợp ở các huyện Hồng Dân, Phước Long cũng đang rộn ràng thu hoạch tôm càng xanh để đón Tết. Chúng tôi có mặt tại xã Phước Long, huyện Phước Long khi nông dân đang tất bật thu hoạch tôm càng xanh, nhiều nông dân cho biết hiện tôm càng xanh đang có năng suất khá cao, giá bán lại ổn định, trừ các khoản chi phí, bà con còn thu lợi nhuận hàng chục triệu đồng/ha.
Anh Mai Thanh Tuấn - xã Phước Long, thị trấn Phước Long, huyện Phước Long cho biết, gia đình anh đang thu hoạch tôm càng xanh trên diện tích 1ha. Giá bán tôm thương lái mua vào 80.000 đồng/kg. So với năm trước, giá tôm có giảm nhưng không đáng kể, năm nay tôm đạt đầu con khá cao vì thế hầu như các hộ gia đình đều có lời. Theo anh Tuấn, càng cận Tết giá tôm càng xanh sẽ nhích lên, những hộ thu hoạch sau sẽ có lời nhiều hơn.
Còn anh Nguyễn Văn Thiện, ấp Phước Thanh, xã Phước Long chia sẻ, năm nay ai làm mô hình lúa - tôm cũng trúng mùa được giá nên rất phấn khởi. “Ngày thu hoạch, mọi người ra đồng từ rất sớm, chủ ruộng phải xả nước, rồi nhờ anh em đến hỗ trợ bắt tôm. Tôm sau khi bắt lên phải được đưa ngay vào nhà rửa sạch, tạo ô xy lại để đảm bảo con tôm đến tay người tiêu dùng vẫn tươi ngon”.
Khi “con tôm ôm cây lúa”
Thống kê từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phước Long, vụ tôm càng xanh toàn huyện thả giống trên 13.570ha. Tới thời điểm này nông dân đã thu hoạch trên 4.000ha, nâng suất 200kg/ha, sản lượng trên 950 tấn, chủ yếu ở các xã Phước Long, Phong Thạnh Tây B, Phong Thạnh Tây A, Vĩnh Phú Tây và thị trấn Phước Long.
Ông Trần Văn Liêm - Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Long cho biết, mô hình kết hợp lúa - tôm càng xanh có hiệu quả kinh tế cao, thân thiện môi trường, tận dụng tối đa mặt nước, giảm sử dụng các loại hóa chất trong sản xuất lúa, ít gây hại đến môi trường ao nuôi. Thời gian tới huyện tiếp tục nhân rộng mô hình này ở những diện tích phù hợp, nhằm cải thiện kinh tế cho bà con nông dân.
Có thể khẳng định cây lúa và con tôm hiện là hai mặt hàng chủ lực của tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, mang lại sinh kế ổn định cho nhiều nông dân. Trong đó, mô hình “con tôm ôm cây lúa” đã mang lại kết quả tích cực, đặc biệt sau khi các tỉnh này tập trung đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Riêng tại tỉnh Bạc Liêu hiện có gần 40.000ha đất sản xuất theo mô hình lúa - tôm tại các huyện Phước Long, Hồng Dân và thị xã Giá Rai. Tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả của mô hình sản xuất này. Theo đó, định hướng đến năm 2025, Bạc Liêu mở rộng diện tích lên hơn 43.000ha. Tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng mô hình, đẩy mạnh công tác khuyến nông, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật để nhân rộng, tăng cường thông tin đến người dân.
“
Sau thời gian dài ngưng sản xuất vì giá tôm giảm mạnh, thời gian qua, người nuôi tôm bắt đầu cải tạo ao và thả giống để đón dịp tiêu thụ cuối năm. Tuy nhiên, nhiều người cũng không dám đầu tư lớn bởi lo ngại sẽ không có lời nếu giá tôm không tăng. Cũng đúng như dự đoán, giá tôm mặc dù không tăng nhưng lại tăng về số lượng nên thu nhập của người dân vẫn được đảm bảo.