Nông dân miệt ngàn

Cuối tháng 10-2019, nước lũ bắt đầu rút, Hai Phương loay hoay sửa chiếc bánh lái máy trục. Anh chuẩn bị 'o bế' làm đất để xuống giống lúa đông xuân. Hai Phương là con ông Út Ghiền - một trong những nông dân đã tạo nên thế hệ gắn bó với cây lúa, tạo nên thương hiệu lúa gạo miệt ngàn gắn với dòng chảy 100 năm của kinh xáng Xà No…

Dòng Xà No gắn liền với con đường lúa gạo miệt ngàn

Dòng Xà No gắn liền với con đường lúa gạo miệt ngàn

Liên kết tạo cánh đồng lớn

Hai Phương có bằng kỹ sư cầu đường, ra trường đi làm thuê cho doanh nghiệp ở miền Đông được 5 năm. Sau nhiều phen trăn trở, anh quyết định trở về quê cha ở miệt “12.500 - Mười Hai Ngàn Rưỡi” để kế nghiệp cha trồng lúa. Hai Phương vừa bước qua cái tuổi mà người xưa hay nói “tứ thập nhi bất hoặc” (tới 40 tuổi mới có thể hiểu thấu mọi sự lý trong thiên hạ). Nhìn Hai Phương loay hoay bên chiếc bánh lái máy trục, ông Nguyễn Văn Út (Út Ghiền) cười như mãn nguyện. Ông Út Ghiền cũng vừa bước qua tuổi thất thập cổ lai hy.

Người dân ở xã Vị Thanh (huyện Vị Thủy) không xa lạ với ông Út Ghiền, bởi ông là một trong những người đi tiên phong góp sức gây dựng cánh đồng mẫu đầu tiên của tỉnh Hậu Giang. Nông dân trong xóm gọi ông Út Ghiền là Chủ nhiệm Cánh đồng mẫu, thay vì gọi chủ nhiệm hợp tác xã (HTX). Ông Út Ghiền là thế hệ nông dân có thể nói vanh vách về miệt ngàn. Ông nói, từ đầu thế kỷ 20, sau khi đào kinh xáng Xà No, người Pháp tiếp tục “xẻ” khoảng 30 tuyến kinh: cứ 1.000m đào một con kinh lớn; chen vào giữa cứ 500m là một con kinh nhỏ.

Đây được xem là hệ thống thủy lợi đầu tiên để khai phá vùng đất màu mỡ phù sa. Ngày nay, khi tuyến đường nối Cần Thơ - Vị Thanh được đấu nối đã tạo nên một cung đường thú vị đi qua miệt ngàn. Theo nhà văn Sơn Nam, những địa danh này gắn liền với kinh xáng Xà No - con kinh quan trọng nhất vùng Hậu Giang, nối từ Cần Thơ qua Kiên Giang, vùng trồng lúa quan trọng ven sông Hậu. Từ kinh lớn này có những con kinh sườn.

Hệ thống kinh này đã dẫn nguồn nước ngọt từ sông Hậu vô tưới những đồng lúa bạt ngàn, rồi từ đây ghe xuồng lại chở lúa ra kinh Xà No, nơi có những chiếc sà lan lớn đang chờ “ăn” lúa đưa về Cần Thơ, Kiên Giang và nhiều nơi khác. Kinh Xà No vẫn được coi là “con đường lúa gạo” của miền Tây sông Hậu.

Cách đây 5 năm (2014), ông Út Ghiền trúng đậm nhờ trồng lúa thơm. Đó cũng là năm mà theo ông Út Ghiền, đất trồng lúa đạt năng suất cao nhất trong đời trồng lúa của ông. Cụ thể, đất của ông Út Ghiền trồng lúa đạt năng suất 26 tấn/3 vụ/ha/năm (cao nhất là lúa đông xuân đạt năng suất 10 tấn/ha). Lúa chất lượng cao, lúa thơm trong cánh đồng mẫu trúng lớn, được doanh nghiệp bao tiêu mua giá khá cao.

