Nông dân Mỹ Lộc tích cực tham gia bảo vệ môi trường
Góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới (NTM), những năm qua, các cấp Hội Nông dân (HND) huyện Mỹ Lộc đã đăng ký thực hiện, đảm nhận nhiều hoạt động bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan luôn
Góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới (NTM), những năm qua, các cấp Hội Nông dân (HND) huyện Mỹ Lộc đã đăng ký thực hiện, đảm nhận nhiều hoạt động bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan luôn “sáng - xanh - sạch - đẹp”.
Các cấp HND huyện thường xuyên tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường; tích cực phối hợp, hưởng ứng các hoạt động nhân “Tuần lễ quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường”, “Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn”, Ngày Môi trường thế giới (5-6). Được tuyên truyền, vận động, cán bộ hội viên đã tích cực tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường trên đường giao thông liên thôn, liên xã bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Các cơ sở Hội đều đảm nhận tuyến đường tự quản, thường xuyên duy trì hoạt động vệ sinh môi trường, trồng hoa tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp. Các cán bộ, hội viên nông dân còn tích cực tham gia tổ thu gom rác thải ở các thôn, xóm, tổ thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng; triển khai mô hình thu gom, phân loại, xử lý rác thải tại gia đình. Toàn huyện hiện có 5/11 xã, thị trấn xây dựng mô hình thu gom, phân loại, xử lý rác thải tại gia đình với 2.199 hộ tham gia; được trang bị 1.009 thùng nhựa ủ rác và 1.190 nắp đậy hố ủ rác hữu cơ. Cùng với việc hướng dẫn hội viên, nông dân phân loại, xử lý rác thải, nhất là rác thải nguy hại với môi trường như túi nilon, rác vô cơ…, đồng thời thu gom rác hữu cơ, tiến hành phun ủ chế phẩm vi sinh, tạo nguồn phân bón cho cây trồng, HND huyện còn phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức tập huấn, hướng dẫn sử dụng phân bón, chế phẩm sinh học xử lý phế phụ phẩm nông nghiệp và chất thải chăn nuôi; sử dụng chế phẩm vi sinh để xử lý rơm rạ sau thu hoạch góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường nông thôn. HND huyện phối hợp với Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản tỉnh, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện hướng dẫn nông dân xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ mới, đảm bảo theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Nhiều hội viên nông dân đã tích cực áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học nhằm hạn chế dịch bệnh, tăng năng suất, hiệu quả kinh tế, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Được UBND xã Mỹ Thịnh tạo điều kiện chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang đất chăn nuôi, ông Vũ Văn Khiêm đã xây dựng mô hình chăn nuôi lợn gia công cho Công ty TNHH CJ VINA AGRI (Chi nhánh Bình Dương). Trang trại chăn nuôi lợn được xây dựng khép kín trên diện tích 11.106m2 với quy mô 2.000 con lợn thịt/lứa; tổng vốn đầu tư ban đầu trên 2 tỷ đồng. Hệ thống chuồng trại được xây dựng theo thiết kế của Công ty, bảo đảm vệ sinh môi trường với 2 dãy chuồng, có hệ thống làm mát, máng ăn bán tự động, máng uống nước tự động. Toàn bộ chất thải trong chăn nuôi được thu gom, chứa trong các hầm biogas. Sau khi xuất chuồng mỗi lứa lợn, chuồng trại được tiêu độc khử trùng, vệ sinh sạch sẽ bằng vôi bột và các chế phẩm sinh học an toàn, sau khoảng 15-20 ngày mới nhập lợn giống con về nuôi tiếp. Ông Trần Bùi Nam, xã Mỹ Trung xây dựng mô hình chăn nuôi gà đẻ trứng thương phẩm Tamago, với 2 khu chuồng chuyên nuôi gà quy mô lớn, một khu chuyên chăn nuôi nuôi gà đẻ trứng, một khu nuôi gà con. Các khâu chăn nuôi trong trang trại đều thực hiện theo quy trình khép kín nghiêm ngặt, từ khâu cho ăn, xử lý vệ sinh, đảm bảo lưu thông không khí thoáng mát, bảo quản trứng gà. Riêng khu nuôi gà đẻ có hệ thống cảm biến nhiệt độ, hệ thống lọc gió, gạt phân, đẩy trứng, tất cả đều được tự động hóa và lập trình trên máy vi tính nhằm đảm bảo dữ liệu luôn được cập nhật đầy đủ và duy trì, kiểm soát theo đúng quy định. Hệ thống khử mùi được ông đầu tư khá công phu; phân gà được thu gom thường xuyên, sau đó xử lý bằng phương pháp vi sinh hữu cơ bón cho cây trồng. Sản phẩm trứng gà Tamago của trang trại đã được Trung tâm Khoa học Công nghệ và Phát triển nông thôn (Tổng Công ty Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam) cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chí sản phẩm nông nghiệp uy tín chất lượng cao. Nhờ chú trọng sản xuất theo hướng bền vững gắn với bảo vệ môi trường, đến nay toàn huyện có 8 hộ có sản phẩm được cấp giấy chứng nhận VietGap, 2 mô hình sản xuất lúa được công nhận đạt tiêu chuẩn an toàn. Tiêu biểu như sản phẩm cá trắm đen của các hội viên Trần Văn Hiền, xã Mỹ Thắng; Đặng Thế Chinh, xã Mỹ Hưng; Trần Văn Ấn, Trần Văn Quyên, Trần Công Vịnh (tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản Tiền Phong, xã Mỹ Hà); sản phẩm thịt lợn sạch của trang trại hội viên Hà Danh Thảo, xã Mỹ Tiến; sản phẩm bưởi của hội viên Lê Văn Chiến, xã Mỹ Tiến.
Việc triển khai nhiều hoạt động bảo vệ môi trường, xây dựng và nhân rộng các mô hình nông dân bảo vệ môi trường, các cấp HND huyện Mỹ Lộc đã thu hút đông đảo cán bộ, hội viên tham gia, tạo cảnh quan môi trường nông thôn ngày càng sáng - xanh - sạch - đẹp, góp phần xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu tại các địa phương. Thời gian tới, các cấp HND trong huyện tiếp tục chủ động phối hợp với các ngành thực hiện các chương trình, hoạt động tham gia bảo vệ môi trường; đăng ký với cấp ủy, chính quyền địa phương đứng ra đảm nhận các phần việc cụ thể; đưa chỉ tiêu bảo vệ môi trường thành một trong các chỉ tiêu chính để đánh giá, xếp loại công tác Hội hàng năm./.
Bài và ảnh: Lam Hồng