Nông dân Mỹ Tú được mùa vụ lúa Đông - Xuân năm 2020
Trong những ngày này, nông dân trên địa bàn huyện Mỹ Tú đang gấp rút thu hoạch dứt điểm lúa Đông - Xuân năm 2020. Nhìn chung, vụ lúa này, nông dân trúng mùa và tiêu thụ dễ dàng, giá bán khá cao…
"Trúng mùa - được giá"...
Xác định vụ lúa Đông - Xuân là vụ sản xuất chính trong năm, ngay từ đầu vụ, ngành Nông nghiệp huyện Mỹ Tú đã phối hợp với các địa phương chủ động nguồn nước tưới; đồng thời, khuyến cáo nông dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật vào các khâu sản xuất nhằm hạ giá thành, tăng lợi nhuận. Bên cạnh đó, còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tình hình xâm nhập mặn và biện pháp phòng, chống; thông báo tình hình dịch bệnh trên lúa và tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng lúa trong điều kiện hạn, mặn... Nhờ đó năng suất lúa thu hoạch ước đạt 74 tạ/ha, ở một số chân ruộng được bà con chăm sóc tốt, năng suất đạt cao hơn.
Ông Trần Phước Mãi, ở ấp Mới, xã Hưng Phú phấn khởi: “Từ khuyến cáo của ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương, tôi cùng nhiều bà con nơi đây đã làm đất, xuống giống vụ lúa Đông - Xuân đúng theo lịch thời vụ nên đã chủ động được nguồn nước, lúa không bị ảnh hưởng bởi hạn, mặn. Kết quả vừa rồi, với gần 1ha lúa OM5451, tôi thu hoạch cho năng suất đạt gần 8 tấn/ha, giá bán thời điểm đó là 5.200 đồng/kg, sau khi trừ chi phí lời hơn 20 triệu đồng”.
Đang thu hoạch vụ lúa Đông - Xuân, ông Nguyễn Quốc Khởi, ở ấp Mỹ Đức, xã Mỹ Hương vui mừng: “Vụ lúa Đông - Xuân năm nay gia đình tôi canh tác gần 2ha, giống OM429 và hiện đang thu hoạch, năng suất đạt 950kg/công (1.300m2), với mức giá bán là 5.700 đồng/kg, sau khi trừ chi phí thu về lợi nhuận gần 60 triệu đồng”.
Cùng tâm trạng như ông Mãi, ông Khởi, hiện nhiều nông dân trên địa bàn các xã: Phú Mỹ, Long Hưng, Mỹ Tú, Thuận Hưng, Mỹ Thuận, Mỹ Phước... cũng rất phấn khởi khi lúa Đông - Xuân năm nay đạt năng suất cao, bình quân từ 7,4 đến 8 tấn/ha, cao hơn nhiều so với năm rồi. Hầu hết người trồng lúa ở đây đều xuống giống theo lịch thời vụ. Ngành nông nghiệp cùng các cấp chính quyền địa phương kịp thời cảnh báo dịch, bệnh hại lúa để người dân phòng trừ. Có thể nói, vụ lúa Đông - Xuân năm nay thắng lợi, lúa được mùa, bán được giá nên nông dân ai nấy cũng đều phấn khởi, có động lực tích cực chuẩn bị bước vào vụ sản xuất Hè - Thu sắp tới.
Theo Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỹ Tú Võ Minh Quân, vụ lúa Đông - Xuân năm nay, nông dân trên địa bàn huyện gieo trồng trên 30.467ha, đến trung tuần tháng 4-2020 nông dân đã thu hoạch gần 25.310ha, với các giống lúa cho năng suất, chất lượng cao, như: RVT, OM5451, Đài thơm 8, ST24… Năng xuất lúa đạt cùng với việc giá lúa được các thương lái thu mua ở mức cao, điển hình như giá bán lúa tươi tại ruộng đối với giống IR504 là 4.800 đồng/kg, OM5451, Đài thơm 8 giá từ 5.200 đồng - 5.400 đồng/kg; đặc biệt lúa RVT giá 6.500 đồng/kg; ST24 có giá 7.300 đồng/kg. Giá lúa tương đối ổn định, nông dân thu hoạch đến đâu thương lái vào tận nơi thu mua hết đến đó khiến người dân cảm thấy rất phấn khởi.