Nông dân Hậu Giang dùng máy phun giống đa năng - một giải pháp tiết kiệm nguồn lúa giống

Nông dân Hậu Giang dùng máy phun giống đa năng - một giải pháp tiết kiệm nguồn lúa giống

Ông Út Ghiền dành tiền lời mua thêm 7 công đất. Ông giờ thuộc lòng những quy trình sản xuất, những tiến bộ bước ngoặt của kỹ năng trồng lúa. Ông cũng là một trong những nông dân đầu tiên được ngành khuyến nông tỉnh hỗ trợ máy giê lúa sản xuất lúa giống. Ngoài ra, ông cũng được hỗ trợ máy tách hạt lúa giống. Giờ Út Ghiền nhường lại máy móc cho HTX nông nghiệp Hải Thành (xã Trường Long, huyện Châu Thành).

“Câu tay” trồng lúa thơm

Út Ghiền là bạn thân với ông Thiều Văn Hải, Giám đốc HTX Nông nghiệp Hải Thành - một trong những người được tôn vinh Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2018. Ông là người có những cách làm sáng tạo để nâng cao thu nhập cho gia đình và thành viên HTX. Hơn 20 năm trước, ông Hải lập gia đình và ra riêng chỉ với 1,5 công đất ruộng, nhưng giờ tổng diện tích đất sản xuất đã lên tới 6,6ha. Thu nhập hiện nay của gia đình ông đạt gần 2 tỷ đồng/năm.

Ông Thiều Văn Hải là người đầu tiên trong xã tìm đến các doanh nghiệp chuyên thu mua lúa gạo để hợp đồng bao tiêu; tính đến nay mô hình này đã hình thành được khoảng 10 năm. “Thấy gần đến ngày thu hoạch lúa, nông dân mình thường phải chạy đôn chạy đáo tìm người mua lúa, nhiều khi bị thương lái ép giá. Từ đó, tôi nghĩ cách hợp tác với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm thì mới phát triển bền vững được”, ông Hải nhớ lại quá trình liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất lúa.

Ban đầu, ở HTX nông nghiệp Hải Thành chỉ có ít người tham gia vì còn lo lắng với cách làm này, nhưng bây giờ, diện tích tham gia mô hình liên kết lên đến 40ha, hàng năm cung ứng lúa giống và lúa hàng hóa cho doanh nghiệp hơn 800 tấn.

Hiện ông Hải và các thành viên đang tiếp tục hợp đồng với doanh nghiệp để sản xuất lúa thơm Jasmine 85. Hiện nay, ông Hải đang bàn bạc với 20 thành viên hiện có của HTX nông nghiệp Hải Thành là sẽ thu hút thêm những hộ có ý định muốn vào HTX, để các hộ này được chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật canh tác, được bao tiêu sản phẩm. Lúc đó, sẽ có nhiều người thu nhập tiền tỷ mỗi năm từ mô hình sản xuất hiệu quả.

Những nông dân miệt ngàn được bao bọc bởi dòng Xà No đang vươn lên làm giàu từ việc áp dụng kỹ thuật tiên tiến để trồng lúa thơm, lúa chất lượng cao.

“Từ năm 1901, tiềm năng về phát triển nông nghiệp của tỉnh Hậu Giang đã được người Pháp phát hiện và đánh thức bằng việc cho xây dựng nên hệ thống kinh xáng Xà No - công trình thủy nông lớn nhất Nam kỳ thời đó, đã thực sự trở thành con đường nông sản sôi động nhất của khu vực ĐBSCL. Đến nay, nền nông nghiệp của tỉnh Hậu Giang đã có bước phát triển rất đáng ghi nhận, với vùng sản xuất nông nghiệp đa dạng, phong phú, có nhiều nông sản chủ lực và những mặt hàng đặc sản có giá trị khác; đang dần hình thành những vùng sản xuất tập trung, những cánh đồng lớn, với các tổ hợp tác, HTX và những nông dân tiên tiến”, ông Lê Tiến Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, nhận định.

CAO PHONG

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/nong-dan-miet-ngan-624294.html