Nông dân Mường Chà trăn trở với nghề nuôi thả cánh kiến đỏ

Được mùa, được giá thì chú trọng chăm sóc; nhưng khi mất mùa lại bỏ mặc. Câu chuyện muôn thuở về thị trường khiến nghề nuôi thả cánh kiến đỏ ở Mường Chà không thể phát triển, mặc dù người dân địa phương vẫn dành nhiều tâm huyết cho loại cây này.

Người dân xã Sa Lông phát cỏ, chăm sóc cây chủ cọ khiết để cánh kiến phát triển.

Người dân xã Sa Lông phát cỏ, chăm sóc cây chủ cọ khiết để cánh kiến phát triển.

Tâm huyết với nghề

Người Mông ở nhiều bản vùng cao của huyện Mường Chà đã quen với nghề nuôi thả cánh kiến đỏ, song không mấy ai biết có từ bao giờ. Họ chỉ biết rằng, từ xa xưa, các thế hệ ông, cha đã sử dụng sản phẩm cánh kiến đỏ như một loại thuốc, chế phẩm trong gia đình. Ngày nay, cánh kiến đỏ đã trở thành sản phẩm hàng hóa, được biết đến rộng rãi trong nước và quốc tế. Bởi vậy, giá trị kinh tế từ cánh kiến cũng tương đối cao. Tuy nhiên, người dân lại chưa thể phát triển nghề.

Gia đình anh Hạng A Minh, bản Cổng Trời là một trong số ít hộ còn giữ nghề nuôi thả cánh kiến ở xã Sa Lông. Hiện gia đình có khoảng 100 cây cọ khiết nuôi thả cánh kiến đỏ. Theo anh Minh việc nuôi thả, chăm sóc cánh kiến không khó. Có nhiều loại cây có thể làm cây chủ nuôi thả cánh kiến, song gia đình anh lựa chọn cọ khiết. Bởi theo kinh nghiệm cha ông để lại thì đây là cây chủ tốt nhất về sinh thái, năng suất cánh kiến đỏ cũng cao hơn các loài cây chủ khác.

Cọ Khiết là cây chủ thả cánh kiến được đa phần người dân ở Mường Chà lựa chọn.

Cọ Khiết là cây chủ thả cánh kiến được đa phần người dân ở Mường Chà lựa chọn.

“Vì khoảng thời gian mùa đông lạnh, cánh kiến sẽ phát triển kém hơn so với mùa hè nên thường thì vụ xuân mình nuôi thả vào tháng 4 đến tháng 6 và tháng 9, tháng 10 thu hoạch gối nhau. Mình cũng hạn chế trong mùa dông bão hay mưa như tháng 7. Tất cả những điều này là do cha ông truyền lại cho.” - anh Minh chia sẻ.

Năm 2023, gia đình anh Hạng A Minh thu khoảng 1,5 tấn nhựa cánh kiến. Với giá bán dao động từ 50 - 70 nghìn đồng/kg nhựa tươi, anh thu về khoảng 75 - 105 triệu đồng. Chăm sóc dễ dàng, lợi nhuận cao, song anh Minh lại không có ý định mở rộng diện tích cánh kiến của gia đình. Lý do anh đưa ra là chưa tìm được thị trường tiêu thụ ổn định, do vậy giá cả cũng bấp bênh, lên xuống qua mỗi năm.

Gia đình Hạng A Tráng, bản Trung Dình, xã Huổi Lèng cũng chung hoàn cảnh và tâm lý như anh Minh. Theo anh Tráng, hiện nay thị trường tiêu thụ chính của anh và bà con cũng chỉ do một số cửa hàng tạp hóa trên địa bàn xã mua. Nguồn bao tiêu sản phẩm ổn định chưa có, cũng không có đơn vị doanh nghiệp lớn nào đứng ra thu mua hoặc cam kết lâu dài.

“Gia đình tôi đã xem đây là nghề truyền thống nên vẫn duy trì làm. Bản thân tôi băn khoăn không biết có nên trồng nhiều hay không. Bỏ thì tiếc nên hiện nay gia đình vẫn giữ nguyên diện tích, vừa có khoản thu nhập thêm, đồng thời cũng là để giữ rừng. Nếu có thị trường ổn định, chúng tôi sẵn sàng trồng và mở rộng diện tích.” - anh Tráng cho biết.

Loay hoay tìm hướng phát triển

Ông Giàng A Cở, Phó Chủ tịch UBND xã Sa Lông cho biết: Nghề nuôi thả cánh kiến trên địa bàn hiện nay vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào 2 yếu tố thị trường tiêu thụ và thời tiết. Do vậy, việc phát triển diện tích cánh kiến cũng gặp nhiều rào cản. Trong đó, khó khăn nhất là chưa có đầu ra ổn định. Điều này cũng gây ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý người nuôi trồng. Khi được mùa bà con sẽ chú trọng chăm sóc, quan tâm; nhưng không được mùa hoặc thời tiết không ủng hộ, rét quá cánh kiến chết thì bà con lại bỏ mặc.

Nhiều năm qua, huyện Mường Chà được biết đến là địa phương có hàng trăm héc ta cây chủ cánh kiến. Sản phẩm cánh kiến đỏ có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, việc phát triển các diện tích này cũng đang gặp khó khăn. Theo thống kê, hiện toàn huyện còn duy trì khoảng 400ha, với cây chủ là cọ khiết. Vùng lõi để thả cánh kiến đỏ, gồm: Huổi Lèng, Sa Lông, Hừa Ngài...

Người dân xã Huổi Lèng bảo quản cánh kiến sau khi thu hoạch.

Người dân xã Huổi Lèng bảo quản cánh kiến sau khi thu hoạch.

Năm 2023, giá thu mua cánh kiến tươi dao động từ 50 - 70 nghìn đồng/kg, cánh kiến khô ở mức 80 - gần 100 nghìn đồng/kg. Đây được đánh giá là mức giá khá cao, song lại bấp bênh, thiếu tính ổn định. Theo từng năm, mức giá lại chênh lệch khác nhau. Câu chuyện muôn thuở về thị trường bao tiêu sản phẩm khiến bà con nuôi thả cánh kiến không thể mở rộng diện tích mặc dù vẫn dành rất nhiều tâm huyết cho loại cây này.

Trao đổi về thực tế này, ông Trần Đức Cương, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Chà cho biết: “Hiện nay huyện đã xác định được những khó khăn của bà con vùng trồng cánh kiến. Chúng tôi cũng đang nỗ lực tìm đầu ra ổn định hơn cho sản phẩm này. Tuy nhiên, việc này không dễ, chúng tôi đã liên hệ với rất nhiều đơn vị, đầu ra chủ yếu là thị trường Trung Quốc, nhưng chưa có kết quả khả quan. Tới đây, huyện sẽ tiếp tục kết nối với thị trường Nhật - nơi có khá nhiều tiềm năng. Nếu thuận lợi thì sẽ mở ra hướng đi ổn định để người dân mở rộng diện tích.”

Nghề nuôi thả cánh kiến đã có lâu đời trên đất Mường Chà, với nhiều tiềm năng được đánh giá cao. Song để tiềm năng này phát huy được giá trị trong phát triển kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo cho bà con thì vấn đề cần được ưu tiên hàng đầu hiện nay là giải được “bài toán” đầu ra, với thị trường ổn định bền vững.

Hà Linh

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/kinh-te/217196/nong-dan-muong-cha-tran-tro-voi-nghe-nuoi-tha-canh-kien-do