... Khuyến cáo nông dân xuống giống né rầy vụ lúa Hè - Thu 2020
Theo dự báo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh và dựa trên số liệu rầy nâu vào bẫy đèn, trong tháng 4 rầy nâu di trú từ ngày 15 đến ngày 25; tháng 5 rầy nâu di trú từ ngày 10 đến ngày 20; tháng 6 rầy nâu di trú từ ngày 15 đến ngày 25. Nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Sóc Trăng, dòng chảy trên sông Mê Kông về đồng bằng sông Cửu Long trong nửa cuối tháng 2, đầu tháng 3-2020 ở mức thiếu hụt so với trung bình nhiều năm; nắng nóng tiếp tục gay gắt; mùa mưa khả năng sẽ xuất hiện muộn hơn so với trung bình nhiều năm. Để chủ động triển khai các biện pháp phòng tránh, giảm nhẹ thiệt hại do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hạn chế dịch hại có khả năng ảnh hưởng đến cây lúa, ngành Nông nghiệp huyện Mỹ Tú xây dựng khung lịch thời vụ xuống giống lúa vụ Hè - Thu 2020.
Theo đó, đợt 1 sẽ xuống giống trong thời gian cuối tháng 4 (dương lịch), từ ngày 24-4 đến ngày 30-4 thu hoạch trong tháng 7 gồm các xã: Mỹ Phước, Mỹ Tú, Hưng Phú, Long Hưng, với diện tích 11.570ha, chiếm 50,2%. Đợt 2 sẽ xuống giống trong thời gian từ ngày 20-5 đến ngày 27-5 và kết thúc gieo sạ trong tháng 5 thu hoạch vào đầu tháng 9 gồm: thị trấn Huỳnh Hữu Nghĩa, Mỹ Hương, một phần xã Mỹ Thuận, Thuận Hưng và Phú Mỹ; đối với phần còn lại của xã Thuận Hưng, Mỹ Thuận và Phú Mỹ có thể kết thúc gieo sạ trong tháng 6 (dương lịch).
Theo đồng chí Võ Minh Quân, khuyến cáo nông dân cơ cấu giống sử dụng gồm các giống chủ lực như: Đài thơm 8, OM5451, OM18, OM4900, OM6976, các giống lúa nhóm ST. Các giống lúa có triển vọng đề nghị bổ sung: OM18, OM380, ST25. Các giống lúa chống chịu phèn - mặn trung bình, khá gồm: OM6976, OM4900, OM5451, Đài thơm 8, OM18, OM6162, OM7347, OM9915, OM9577, các giống lúa thơm nhóm ST. Sau khi thu hoạch lúa Đông - Xuân, bà con nên tranh thủ vệ sinh đồng ruộng, cày ải phơi đất cắt mao dẫn phèn, phân hủy rơm rạ, diệt lúa rài, lúa chét và mầm bệnh. Trước khi xuống giống khoảng 2 tuần, bón lót vôi từ 300 - 500kg/ha. Sau khi bón vôi cho nước vào ruộng ngâm tối thiểu khoảng 2 tuần để độc chất mặn - phèn đi ra dung dịch đất. Xả bỏ nước trong ruộng đến cạn, sau đó cho nước vào đo lại, độ mặn < 1‰ và pH đất từ > 5,5 - 7 thì mới được xuống giống. Cần đánh nhiều rãnh trong ruộng, chiều rộng rãnh khoảng 20cm, sâu 20cm, khoảng cách giữa các rãnh 6m. Để tăng sức chống chịu cho hạt giống trong điều kiện bất lợi của môi trường, có thể xử lý hạt giống trong lúc ngâm ủ bằng các loại như: Nyro 0,01SL, Comcat 150WP…
Tùy theo tình hình thủy văn (hạn, mặn) và tình hình thực tế của các địa phương sẽ xác định lịch gieo sạ cụ thể cho từng vùng theo phương châm đồng loạt, tập trung và né rầy; nếu có mưa sớm đủ nước ngọt các khu vực sản xuất 3 vụ lúa/năm, khuyến cáo người dân tranh thủ xuống giống sớm hơn để né hạn, mặn vào cuối vụ. Trên cơ sở tình hình thực tế của địa phương, ngành nông nghiệp đề nghị UBND các xã, thị trấn nghiên cứu chỉ đạo triển khai lịch xuống giống tập trung hợp lý, phù hợp từng tiểu vùng, góp phần bảo vệ năng suất và sản lượng lúa Hè - Thu 2020 đạt kết quả cao.